Kiến nghị gỡ vướng cho doanh nghiệp vận tải ô-tô

Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam (VATA) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô-tô...

Theo tính toán, trên thực tế, tổng số giờ lái xe của người lái xe ô-tô khoảng 60-65 giờ/tuần.

Theo tính toán, trên thực tế, tổng số giờ lái xe của người lái xe ô-tô khoảng 60-65 giờ/tuần.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét quy định về thời gian lái xe; thiết bị giám sát hành trình; đổi “chứng nhận đăng ký xe” và biển số xe kinh doanh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đáp ứng nhu cầu xã hội và người dân.

Đề nghị tăng thời gian lao động cho lái xe

Theo khoản 1, Điều 64, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, quy định: “Thời gian lái xe của người lái xe ô-tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động”. Hiện tại, trên thực tế, tổng số giờ lái xe của người lái xe ô-tô khoảng 60-65 giờ/tuần đối với vận tải đường ngắn (dưới 300km) và hơn 65 giờ/tuần đối với vận tải đường dài (hơn 300km).

“Đặc thù hoạt động vận tải khách ở Việt Nam chỉ tăng cao các dịp nghỉ lễ, Tết, vận tải hàng hóa chỉ tăng vào cuối năm hoặc thời vụ thu hoạch, theo nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu, nhiều thời điểm phương tiện dừng hoạt động dài ngày. Thời gian lái xe nếu có vượt cũng không liên tục, không ảnh hưởng quy định về thời gian lao động theo luật Lao động”, một lái xe cho biết.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch VATA phân tích, nếu so sánh quy định về thời gian lái xe của người lái xe ô-tô, Liên minh châu Âu (EU) 56 giờ/tuần; Mỹ 60-70 giờ/tuần; Nhật Bản 60 giờ/tuần thì quy định thời gian lái xe không quá 48 giờ một tuần của Việt Nam (theo luật mới) là thấp nhất. Quy định này khiến người lái xe bị giảm 20-30% thu nhập do giảm giờ làm việc; năng lực cung ứng dịch vụ của toàn thị trường vận tải đường bộ bị giảm khoảng 20-30%, đẩy giá cước vận tải ước tăng khoảng 20-25%, tăng chi phí logistics vận tải lên khoảng 10-11%, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

VATA kiến nghị điều chỉnh thời gian lái xe của người lái xe ô-tô kinh doanh vận tải lên 70 giờ/tuần, bằng với mức cao nhất theo các quy định của Mỹ, EU và Nhật Bản.

VATA kiến nghị điều chỉnh thời gian lái xe của người lái xe ô-tô kinh doanh vận tải lên 70 giờ/tuần, bằng với mức cao nhất theo các quy định của Mỹ, EU và Nhật Bản.

Do đó, để tránh gây lãng phí, thiệt hại cho doanh nghiệp đã đầu tư vào hàng triệu phương tiện vận tải đường bộ, giảm nguồn thu thuế vào ngân sách, VATA kiến nghị điều chỉnh thời gian lái xe của người lái xe ô-tô kinh doanh vận tải lên 70 giờ/tuần, bằng với mức cao nhất theo các quy định của Mỹ, EU và Nhật Bản. Lực lượng chức năng chỉ xử phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP đối với vi phạm vượt quá thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong ngày và thời gian lái xe trong tuần của người lái xe ô-tô kinh doanh vận tải hơn 10% thời gian quy định tại Điều 64 nêu trên.

“Bên cạnh đó, không xử phạt cá nhân, doanh nghiệp vận tải là chủ phương tiện, trường hợp chủ phương tiện yêu cầu thời gian lái xe vượt quá thời gian làm việc theo quy định thì giữa chủ phương tiện và lái xe sẽ giải quyết bằng quy định nội bộ của doanh nghiệp. Cơ quan chức năng nên tính thời gian lái xe cộng dồn một lần, trong ngày và trong tuần ở tốc độ tối thiểu 15 km/giờ để loại bỏ tình huống tắc đường kéo dài tại các đô thị và trên hệ thống đường bộ bởi đây là bất khả kháng, cần miễn trừ trách nhiệm; tạm thời chưa áp dụng quy định về thời gian lái xe của người lái xe ô-tô kinh doanh vận tải khi lưu thông trên các đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ”, đại diện VATA nêu quan điểm.

