Kiến tạo bản sắc Việt Nam trong dòng chảy xu hướng
Ấn phẩm xu hướng chuyên sâu Trend26+ với sự tham gia của hơn 45 chuyên gia trong và ngoài nước ra đời đánh dấu một hệ thống phân tích, tổng hợp và dự báo xu hướng thiết kế được xây dựng trên chính nền tảng văn hóa, con người và nhu cầu xã hội Việt Nam.
31 xu hướng lớn được giới thiệu trong ấn phẩm đều phản ánh rõ sự hòa quyện giữa tính địa phương và yêu cầu hiện đại. Từ thiết kế vị nhân sinh, nội thất xanh, kiến trúc chữa lành đến cá nhân hóa không gian sống – mỗi xu hướng đều thể hiện tư duy “kiến tạo bản sắc”, thay vì đơn thuần chạy theo thị hiếu. Các nhóm xu hướng như “bản địa hóa công nghệ” hay “giao thoa văn hóa vùng miền” cũng cho thấy định hướng rõ ràng cho ngành thiết kế Việt trong bối cảnh hội nhập.
Kiến trúc sư Lê Trương - Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam cho biết: "Cuốn xu hướng ra mắt thời điểm này rất phù hợp, nó đồng hành với Hội Nội thất trong tất cả hoạt động, đặc biệt là hoạt động định hướng giáo dục thẩm mỹ ý thức tiêu dùng. Đây là thời điểm thích hợp và có thể là một tiền đề cho sự phát triển tiếp theo".
Những phân tích trong Trend26+ không chỉ dừng lại ở bề mặt thẩm mỹ, mà còn chạm đến những chuyển động sâu của xã hội – từ thay đổi hành vi tiêu dùng, khủng hoảng bản sắc đến hành trình tái định nghĩa không gian sống của người Việt hiện đại. Ba trụ cột được đề xuất trong thiết kế đương đại bao gồm: bền vững, nhân bản và công nghệ. Đây cũng là định hướng quan trọng cho ngành nội thất Việt trong những năm tới.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa – Giám đốc Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội cho hay: "Đây là ấn phẩm hoàn toàn mới, lần đầu tiên công bố giới thiệu xu hướng thiết kế nội thất trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2026. Sức ảnh hưởng tới công chúng và cộng đồng giới trẻ rất là lớn. Đây sẽ như một cuốn giáo trình cho các bạn sinh viên thiết kế về nội thất".
Trong một thế giới liên tục chuyển dịch bởi công nghệ và xu hướng toàn cầu, việc xây dựng một hệ thống dự báo phù hợp với bản sắc và năng lực nội địa là điều kiện tiên quyết. Với Trend26+, Việt Nam không chỉ có một bản đồ định hướng thiết kế, mà còn có cơ hội khẳng định tiếng nói sáng tạo riêng – mang đậm tinh thần dân tộc, tự tin bước ra thế giới.