Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện tóm lược - Nghĩa lý, bối cảnh (P.1)
Danh hiệu Bồ tát Địa Tạng có thể hiểu rằng là tượng trưng của mảnh đất chứa đựng mọi hạt giống của Phật pháp, với lòng từ bi ví như đất, trí tuệ rộng lớn như đất, Bồ tát cứu độ và nâng đỡ mọi chúng sinh.
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
1. Giải thích nghĩa lý tên kinh
“Địa Tạng Bồ tát” là nói tới “người”, “Bổn nguyện” là pháp môn, cũng có thể hiểu là “bổn hạnh”, hạnh và nguyện là như nhau. Bổn nguyện hay được gắn với vị Bồ tát Địa Tạng là sinh hoạt đạo pháp, tu trì, phổ độ, thệ nguyện to lớn và thâm sâu…
Chữ “Địa” trong Địa Tạng là đại địa. Địa là đất, gọi là đại vì yếu tố thuộc “đất” có mặt ở mọi chỗ, và địa đại là nơi để vạn vật nương vào mà sinh tồn, trên thế gian này không gì tách ra khỏi đất mà có thể sống được.
Không chỉ loài hữu tình, mà ngay cả những loài vô tình như cây, đá cũng nương vào đất, kể cả đồ đạc vô tri, phương tiện sống con người như nhà cửa cũng phải từ đất mà xây lên, không ai xây nhà giữa hư không cả.
Điều đặc biệt của hình tượng đất chính là dù ai có gieo gì, đất vẫn lặng yên đón nhận. Đất, tượng trưng cho sự rộng lớn và lòng từ bi.
Chữ “Tạng” có nghĩa là hàm chứa, là cái kho chứa đựng.
Danh hiệu Bồ tát Địa Tạng có thể hiểu rằng là tượng trưng của mảnh đất chứa đựng mọi hạt giống của Phật pháp, với lòng từ bi ví như đất, trí tuệ rộng lớn như đất, Bồ tát cứu độ và nâng đỡ mọi chúng sinh.
2. Bối cảnh bộ kinh ra đời
Kinh ghi chép rằng, Phật Thích Ca lúc này tại cõi trời Đao Lợi để thuyết giảng.
Trời Đao Lợi là tầng trời thứ 2 trong 6 tầng trời ở cõi Dục. Đao Lợi là tiếng Phạn, dịch là "Tam thập tam" nghĩa là 33 (ba mươi ba), tầng trời này tại núi Tu Di, nơi đó chia ra làm 33 nước trời, 32 nước ở bốn phương xung quanh, mỗi phương 8 nước; chính giữa là Thiện Kiến thành, cung của trời Đế Thích, vị trời này quyền thống nhiếp cả 33 nước trời.
Đương thời truyền thuyết kể rằng đức Phật Thích ca Mâu ni ngự tại cung Trời này mà thuyết pháp trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7), thánh Mẫu là bà Maya (Ma – da), mẹ của Thái tử Tất Đạt Đa. Bảy ngày sau khi hạ sinh Thái tử, bà bỏ thân người sinh lên cõi trời Đao Lợi. Đức Phật ngự lên đó nói pháp, trước để đáp ơn sinh thành, sau để giáo hóa hàng chư Thiên, cùng tất cả Thánh, phàm.
3. Kinh giới thiệu hạnh nguyện Bồ tát Địa Tạng thành đạo
3.1. Tiền thân làm vua
Vô lượng kiếp về trước, lúc đó có đức Phật hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Khi Ngài chưa xuất gia, Ngài làm vua một nước nhỏ, kết bạn với vua nước lân bang, hai vua đồng thực hành giữ giới, làm mười hạnh lành đem lợi ích cho nhân dân, thấy nhân dân gây nhiều tội lỗi, 2 vị vua cố gắng dìu dắt.
Một vị vua phát nguyện sớm thành Phật, sẽ độ hết nhân dân. Vị vua còn lại phát nguyện nếu chưa độ được hết những kẻ tội khổ làm cho đều an vui chứng quả Bồ đề, quyết chưa chịu thành Phật.
Sau đó, vị phát nguyện sớm thành Phật đắc quả thành Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Còn vị vua phát nguyện độ hết chúng sinh mới thành Phật chính là Bồ tát Địa Tạng.