Nới lỏng mức phạt về “hộp đen” và đăng kiểm

Trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô quy định lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) nhằm cung cấp dữ liệu phục vụ quản lý, giám sát của doanh nghiệp vận tải và Sở Giao thông vận tải. Việc xử phạt về “hộp đen” chỉ áp dụng cho nhóm sản xuất, lắp đặt, quản lý, không xử phạt lái xe và không sử dụng kết quả khai thác từ dữ liệu “hộp đen” vào xử phạt vi phạm hành chính.

Trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tại khoản 2, Điều 71 cho phép khai thác dữ liệu phục vụ bảo đảm an ninh, an toàn giao thông đường bộ và xử lý 2 nhóm hành vi vi phạm (sản xuất, lắp đặt, quản lý; người điều khiển và chủ phương tiện). Như vậy, việc bổ sung quy định về chế tài, nâng mức xử phạt đối với lái xe và chủ xe có thay đổi rất lớn, phạm vi rộng, cần có thời gian tuyên truyền phổ biến đến các đối tượng. Mặt khác, dữ liệu của thiết bị cần phải tính đến độ chính xác (sai số do thiết bị, đường truyền, thời tiết, địa hình, tổ chức giao thông,…). Vì thế, VATA đề xuất chỉ xử phạt vi phạm liên quan việc lắp đặt, quản lý, sử dụng, không xử phạt người điều khiển xe.

VATA đề xuất chỉ xử phạt vi phạm liên quan việc lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình, không xử phạt người điều khiển xe.

VATA đề xuất chỉ xử phạt vi phạm liên quan việc lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình, không xử phạt người điều khiển xe.

Tại Thông tư 79/TT-BCA của Bộ Công an yêu cầu toàn bộ xe cấp mới hoặc cấp đổi “Chứng nhận giấy đăng xe” theo quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA phải đổi lại “Chứng nhận giấy đăng xe” (chuyển từ biển màu trắng sang biển vàng -hoặc ngược lại) mới được kiểm định khi đến hạn. Tuy nhiên, theo tính toán, thời gian hoàn thiện thủ tục để đổi “chứng nhận đăng ký xe” và biển số xe sang màu vàng (nếu chưa đổi), đổi cấp lại phù hiệu cho khoảng hơn một triệu xe cần thời gian khoảng 2 năm.

Do đó, VATA đề nghị cho phép các xe chưa đổi “chứng nhận đăng ký xe” theo quy định tại Thông tư 79/2024/TT-BCA tiếp tục được kiểm định trong năm 2025 và 2026 để người dân, doanh nghiệp và cơ quan cảnh sát giao thông có đủ thời gian làm lại công việc đã thực hiện trong 4 năm trước đó, khi thực hiện Thông tư 58/2020/TT-BCA. Trước mắt cần tiếp tục thực hiện việc kiểm định cho các phương tiện đã hết hạn kiểm định nhưng chưa đổi “chứng nhận đăng ký xe” theo quy định của Thông tư số 79/TT-BCA.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cho phép người dân và doanh nghiệp được thực hiện quy trình rút gọn đối với những xe đã được cấp mới, cấp đổi “chứng nhận đăng ký xe” theo Thông tư 58/2020/TT-BCA, nay được phép cấp đổi “chứng nhận đăng ký xe” theo Thông tư 79/2024/TT-BCA mà không cần thực hiện thủ tục khám xe, cà lại số khung số máy để tránh lãng phí.

VATA kiến nghị cơ quan chức năng cho phép người dân và doanh nghiệp được thực hiện quy trình rút gọn, được phép cấp đổi “chứng nhận đăng ký xe” không cần thực hiện thủ tục khám xe, cà lại số khung số máy để tránh lãng phí.

VATA kiến nghị cơ quan chức năng cho phép người dân và doanh nghiệp được thực hiện quy trình rút gọn, được phép cấp đổi “chứng nhận đăng ký xe” không cần thực hiện thủ tục khám xe, cà lại số khung số máy để tránh lãng phí.

“Việc xe phải dừng hoạt động để đưa đến cơ quan công an thực hiện thủ tục khám xe, cà lại số khung, số máy (lần thứ 2, thứ 3) là rất phiền hà, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp, nhất là tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng,.... không thể đưa xe tải, sơ-mi rơ-mooc, xe khách hơn 30 ghế vào nội thành để thực hiện các thủ tục trên”, ông Quyền đánh giá.

Về việc đổi “chứng nhận đăng ký xe” đang thế chấp tại ngân hàng, VATA cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện, hỗ trợ chủ xe đang có “chứng nhận đăng ký xe” thế chấp tại ngân hàng đó được rút ra để đưa đến Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương đổi “chứng nhận đăng ký xe” theo biển số có nền màu, gồm các xe đã đổi và chưa đổi biển. