Chợ dân sinh ở Hà Nội bỏ hoang gây lãng phí
Chợ dân sinh được xây dựng với mục đích giảm thiểu chợ cóc, cải thiện mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Nhưng hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, một số khu chợ dân sinh trong tình trạng bỏ hoang hoặc ế ẩm.
Xây dựng chợ dân sinh rồi... "đắp chiếu"
Chợ Phúc Lý nằm trên địa bàn phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), có vị trí mặt đường trục Tây Thăng Long (đoạn chạy qua quận Bắc Từ Liêm). Chợ Phúc Lý được khởi công từ tháng 10/2010, nhưng đến tháng 10/2017 mới hoàn thành công tác đầu tư xây dựng.

Nhiều năm qua, chợ Phúc Lý không có hoạt động mua bán, thường xuyên “cửa đóng, then cài”.
Sau khi hoàn thành công trình, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có Quyết định số 8120/QĐ-UBND ngày 30/10/2017, giao Ban quản lý chợ quản lý và xây dựng phương án kinh doanh khai thác theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông kết nối không thuận tiện, một số tiểu thương, sau khi ký hợp đồng, đã bỏ chợ do buôn bán không hiệu quả. Chợ Phúc Lý bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Theo cán bộ Ban quản lý chợ Phúc Lý, dù liên tục mời tiểu thương, treo biển cho thuê ki-ốt, nhưng mấy năm nay vẫn không có người kinh doanh. Trước đây, chợ hoạt động một thời gian, tiểu thương không bán được hàng nên chuyển đi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, người dân sinh sống gần chợ chia sẻ, chục năm nay, người dân phải đi chợ cóc, chợ đầu mối mua hàng, vì chợ dân sinh của phường chưa thể hoạt động.

Chợ Xuân Phương được xây dựng từ năm 2016 với số vốn đầu tư gần 18 tỷ đồng.
Cũng trong tình trạng tương tự, gần 10 năm qua, chợ Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) vẫn chỉ là khu nhà hoang vắng, xung quanh cỏ mọc um tùm. Đây là chợ dân sinh có vị trí đắc địa, nằm gần trường học, sát tuyến đường đôi nối khu đô thị Xuân Phương với quốc lộ 32.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu chợ này, nhiều hạng mục công trình xuống cấp, cỏ mọc um tùm. Một số khu vực đang xây dựng dang dở, trong khuôn viên cũng không có người trông coi.
Người dân sống tại khu vực gần chợ cho hay, do chợ Xuân Phương chưa hoạt động, việc mua, bán diễn ra tại chợ cóc cách đó vài trăm mét hoặc chợ Vân Canh (huyện Hoài Đức) cách khoảng 2km.
Nhiều năm nay, người dân kiến nghị với chính quyền các cấp, mong chợ Xuân Phương sớm hoạt động để có chỗ kinh doanh, mua bán nhưng chưa được giải quyết.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm thông tin, dự án này trước đây vướng giải phóng mặt bằng nên chậm trễ. Bây giờ, dự án đã xong phần giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đang đôn đốc nhà thầu thi công nốt những hạng mục còn thiếu như: Hệ thống phòng cháy chữa cháy và chợ ngoài trời có mái che. Dự kiến hết quý II/2025, chợ sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động.

Bên trong chợ Xuân Phương, cỏ mọc um tùm.
Cần quy hoạch và quản lý chợ dân sinh phù hợp
ThS.KTS Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc - Quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng) cho biết, do tác động của quá trình thương mại điện tử, cộng với hệ thống các siêu thị tiện ích 24/7, người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ thương mại. Vì thế, nhu cầu sử dụng chợ dân sinh cũng thay đổi.
Nhưng theo quan điểm của ThS.KTS Lê Hoàng Phương, chợ dân sinh sẽ không dễ dàng mất đi, vì ngoài chợ cóc, chợ tạm mang tính chất tự phát, phần lớn chợ dân sinh đã gắn với đời sống của người dân đô thị từ lâu. Nó đang biến đổi linh hoạt với nhu cầu của người dân.
Hơn nữa, đặc điểm của các đô thị của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là xuất phát điểm nông thôn, được đô thị hóa. Do đó, chợ dân sinh cũng biểu hiện văn hóa của nông thôn trong các đô thị. Ở đây, chợ dân sinh không chỉ cung cấp nhu yếu phẩm thường xuyên mà còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa.
Với cách nhận diện như thế, chợ dân sinh sẽ không biến mất mà thay vào đó, phải tìm cách quy hoạch và quản lý để đảm bảo yếu tố mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự của đô thị. Như vậy, sẽ đảm bảo chợ dân sinh vẫn tồn tại cùng các cộng đồng dân cư đô thị.
Những nước phát triển trên thế giới, ví dụ Pháp, vẫn có họp chợ giống như chợ phiên, quây từng khu vực, cũng có ô, thửa, lều, chõng đầy đủ để đảm bảo mỹ quan cho người dân sinh hoạt dịp cuối tuần.
KTS Lê Hoàng Phương chia sẻ thêm, đối với những chợ truyền thống xuất phát từ làng xóm nông thôn được đô thị hóa, phần lớn chợ nằm ở vị trí trung tâm như cổng đình, chùa, chợ làng… Vì vậy, các hoạt động văn hóa diễn ra khá thường xuyên.
Những khu đô thị mới, khu chung cư cũng có nhiều hoạt động kết hợp. Người dân đến các trung tâm thương mại sẽ có rất nhiều dịch vụ. Mỗi một cấu phần sẽ đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người dân.
Trước mắt, trong giai đoạn quá độ của từng khu vực phát triển đô thị, cũng nên xem xét có định hướng giữ lại chợ dân sinh, nhưng giữ lại theo hướng quản lý thế nào để đảm bảo trình độ phát triển đô thị. Sau đó, tùy từng khu vực mà sẽ có cách xử lý, nếu tốt sẽ khuyến khích phát triển, còn không thì xóa bỏ. Như vậy, vai trò quản lý của cơ quan Nhà nước sẽ rất quan trọng.