Kiến trúc tạo nền tảng cho phát triển Thủ đô bền vững

Nhận diện các thách thức về áp lực phát triển kinh tế - xã hội như tình trạng xây dựng mật độ cao, quá tải hạ tầng, các không gian và hình thái di sản chịu xâm lấn… TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tăng cường công tác quản lý kiến trúc, đặc biệt trong đó có Luật Thủ đô 2024.

Quỹ kiến trúc tiêu biểu

Trong tiến trình phát triển của Thủ đô Hà Nội, kiến trúc là lĩnh vực tính đặc thù, gắn bó trực tiếp với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế – xã hội; tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững cho con người và xã hội. Trong lịch sử nghìn năm văn hiến, qua hầu hết các triều đại đều có những dấu ấn kiến trúc từ chỗ tiềm ẩn trong lòng đất đến hiện hữu ngày nay. Minh chứng rõ nét có thể kể tới như di tích Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long… đến các di sản đô thị, tiêu biểu như kiến trúc Pháp với các biệt thự cổ. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có các công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt như Bảo tàng lịch sử quốc gia, Bắc Bộ Phủ, Bộ Ngoại Giao…

Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: Lại Tấn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: Lại Tấn

Theo các chuyên gia, thời gian qua, kiến trúc Hà Nội đã kế thừa và phát triển các đặc trưng tốt đẹp sự đa dạng mang tính bản địa theo từng khu vực của; các khu di sản, khu dân cư hiện hữu được cải tạo chỉnh trang ngăn nắp và các khu đô thị mới hiện đại, kết hợp hài hòa, phát huy những khu vực cảnh quan sinh thái đặc trưng của Sông Hồng và các con sông khác, hồ nước, vườn cây xanh được bảo vệ… luôn hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu và tạo lập các không gian cộng đồng như là một trong những mục tiêu chính. Về phong cách kiến trúc, ngoài sự bảo vệ giữ gìn các khu vực không gian và công trình di sản, tại các khu vực này sẽ hướng đến cả những sự chuyển hóa hài hòa và cả sự khác biệt nhưng tích cực, ghi dấu sự phát triển thời đại mới.

Ngày 27/4/1948, Bác Hồ đã gửi thư động viên, căn dặn giới Kiến trúc sư nhân Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam nay là Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2008/QĐ-TTg, ngày 4/11/2010 công nhận ngày 27/4 hàng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam.

Tuy nhiên, kiến trúc Hà Nội vẫn phải đối diện với các thách thức về áp lực phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng xây dựng mật độ cao, quá tải hạ tầng, các không gian và hình thái di sản chịu xâm lấn, các khu vực hiện hữu còn lộn xộn, môi trường sống một số nơi chưa tốt.. Về kiến trúc công trình còn thiên về thực dụng, tạo lập đơn lẻ, thiếu sự kết nối không gian tổng thể và sử dụng, thiếu tính bền vững cả về kiến trúc. Đồng thời, kiến trúc nông thôn, ngoại thành đang chịu biến đổi bởi tác động xâm lấn đối với các không gian kiến trúc truyền thống, và cạnh đó là thách thức về công cụ quản lý.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ: Các công trình có giá trị thường đứng đơn chiếc, có quy mô vừa phải, thiếu không gian rộng mở bao quanh. Các di sản đô thị đặc sắc như khu phố cổ, khu phố cũ (chủ yếu thời Pháp) không còn bảo lưu đầy đủ những đặc điểm và vẻ đẹp từng có, đã bị xé lẻ, biến dạng và xuống cấp; các làng cổ, làng cũ, danh lam thắng cảnh thuộc diện di sản đang ở trong tình trạng mâu thuẫn đối kháng giữa bảo tồn và phát triển; tài nguyên thiên nhiên và thiên nhiên nhân văn hóa, tài nguyên di sản văn hóa - nhân văn cùng quỹ kiến trúc đô thị, đã định hình trên thực tế và trong trí nhớ, đang bị xé nhỏ, lấn át, làm lu mờ bởi sự bành trướng của đô thị hiện đại.

Tăng cường công tác quản lý kiến trúc

TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tăng cường công tác quản lý kiến trúc trên địa bàn Hà Nội, như Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 22/12/2023 thực hiện định hướng Phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP Hà Nội. Ngày 31/12/2024, UBND TP đã có Quyết định số 73/2024/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội.

Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn

Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: "Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội được lập theo quy định tại Luật Kiến trúc và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ uy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, là bước đi mới. Nếu trước đây, chúng ta quản lý quy hoạch và kiến trúc mang tính tổng quát thì nay, quy chế quản lý kiến trúc đi thẳng vào vấn đề liên quan đến kiến trúc của vùng đô thị và nông thôn, để phát triển vừa có bản sắc, vừa hiện đại về mặt kiến trúc, đồng thời có khả năng bền vững theo các hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn đã được phê duyệt.

Đồng thời, thời gian qua, TP đã thành lập, thường xuyên kiện toàn và tăng cường, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng kiến trúc TP Hà Nội. Mới đây nhất, ngày 11/4/2025, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 1984/QĐ-UBND về việc kiện toàn thành viên Hội đồng kiến trúc TP Hà Nội, Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng. Sở QH - KT là cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng.

Đặc biệt, ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025) là văn bản pháp lý quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó quy định các khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. HĐND TP ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị; quy định việc lập hồ sơ quản lý công trình kiến trúc có giá trị, việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo vệ khu vực, công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu.

Hiện nay, UBND TP đang trình HĐND TP ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn TP Hà Nội (Đợt 1) tại Tờ trình số 112/TTr - UBND ngày 17/4/2025. Đây không chỉ là một trong các biện pháp bảo tồn các di sản có giá trị của TP mà còn là nền tảng để phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kien-truc-tao-nen-tang-cho-phat-trien-thu-do-ben-vung.687474.html
Zalo