Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao khi các ngân hàng lớn trên thế giới giảm lãi suất?

Với độ mở kinh tế lớn, những chuyển động giảm lãi suất của nhiều nước trên thế giới sẽ tác động đến Việt Nam với những đan xen cả tích cực lẫn thách thức.

Các chuyên gia đánh giá, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa lẫn tiền tệ để đảm bảo ổn định các cân đối lớn và hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế.

Kẻ cười, người lo

Chị Nguyễn Phượng, Giám đốc tài chính một công ty mỹ phẩm tại TP.HCM, không nén được tiếng "thở dài" khi nhìn thấy một loạt các quốc gia như Thụy Sĩ, châu Âu cắt giảm lãi suất.

“Vì chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia châu Âu với Mỹ càng khiến đồng đô la Mỹ mạnh lên. Trong khi sản phẩm công ty chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, nên rất khó để có thể giảm giá sản phẩm, do đó càng khó bán hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay” – chị Phượng nói.

Thực tế gần đây, một loạt các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã có những động thái giảm lãi suất. Đơn cử Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) vừa cắt giảm lãi suất. Trước đó, vào tháng 3, Thụy Sĩ cũng đi đầu trong việc cắt giảm lãi suất nếu xét về quy mô kinh tế lớn trên thế giới.

Sau đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng giảm lãi suất từ 4% xuống còn 3%. Đây lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2019. Quyết định này được cho là bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm lạm phát, đã giảm từ hơn 10% vào cuối năm 2022 xuống gần mục tiêu 2% của ECB.

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cũng đã cắt giảm lãi suất 0,25%, đánh dấu kết thúc của một loạt đợt tăng lãi suất nhằm chống lạm phát. Động thái này phản ánh tiến bộ về kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong một báo cáo phát hành gần đây, các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán KBSV cũng bình luận, việc hạ lãi suất của các nước lớn trên thế giới, trong khi Mỹ vẫn giữ nguyên môi trường lãi suất cao từ năm 2022 đến nay, thì với mức chênh lệch lãi suất như vậy sẽ tạo ra sức mạnh cho đồng đô la Mỹ.

 Nhiều nước lớn giảm lãi suất sẽ giúp thúc đẩy hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Nhiều nước lớn giảm lãi suất sẽ giúp thúc đẩy hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Tuy nhiên, ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Agrex Saigon, chuyên xuất khẩu sản phẩm chế biến sang các thị trường châu Âu lại cảm thấy vui mừng trước diễn biến mới về lãi suất của các nước trên. Điều này cho phép công ty của ông gia tăng doanh số.

"Bởi vì lãi suất giảm, chi phí đi vay giảm, sẽ khuyến khích chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng lên, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhờ đó, người dân các nước này sẽ gia tăng mức tiêu dùng với nhiều sản phẩm nhập khẩu hơn, đặc biệt những hàng hóa có giá trị cao. Trong khi trước đó, họ chỉ tập trung chi tiêu những hàng hóa thiết yếu nhất.

Ngoài ra, lãi suất giảm sẽ khiến đồng Euro và đô la Canada yếu hơn có thể dẫn đến nhập khẩu rẻ hơn từ các khu vực này. Từ đó, có khả năng giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu mua hàng từ các nước này” – ông Long cho biết.

 Số lượng đơn đặt hàng cho doanh nghiệp Việt ngày càng nhiều. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Số lượng đơn đặt hàng cho doanh nghiệp Việt ngày càng nhiều. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Linh hoạt ứng phó

Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, Việt Nam là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế toàn cầu. Việc cắt giảm lãi suất gần đây của các ngân hàng trung ương lớn như ECB, SNB và BoC có thể dẫn đến biến động tiền tệ và thay đổi động lực thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Việc cắt giảm lãi suất của ECB, SNB và BoC có thể khiến đồng tiền các nước này mất giá. Điều này làm cho hàng hóa châu Âu và Canada, Thụy Sĩ rẻ hơn trên thị trường toàn cầu, có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam do chúng trở nên đắt hơn tương đối.

Tuy nhiên, chi phí vay giảm ở châu Âu và Canada có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế ở các khu vực này, có khả năng làm tăng nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam. Điều này có thể có lợi cho các ngành như dệt may, điện tử và nông nghiệp, vốn là những ngành đóng góp xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam.

Theo tiến sĩ Võ Đình Trí, Đại học Kinh tế TP.HCM, kinh tế Mỹ và châu Âu đang hồi phục, thúc đẩy mạnh các đơn hàng vào cuối năm. Thời điểm này các đơn vị xuất khẩu Việt Nam đã nhận được các hợp đồng cho mùa lễ hội cuối năm, mùa tiêu dùng rất lớn cho giày dép, quần áo, điện tử..., vốn là những thế mạnh của Việt Nam. Điều này sẽ tác động tích cực cho xuất khẩu Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, châu Âu giảm lãi suất có thể là hơi sớm vì áp lực lạm phát vẫn còn cao. Nếu áp lực lạm phát quay trở lại, thì có khả năng những diễn biến không mấy tích cực của thị trường này xuất hiện, mà đơn cử người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm. Doanh nghiệp sẽ thấy đơn hàng cũng giảm theo.

 Khi chi phí vay giảm, chi tiêu của người tiêu dùng ở châu Âu và Canada có thể tăng lên, dẫn đến chi tiêu tùy ý cho du lịch cao hơn. Điều này có thể mang lại lợi ích cho ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Khi chi phí vay giảm, chi tiêu của người tiêu dùng ở châu Âu và Canada có thể tăng lên, dẫn đến chi tiêu tùy ý cho du lịch cao hơn. Điều này có thể mang lại lợi ích cho ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn cũng nhận định, để hóa giải các biến động từ thị trường quốc tế thì Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào bằng cách mở rộng quan hệ thương mại với các nước khác. Điều này có thể giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động tiền tệ và suy thoái kinh tế ở các khu vực nhất định.

Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thông qua việc tập trung đẩy mạnh chất lượng và giá trị gia tăng của hàng Việt Nam xuất khẩu để duy trì khả năng cạnh tranh bất chấp sự thay đổi của tiền tệ.

“Với việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu lớn trên thế giới, Chính phủ cần thực hiện chính sách tỉ giá hối đoái linh hoạt để đối phó với các cú sốc bên ngoài và duy trì ổn định kinh tế.

Điều này liên quan đến việc giám sát tích cực thị trường tài chính toàn cầu và các biện pháp can thiệp thích hợp khi cần thiết. Đồng thời, xây dựng dự trữ ngoại hối mạnh mẽ để chống lại biến động tiền tệ và áp lực kinh tế bên ngoài” – tiến sĩ Tuấn khuyến nghị.

Thực tế, những dịch chuyển chính sách tiền tệ của các nước lớn đã tác động khá tích cực với Việt Nam. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng của Việt Nam (PMI) đã có mức tăng vượt bậc trong tháng 6-2024 với 54,7 điểm, và số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh nhất kể từ tháng 3-2011.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, ngành sản xuất của Việt Nam sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm, vượt qua tình trạng tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong những tháng gần đây nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh. Triển vọng của các điều kiện kinh doanh thuận lợi tiếp tục hỗ trợ cho niềm tin kinh doanh về triển vọng sản lượng ngành sản xuất trong thời gian tới.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-bi-anh-huong-ra-sao-khi-cac-ngan-hang-lon-tren-the-gioi-giam-lai-suat-post800085.html
Zalo