Chủ tịch xã được bổ nhiệm, tạm đình chỉ công tác cấp phó, người đứng đầu cơ quan chuyên môn
Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, chủ tịch UBND xã được quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn... thuộc UBND cấp mình.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký tờ trình gửi Quốc hội về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.
So với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành gồm 50 điều, dự thảo trình Quốc hội lần này dự kiến có 54 điều (tăng 4 điều), trong đó giữ nguyên 4 điều, bỏ 4 điều; bổ sung mới 8 điều; sửa đổi, bổ sung 42 điều. Đồng thời chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp (bỏ cấp huyện).
Đây là lý do cần thiết phải ban hành Luật để thay thế Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, theo Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH
Chính quyền cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện và cấp xã hiện nay
Đáng chú ý, dự thảo luật đã đề xuất sửa đổi các quy định để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên xã, vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh.
Để thực hiện nhất quán nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… của địa phương.
Trong khi đó, cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp xã.
Dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã.
Đồng thời, dự thảo Luật quy định căn cứ tình hình thực tiễn, UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND, chủ tịch UBND cấp xã đối với các vấn đề cấp xã thực hiện hiệu quả, sát thực tiễn hơn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dự thảo Luật cũng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở phường để quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu.
Việc này nhằm trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.

Cán bộ đang hướng dẫn làm thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: THUẬN VĂN
Chủ tịch xã được quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cấp phó
Điều 25 dự thảo luật quy định 16 nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND xã. Đáng chú ý, chủ tịch xã có nhiệm vụ chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức trên địa bàn theo quy định và phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên.
Chủ tịch xã quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình.
Người đứng đầu UBND xã còn được quyết định tạm đình chỉ công tác đối với phó chủ tịch UBND cấp mình, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình.
Chủ tịch UBND phường cũng có trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ tương tự như chủ tịch xã, trừ nội dung hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của tự quản của thôn trên địa bàn.
Ngoài ra, người đứng đầu UBND phường được bổ sung bảy nhiệm vụ, quyền hạn khác. Chẳng hạn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng đô thị bảo đảm sự phát triển đồng bộ, liên thông, thống nhất, hài hòa giữa các khu vực đô thị trên địa bàn; sử dụng quỹ đất đô thị phục vụ cho việc xây dựng công trình hạ tầng đô thị theo phân cấp và theo quy định.
Chủ tịch UBND phường cũng có nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đô thị, quản lý rác thải, nước thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo vệ không gian xanh và hệ sinh thái đô thị.
Đồng thời, chỉ đạo và chịu trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đô thị; kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc xây dựng nhà ở, công trình xây dựng tại đô thị theo quy định của pháp luật…
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc bốn nhóm vấn đề.
1. Sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
2. Sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.
3. Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương.
4. Giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp (bỏ cấp huyện)