Kiên quyết đóng cửa cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê vi phạm các quy định
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hiện nay, toàn bộ các cơ sở sản xuất tại khu dân cư và cụm công nghiệp Phong Khê 1, cụm công nghiệp Phong Khê 2 đều tạm dừng hoạt động.

Hoạt động xản xuất giấy ở Phong Khê là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nhiều năm tại đây. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh vốn được biết đến là làng nghề ô nhiễm bậc nhất nước.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hiện nay, toàn bộ các cơ sở sản xuất tại khu dân cư và cụm công nghiệp Phong Khê 1, cụm công nghiệp Phong Khê 2 đều tạm dừng hoạt động.
Tuy nhiên, việc này khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không đồng tình.
Ngày 28/5, tại thành phố Bắc Ninh, Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh tổ chức hội nghị đối thoại với 21 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy tại cụm công nghiệp Phong Khê 1 và cụm công nghiệp Phong Khê 2 về các vấn đề về môi trường, đất đai và phòng cháy chữa cháy.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh Nguyễn Ngọc Hiếu, từ 12/2024 đến tháng 3/2025, Đoàn kiểm tra của UBND thành phố Bắc Ninh đã thực hiện việc kiểm tra, xử lý đối với toàn bộ 137 cơ sở tại 2 cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê II, phường Phong Khê, thành phố bắc Ninh (trong đó, cụm công nghiệp Phong Khê 1 là 69 cơ sở, cụm công nghiệp Phong Khê II là 68 cơ sở).
Qua kiểm tra, 12 cơ sở không có hoạt động sản xuất giấy (gia công, kho, xưởng cơ khí, xưởng trống...), 2 cơ sở có giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có lò hơi riêng đang tạm dừng hoạt động để khắc phục các tồn tại theo quy định của pháp luật về môi trường, phòng cháy chữa cháy...; 21 cơ sở bị xử phạt với hành vi không có giấy phép môi trường theo quy định, tổng số tiền xử phạt trên 4,1 tỷ đồng và chịu hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở 4,5 tháng (đến nay có 1 cơ sở đã nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước); 40 cơ sở sản xuất giấy và hơi xin tạm dừng hoạt động để khắc phục các tồn tại về môi trường; 62 cơ sở sản xuất giấy tại thời điểm kiểm tra đang dừng hoạt động do không có nguồn cung cấp hơi thương phẩm.
Hầu hết các cơ sở trên địa bàn phường chưa có hồ sơ thiết kể về phòng cháy chữa cháy được thẩm duyệt, thi công và nghiệm thu theo quy định; nhiều cơ sở xây dựng thêm nhà xưởng, công trình vì phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy; các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Từ năm 2021 đến tháng 2/2025, Công an thành phố Bắc Ninh đã đề xuất xử phạt vi phạm hành chính đối với 87 cơ sở tổng số tiền hơn 11,67 tỷ đồng vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, trong đó đã 29 cơ sở đã nộp tiền phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở không có giấy phép xây dựng (một số cơ sở có giấy phép xây dựng tuy nhiên xây không đúng phép). Với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh đã quyết liệt triển khai các giải pháp tăng cường xử lý, tiến tới xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê; đồng thời, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, đất đai… Hiện nay các cơ sở trong 2 cụm công nghiệp đã tạm dừng hoạt động sản xuất.
Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy tại cụm công nghiệp Phong Khê 1 và cụm công nghiệp Phong Khê 2 nêu ra những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi tạm dừng sản xuất như: đứt gãy chuỗi sản xuất; ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hàng nghìn người; khó khăn trả nợ ngân hàng…
Đồng thời, các doanh nghiệp kiến nghị đến các cơ quan chức năng xem xét xử lý các vấn đề liên quan đến quy hoạch xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… của 2 cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê 2 cần gắn với lịch sử hình thành phát triển và pháp luật hiện nay để tránh lãng phí; xem xét cho các doanh nghiệp tại 2 cụm công nghiệp này tiếp tục được hoạt động; đồng thời vận dụng tối đa các quy định của pháp luật để các doanh nghiệp hoàn thiện các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan chức năng thành lập tổ hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng phương án đặc thù để cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Cụ thể, ông Trịnh Văn Thái, đại diện doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phong Khê cho biết, sau khi được các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố giải thích, doanh nghiệp cũng thấy những thiếu sót.
Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ tài sản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn vay thêm ngân hàng đầu tư đều "nằm" trong cụm công nghiệp. Vì vậy, vấn đề di chuyển nơi sản xuất rất khó khăn.
Doanh nghiệp của ông Thái đề nghị các cơ quan chức năng thành lập tổ liên ngành hướng dẫn trực tiếp doanh nghiệp để hoàn thiện các điều kiện về môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng. Từ đó, giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục hoạt động đến hết tháng 12/2029 theo đúng lộ trình của tỉnh.
Đại diện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Giấy Tân Hoàng Nga, cụm công nghiệp Phong Khê mong muốn cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố cho phép các cơ sở sản xuất giấy, chủ đầu tư, đơn vị vận hành Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phong Khê đầu tư máy móc, thiết bị bằng nguồn vốn xã hội hóa từ các cơ sở sản xuất giấy trong cụm để xử lý 100% nước thải của 2 cụm, góp phần bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề nghị tỉnh sớm quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho phép hoạt động sản xuất giấy trên địa bàn tỉnh để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch di dời…Đại diện các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh đã trực tiếp trả lời các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du), xã Văn Môn (huyện Yên Phong).
Tại bản số 3688/UBND-NN.TN ngày 30/9/2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc tiếp tục tăng cường xử lý, tiến tới xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, cụm công nghiệp Phú Lâm, xã Văn Môn nêu rõ: “Đối với các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp Phong Khê 1 và cụm công nghiệp Phong Khê 2 chỉ được phép hoạt động đến 31/12/2029 khi đám bảo đẩy đủ các quy định của pháp luật. Tổng kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở, nếu không đủ điều kiện hoạt động (không có hồ sơ môi trường, phòng cháy chữa chảy, an toàn điện...) thì yêu cầu dừng hoạt động."
Thực tế, hiện nay các làng nghề ô nhiễm môi trường trên địa bàn như Châu Khê (thành phố Từ Sơn), đồng Đại Bái (Gia Bình), tái chế nhôm Văn Môn (Yên Phong), giấy Phong Khê và bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) đã cơ bản dừng hoạt động.
Đối với những đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh cho biết, trước đây thành phố và các ngành của tỉnh đã thành lập nhiều đoàn làm việc với các cơ sở, doanh nghiệp để hướng dẫn, chỉ ra những bất cập, vi phạm quy định cho đơn vị khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục chậm triển khai, thậm chí, nhiều doanh nghiệp vi phạm bị xử phạt hành chính cũng không đến nộp phạt.
Đến nay, việc doanh nghiệp có thể hoàn thiện các thủ tục về môi trường, phòng cháy chữa cháy và xây dựng là không khả thi do đây là cụm công nghiệp cũ, công nghệ lạc hậu, hạ tầng đã xuống cấp, hầu hết các cơ sở xây dựng không phép hoặc có phép nhưng xây dựng không đúng theo giấy phép. Cùng đó, cả 2 cụm công nghiệp đều không đủ điều kiện để hoạt động do không bảo đảm quy định về hạ tầng và quy định về pháp luật…
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu mong muốn các đơn vị chuyển đổi thành nơi giao dịch, kinh doanh, giới thiệu sản phẩm, trưng bày sản phẩm làng nghề; đồng thời di chuyển hoạt động sản xuất đến những khu, cụm công nghiệp bảo đảm các điều kiện theo quy định.
“Trước đây thành phố đã tìm hiểu, giới thiệu những địa điểm sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu theo quy định cho các doanh nghiệp sản xuất giấy ở Phong Khê. Các doanh nghiệp nên mạnh dạn di chuyển đến địa điểm sản xuất mới. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp ở Phong Khê đã chuyển đến địa điểm sản xuất mới và bắt đầu đi vào vận hành,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh chia sẻ./.