Kiến nghị tiếp tục giảm thuế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Đánh giá dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) có tác động lớn đến các doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội cho rằng, nên cân nhắc việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp để tạo điều kiện môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển, phục hồi hậu đại dịch Covid-19.

Sáng 28/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Tạo thuận lợi về thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đánh giá cao việc Quốc hội đưa ra xem xét, thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trong thời điểm kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

Đại biểu cho biết, luật này tác động rất lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% trên gần 1 triệu doanh nghiệp. Về thuế suất, dự luật quy định áp dụng mức thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng.

Đại biểu cho rằng, quy định chưa giải quyết được những khó khăn trong thực tiễn, đề nghị nên quy định việc áp thuế phù hợp, không nên quy định việc áp thuế cứng 15%. “Nếu làm được như vậy thì doanh nghiệp sẽ rất phấn khởi tham gia vào sản xuất, kinh doanh”, đại biểu nêu rõ.

Góp ý về mức thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, tại Điều 10 của dự thảo luật vẫn giữ nguyên mức thuế suất doanh nghiệp phổ thông là 20%, vẫn còn cao so với các nước trong khu vực ASEAN.

Theo đại biểu, để khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, nên cân nhắc giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông xuống khoảng 19%, tạo điều kiện môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển, phục hồi trong giai đoạn hậu dịch Covid-19.

Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28/11. (Ảnh: DUY LINH)

Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28/11. (Ảnh: DUY LINH)

Về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế tại khoản 2 Điều 9 dự thảo luật, đại biểu cho rằng, nếu bổ sung thêm quy định như dự thảo luật có thể gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp, bởi hiện nay không hiếm gặp các trường hợp doanh nghiệp bỏ rất nhiều chi phí đầu tư vào các dự án kinh doanh, nhưng vì lý do khách quan, sự kiện bất khả kháng mà dự án không sinh lời như kế hoạch đã đặt ra trước đó.

Điều này là rất là bất hợp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đầu tư của doanh nghiệp khi họ vừa phải gánh chịu rủi ro không có doanh thu, vừa gánh rủi ro có thể không được khấu trừ thuế khi đầu tư dự án. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm bớt rủi ro khi đầu tư dự án…

Nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho đơn vị sự nghiệp công lập

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) khẳng định, dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được đưa ra kịp thời để điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhằm giúp cho các doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước ngày càng tốt hơn. Thời gian qua, việc tự chủ đã hỗ trợ nhiều cơ quan, đơn vị hoạt động tốt hơn và giúp giảm ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: DUY LINH)

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong trong công tác tự chủ trên một số lĩnh vực như y tế, giáo dục... Mặt khác, nhiều cơ quan vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà nhà nước giao nhưng lại gặp khó khăn về nguồn lực.

Trước thực tế trên, để hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chức năng bảo đảm nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu khác, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho đơn vị sự nghiệp công lập để tạo điều kiện cho các đơn vị có nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ để hoạt động tốt hơn.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) chỉ rõ, theo dự thảo luật, thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công cũng thuộc đối tượng được miễn thuế. Tuy nhiên, đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên.

Đại biểu phân tích, hiện nay, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn những vướng mắc, bất cập do hành lang pháp lý chưa được đầy đủ, chưa đồng bộ, dẫn đến đa số các đơn vị đang tự chủ gặp nhiều khó khăn.

Nguồn thu giảm dẫn đến phúc lợi hạn chế, thu nhập của viên chức, người lao động bị giảm cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viên chức xin thôi việc, không giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu đề nghị cần miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên.

Tiếp tục giảm thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH)

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH)

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cảm ơn các đóng góp và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, đồng thời khẳng định mục tiêu sửa đổi luật là bảo đảm sự đúng đắn, phù hợp và bảo đảm công bằng, hợp lý, thúc đẩy sự phát triển.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, thuế vẫn là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước (hiện nay đang bội chi tương đối lớn), trong khi đó, thời gian tới sẽ xây dựng các công trình hạ tầng trọng yếu, nên bội chi ngân sách và nợ công sẽ tăng lên.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, xu thế của thế giới hiện nay là đang thắt chặt chính sách tài khóa, tức là tăng thuế suất để bảo đảm sự vững mạnh của tài chính công.

Tuy nhiên, với Việt Nam vừa trải qua đại dịch nên vẫn tiến hành giảm thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. So với nhiều nước trong khu vực, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cũng thấp hơn.

Về nguyên tắc đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định, mọi khoản thu nhập của doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế. Về doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh các hoạt động tại Việt Nam có thu nhập thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời gian qua, chúng ta đã thu được thuế từ các sàn thương mại điện tử, mua bán trực tuyến…

Về thuế đối với đơn vị sự nghiệp và cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng cho biết, có 3 loại hình đơn vị sự nghiệp: Nhà nước cấp toàn bộ, tự chủ thường xuyên và tự chủ toàn diện.

Đối với loại hình tự chủ toàn diện, Phó Thủ tướng cho rằng, đã có doanh thu thì cần nộp thuế, nếu dịch vụ công tính chưa đủ, không cần nộp thuế và dịch vụ công trên địa bàn đặc biệt khó khăn được giảm thuế.

Đối với cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng đề xuất giảm thuế xuống 10% đối với báo in và các loại báo khác, giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kien-nghi-tiep-tuc-giam-thue-de-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-post847427.html
Zalo