Petrovietnam: Hành trình từ 'không' đến 'có'
'Từ những ngày đầu gần như trắng tay về công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm, Petrovietnam đã vươn mình mạnh mẽ, làm chủ nhiều lĩnh vực then chốt, từ khai thác, chế biến dầu khí hướng đến năng lượng tái tạo. Câu chuyện 50 năm phát triển của Petrovietnam là minh chứng sống động cho tinh thần học hỏi, tự lực và khát vọng làm chủ của người Việt', bà Phạm Thị Thu Hà, nguyên Phó Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết.
Từ “không” đến “có”
PV: Thưa bà, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Petrovietnam, bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của Petrovietnam trong suốt chặng đường vừa qua?
Bà Phạm Thị Thu Hà: Theo tôi, Petrovietnam trong 50 năm qua đã có một sự phát triển vượt bậc. Ngày đầu thành lập, ngành chỉ tập trung vào công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí và việc đó đã rất khó khăn rồi. Từ năm 1975 đến khoảng 1986, ngành mới bắt đầu có những phát hiện dầu khí có giá trị thực sự.
Tuy nhiên, điều đáng nói là từ những bước đi ban đầu ấy, đến nay Petrovietnam đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ một đơn vị chỉ hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm và khai thác dầu khí, giờ đây Tập đoàn đã mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực khác như lọc hóa dầu, sản xuất phân đạm, phát triển điện khí,... đến cả năng lượng tái tạo như điện gió…
Chưa kể lĩnh vực chế tạo cơ khí cũng rất phát triển. Các công trình ngoài khơi hiện nay phần lớn đã có thể được thiết kế và thi công ngay tại Việt Nam, điều mà trước đây mình buộc phải thuê nước ngoài với chi phí rất lớn.
Sự phát triển của Petrovietnam trong 50 năm qua là rất ấn tượng, nhanh, mạnh và vượt xa cả những gì người ta có thể tưởng tượng vào thời điểm ngành mới thành lập năm 1975.

Bà Phạm Thị Thu Hà, nguyên Phó Tổng giám đốc Petrovietnam: Sự phát triển của Petrovietnam trong 50 năm qua là rất ấn tượng, nhanh, mạnh và vượt xa cả những gì người ta có thể tưởng tượng vào thời điểm ngành mới thành lập năm 1975.
PV: Petrovietnam đã có những bước phát triển vượt bậc từ “không” đến “có”. Bà có thể chia sẻ nhận định về những thách thức lớn nhất mà Petrovietnam đã vượt qua trong suốt 50 năm qua, cũng như những thành tựu nổi bật nhất?
Bà Phạm Thị Thu Hà: Thực ra, thách thức lớn nhất của Petrovietnam ngay từ những ngày đầu tiên chính là vấn đề công nghệ và kỹ thuật. Khi mới manh nha, Việt Nam hoàn toàn chưa có nền tảng gì về kỹ thuật khai thác dầu khí, chưa có công trình nào và thậm chí chưa có phát hiện nào thực sự đáng kể ngoài một mỏ khí nhỏ ở Thái Bình, nhưng cũng chưa đủ để hình thành nên một ngành công nghiệp. Vậy mà ngay từ lúc đó, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm, chủ trương cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, dù đất nước khi ấy còn chưa thống nhất.
Lúc tôi bắt đầu vào ngành thì đã thấy rõ điều đó, dầu khí là một trong những ngành rất đặc biệt bởi cán bộ, kỹ sư luôn có tinh thần học hỏi, cập nhật công nghệ liên tục. Ngay từ những công trình đầu tiên, vì chưa thể tự làm hoàn toàn nên mình phải hợp tác với các nước có trình độ công nghệ cao hơn để học hỏi. Nhưng điều đáng quý là chỉ sau một công trình, anh em cán bộ kỹ thuật đã nắm bắt rất nhanh, đến công trình thứ hai đã bắt đầu dần làm chủ công nghệ, và từ đó tiến đến việc tự thiết kế, tự thi công đúng nghĩa là đi từ "không" đến "có".
Tôi nghĩ, một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của Petrovietnam chính là chiến lược đào tạo bài bản và lâu dài. Những anh chị đầu tiên đi học nước ngoài, trở về nước vào những năm 1975, dù lúc ấy chưa có công việc cụ thể để làm nhưng vẫn được tiếp nhận vào Tổng cục Dầu khí, tiếp tục tự học, đào tạo lẫn nhau, chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.
Đến năm 1993, khi tôi chính thức làm trong ngành, tôi rất ấn tượng và thực sự khâm phục đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Petrovietnam. Họ có thể tự đàm phán, làm việc trực tiếp với chuyên gia nước ngoài mà không cần phiên dịch, đó là điều không hề đơn giản vào thời điểm ấy.
