Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Ông là một trí thức tài năng, yêu nước nhiệt thành, một nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất và là một ngọn cờ tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hộ chiếu ngoại giao của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hộ chiếu ngoại giao của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khóa I, II, III, VI, VII, VIII, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Suốt cả cuộc đời, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này.

Trên cơ sở các tài liệu, hiện vật, kỷ vật sưu tầm được từ năm 2018-2023, Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp, nghiên cứu và xây dựng Bộ sưu tập về kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát- người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn, tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Bộ sưu tập với tổng số 106 hiện vật thuộc nhiều chất liệu, loại hình, trong đó đa phần là hiện vật gốc, có giá trị góp phần phản ánh quá trình công tác của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trên nhiều lĩnh vực và trong cuộc sống sinh hoạt đời thường.

Thẻ đại biểu Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2 của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thẻ đại biểu Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2 của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tài liệu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác Mặt trận trong giai đoạn mới của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tài liệu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác Mặt trận trong giai đoạn mới của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhóm hiện vật về hoạt động của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát với vai trò nhà trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà lãnh đạo giữ nhiều cương vị quan trọng, luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao trước Đảng và Nhân dân phản ánh quá trình hoạt động cách mạng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước cho đến ngày đất nước thống nhất. Nhóm hiện vật này đã góp phần phần minh chứng cho sự kết tinh giữa lòng yêu nước nồng nàn, tài năng xuất chúng và ý chí kiên cường của nhà lãnh đạo tài ba, tất cả vì mục tiêu cao cả: độc lập, tự do cho dân tộc và hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân.

Nhóm hiện vật, tài liệu về kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trong công tác Mặt trận, trong đó có tập tài liệu “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác Mặt trận trong giai đoạn mới” gồm 13 bài phát biểu đầy tâm huyết của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát; cuốn sổ công tác ghi chép cẩn thận, chi tiết nhiều vấn đề về công tác Mặt trận… Trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã có những đóng góp quan trọng trong việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, đưa công tác Mặt trận hướng về cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, văn hóa, đối ngoại, an ninh, quốc phòng. Ông đã tích cực đưa Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận vào cuộc sống, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Mặt trận trong giai đoạn mới. Bài phát biểu tại Đại hội III Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba năm 1986, cuốn hộ chiếu ngoại giao sử dụng sang Liên Xô năm 1988, Chứng nhận Huân chương Liên Xô của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát…đã phần nào minh chứng những đóng góp của ông với đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Chiếc võng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chiếc võng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tấm vải dù kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tấm vải dù kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Kính của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Kính của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhóm hiện vật về lĩnh vực kiến trúc phản ánh tài năng và những đóng góp quan trọng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đối với nền kiến trúc nước nhà. Trong vai trò là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã ghi dấu ấn bởi những chỉ đạo sâu sát, sắc sảo, tư duy đột phá, gắn kiến trúc với đời sống. Những chỉ đạo và định hướng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã góp phần xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Nhóm hiện vật, kỷ vật phản ánh con người đời thường giản dị, chân thành, nhân ái của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trong đó có những hiện vật gây xúc động như tấm bưu thiếp đề tặng phu nhân Bùi Thị Nga năm 1983. Một số lá thư viết tay của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát gửi cho bạn bè, đồng chí thể hiện tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ chân thành của ông. Một số lá thư của người thân, bạn bè viết cho kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát bày tỏ sự kính trọng và biết ơn về cách hành xử của ông trong cuộc sống. Đặc biệt là hai cuốn sổ tang khi kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từ trần chứa đựng rất nhiều kỷ niệm, tình cảm xúc động, trân trọng của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan ban ngành, người thân, đồng chí, đồng đội, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho ông.

Kiến trúc sư Huỳnh Tân Phát và phu nhân Bùi Thị Nga. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Kiến trúc sư Huỳnh Tân Phát và phu nhân Bùi Thị Nga. Nguồn: Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về đạo đức, lý tưởng cách mạng, sự hy sinh, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước, cho công tác Mặt trận và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bộ sưu tập là nguồn tư liệu quý giá để tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Mỗi hiện vật đều chứa đựng những câu chuyện cảm động về vị lãnh đạo tài ba, hết lòng vì nước, vì dân qua đó góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hồng Lam

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kien-truc-su-huynh-tan-phat-cong-hien-tron-doi-cho-su-nghiep-dai-doan-ket-toan-dan-toc-10299915.html
Zalo