3.2. Tiền thân là nàng Quang Mục cứu mẹ
Vô lượng kiếp về trước, có đức Phật ra đời hiệu là Liên Hoa Mục Như Lai, (cùng 10 danh hiệu như câu chuyện tiền thân bên trên: Ứng Cúng, …, Thế Tôn).
Trong thời Mạt pháp, có một vị La Hán phước đức cứu độ chúng sinh, gặp một người nữ tên Quang Mục, nàng này sắm sửa đồ ăn cúng dường vị La Hán.
Vị La Hán thọ cúng dường, hỏi mong muốn nàng, nàng Quang Mục thưa mẹ mình khuất, không biết thác sinh vào đâu, ngày ngày làm thiện mong cứu vớt được mẹ mình. Vị La Hán nghe chuyện thương cảm, nhập định quán sát và thấy mẹ nàng đọa vào chốn địa ngục. Mẹ của nàng Quang Mục thời còn sống, ham mê sát sinh loài vật, các con non, nên khi khuất phải chịu quả khổ sở. Vị La Hán khuyên nàng Quang Mục hãy đem lòng chí thành niệm đức Liên Hoa Mục Như Lai, vẽ đắp tượng Phật, cho kẻ còn, người mất đều được lợi.
Nàng Quang Mục vì thương mẹ, phát khởi lòng từ bi với chúng sinh, phát nguyện về muôn kiếp sau, nếu thế giới nào vẫn có chúng sinh làm ác bị đọa địa ngục, nàng nguyện cứu vớt chúng sinh làm cho tất cả đều thoát khỏi ác đạo, khi đã hết rồi mới thành bậc Chính giác.
Nàng Quang Mục thời đó, về sau đắc quả chính là ngài Địa Tạng Bồ tát. Ngài Địa Tạng Bồ tát có sức oai lực không thể miêu tả, nhiều lợi ích cho chúng sinh.
3.3. Các nhân khiến chúng sinh tương ưng lấy ác đạo
(1). Chúng sinh chẳng hiếu thảo cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ.
(2). Chúng sinh có lòng ác, làm thân Phật bị thương, khinh chê Tam bảo, chẳng kính kinh điển.
(3). Chúng sinh xâm hại tăng, ni, làm sự dâm loạn trong chốn chùa chiền, hoặc giết hại tăng, ni,…
(4). Chúng sinh giả làm sa môn dù cho tâm chẳng phải sa môn, trái phạm giới luật, lừa gạt người khác, lợi dụng niềm tin tạo nhiều điều ác.
(5). Chúng sinh trộm cắp tài vật, lúa gạo, đồ uống, y phục, tài sản,… không cho mà lấy một vật nào đó.
Với những chúng sinh phạm những điều như vậy tại cõi đời, bị đọa vào địa ngục Vô Gián, cầu tạm ngừng sự đau khổ một niệm cũng không được.
Kinh giải nghĩa địa ngục Vô Gián
Địa ngục Vô Gián có nghĩa là nơi đau khổ, sự hành hạ, quả báo phải trả liên tục “không” (vô) có sự “gián” đoạn, gồm có những đặc điểm sau:
(1). Chúng sinh trong đó chịu khổ cả ngày lẫn đêm, trải qua đủ số kiếp không có lúc nào ngừng nghỉ.
(2). Dù có bao nhiêu thân xác, dù ít, hay nhiều, ngục vẫn sẽ cảm ứng dung chứa đủ, cảm giác chật chội, nóng bức.
(3). Không phân biệt là trai hay gái, người sang, kẻ hèn, hay bất kì ai, hễ gây tội ác, theo đó mà cảm lấy nghiệp báo, tất cả đều đồng nhận quả báo khổ, không có lúc nào ngừng nghỉ.
(4). Nếu bị đọa vào địa ngục Vô Gián, từ khi vào cho tới trăm nghìn kiếp, mỗi một ngày đêm muôn lần chết đi sống lại, muốn cầu tạm ngừng không được, trừ khi tội nghiệp tiêu hết mới được thọ sinh sang cảnh giới khác.
Vì sự không ngơi nghỉ của những lý đó, mà gọi là địa ngục Vô Gián.
Còn nữa...
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện kinh giảng ký, Hòa thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh tông Học hội Tân Gia Ba.
2. Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện (Trọn bộ), Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Pháp Đăng, Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh, NXB Tôn giáo, 2016.