Tất cả những điều đó, từ tinh thần học hỏi, tự chủ công nghệ, cho đến sự chủ động trong đào tạo và hội nhập quốc tế là những thành tựu rất đáng tự hào của Petrovietnam cho đến hôm nay.
PV: Vừa qua, "Tập đoàn Dầu khí Việt Nam" đã đổi tên thành "Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam". Bà đánh giá vấn đề này ra sao?
Bà Phạm Thị Thu Hà: Theo tôi, tên gọi mới "Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam" phản ánh đúng sự phát triển và bản chất thực tế của Petrovietnam hiện nay. Tôi nghĩ rằng từ lâu, Tập đoàn đã không chỉ là một tập đoàn dầu khí mà đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực công nghiệp và năng lượng khác. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các ngành như cơ khí chế tạo, các dịch vụ kỹ thuật (không phải chỉ dịch vụ thông thường) và sản xuất nhiều sản phẩm khác. Mặc dù dầu khí vẫn là ngành chủ đạo, nhưng các lĩnh vực khác như điện, phân bón, hóa chất… đều đóng vai trò quan.
Do đó, việc đổi tên có thể được coi là một bước đi hợp lý, giúp tập đoàn "mặc" một chiếc áo rộng hơn, phù hợp với sự phát triển của mình. Đây là thời điểm thích hợp để thay đổi tên gọi.
Những ký ức không bao giờ phai với Petrovietnam
PV: Là người có nhiều năm gắn bó với Petrovietnam, bà đã tham gia vào những dự án nào nổi bật? Và kỷ niệm nào với bà là đáng nhớ nhất?
Bà Phạm Thị Thu Hà: Tôi không đến với Petrovietnam ngay từ những ngày đầu thành lập, nhưng cảm thấy rất tự hào vì bản thân mình đã được tham gia vào hầu hết các dự án, công trình đầu tiên của Petrovietnam, cũng là những công trình đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Bà Phạm Thị Thu Hà đã có buổi gặp gỡ với các cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Dầu khí Gubkin - Liên bang Nga, ngôi trường đã đào tạo nên nhiều thế hệ cán bộ Petrovietnam.
Ví dụ như: Đường ống dẫn khí đầu tiên của Việt Nam từ mỏ Bạch Hổ - ban đầu dự kiến kéo lên đến Thủ Đức, nhưng sau này dừng lại tại Phú Mỹ; Nhà máy xử lý khí đầu tiên ở Dinh Cố; Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, cũng là dự án đầu tiên của Việt Nam theo mô hình tích hợp này; Nhà máy Đạm Phú Mỹ - dự án phân đạm quy mô lớn đầu tiên; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước... Thậm chí cả việc đóng giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam tôi cũng có vai trò chỉ đạo trong đó.
Trong số rất nhiều dự án như vậy, kỷ niệm mà tôi nhớ nhất có lẽ là lần đầu tiên đưa khí vào bờ từ mỏ Bạch Hổ. Thời điểm đó, đường ống rất dài, phải chia thành từng đoạn để thi công. Đoạn đầu tiên là từ ngoài khơi vào đến Dinh Cố, cấp khí cho Nhà máy Điện Bà Rịa, đó là giai đoạn khởi đầu rất quan trọng.
Tôi khi đó là chuyên viên kỹ thuật, cùng làm việc trực tiếp tại hiện trường. Gần đến Tết khoảng ngày 27, 28 tháng Chạp cả ekip vẫn trực chiến trong miền Nam để hoàn thành nhiệm vụ đưa khí vào bờ. Dấu hiệu thành công là khi khí vào đến nơi, phải đốt được ngọn đuốc cháy lên, đó là biểu tượng để xác nhận khí đã được dẫn về đúng điểm. Nhưng hôm đó, hệ thống đánh lửa tự động bị lỗi, không thể khởi động.
Cuối cùng, cả ekip đã nghĩ ra cách nhờ một anh lái xe cẩu, dùng cần cẩu nâng lửa lên để châm ngọn đuốc thủ công. Khi ngọn lửa bùng cháy, cả ekip vỡ òa, đó là một cảm xúc không bao giờ quên. Với tôi, đó là một kỷ niệm vừa căng thẳng, vừa sáng tạo, vừa rất tự hào.
Hay kỷ niệm về dự án đường ống Bạch Hổ - đoạn từ mỏ vào đất liền. Hồi làm dự án đường ống dẫn dầu từ mỏ Bạch Hổ vào đất liền, tôi có cơ hội làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Họ rất cẩn trọng và luôn lo ngại rủi ro trong quá trình thi công, đặc biệt là khi đặt đường ống đi qua những vùng địa hình phức tạp. Chính vì thế, họ luôn đề xuất áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao, ưu tiên tuyệt đối cho yếu tố an toàn cá nhân. Tuy nhiên, điều đó lại dẫn đến việc phát sinh chi phí lớn và không thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam thời điểm đó.
Tại thời điểm thi công đoạn đường ống trên bờ, đường ống chỉ đi qua những khu vực ruộng lúa, không phải đầm lầy hay vùng đất yếu. Tuy nhiên, tư vấn nước ngoài lúc đó vẫn đề xuất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật như khi đi qua đầm lầy, tức là rất nghiêm ngặt, đòi hỏi loại thép chất lượng cao hơn, kỹ thuật bọc ống và chống ăn mòn cũng phải đặc biệt. Trong khi đó, thời điểm ấy, nhà thầu Việt Nam chưa đủ năng lực để thực hiện những yêu cầu kỹ thuật như vậy.
Tôi khi ấy là kỹ sư chuyên về đường ống và bể chứa. Sau khi nghiên cứu kỹ tài liệu và hiện trường, tôi đã báo cáo lại với lãnh đạo - là bác Nguyễn Hiệp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam lúc đó rằng tiêu chuẩn tư vấn đưa ra là quá cao, vượt xa yêu cầu thực tế. Vì thực chất khu vực đó chỉ là ruộng lúa, đất không quá yếu, ẩm ướt theo mùa chứ không phải đầm lầy nên không cần thiết phải áp dụng tiêu chuẩn cao như vậy.
Từ đó, tôi và các đồng nghiệp đã đấu tranh để thuyết phục tư vấn kỹ thuật điều chỉnh lại tiêu chuẩn thiết kế. Kết quả là mình đã giảm được gần một nửa chi phí cho vật liệu bọc ống. Cuối cùng, phương án bọc ống đã được thực hiện bởi các đơn vị Việt Nam, thay vì phải thuê đơn vị nước ngoài. Đường ống có thể mua từ nước ngoài, nhưng việc bọc và gia tải đã được thực hiện thành công tại Việt Nam đánh dấu công trình đầu tiên do kỹ sư Việt Nam trực tiếp thi công phần việc quan trọng này.
PV: Bà có nhắn nhủ gì với thế hệ kế cận của Petrovietnam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay?
Bà Phạm Thị Thu Hà: Tôi nghĩ, thế hệ trẻ bây giờ rất tài năng và thông minh. Các bạn có cơ hội học hỏi nhiều hơn so với các thế hệ trước và được tiếp cận với rất nhiều nguồn tài nguyên, thông tin. Hơn nữa, các bạn còn may mắn khi được thừa hưởng những thành quả mà các thế hệ đi trước đã xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh sự may mắn ấy, thế hệ trẻ cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Vì các thế hệ trước đã làm rất tốt rồi, nên bây giờ các bạn phải làm sao để vượt lên, làm tốt hơn nữa. Điều đó không dễ chút nào. Cứ thử nghĩ, từ không có gì đến có thì dễ, nhưng từ có lên thêm một bước nữa, tạo ra cái mới, cái khác biệt lại khó hơn rất nhiều.
Vì vậy, tôi có một vài lời khuyên dành cho các bạn trẻ. Thứ nhất, các bạn phải luôn học hỏi và cập nhật các thông tin về ngành, về kỹ thuật, khoa học. Petrovietnam luôn thay đổi và việc không ngừng học hỏi là vô cùng quan trọng. Thứ hai, các bạn phải có chính kiến và niềm tin vững vàng vào mục tiêu mà mình theo đuổi. Cần xác định rõ mình muốn làm gì và vì lý do gì. Trong công việc, sẽ luôn có những lúc xảy ra bất đồng ý kiến. Nhiều người ngại không dám lên tiếng, không dám thể hiện quan điểm của mình, điều này sẽ làm cản trở sự tiến bộ trong công việc. Vì vậy, tôi khuyên các bạn hãy thẳng thắn, sống thật với chính mình, đừng để ai làm bạn thay đổi.
Cùng với đó, các bạn cần phải luôn phấn đấu, đặt ra mục tiêu cao hơn và không bao giờ bằng lòng với những gì mình đã đạt được. Nếu cứ hài lòng với thành công hiện tại và ngủ quên trên chiến công, một ngày nào đó các bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, hãy luôn duy trì động lực và không ngừng nỗ lực để phát triển.
Tôi hy vọng các bạn sẽ luôn nhớ rằng: "Học hỏi không bao giờ là đủ, và phấn đấu không bao giờ được ngừng lại".
PV: Xin cảm ơn bà!
Đình Khương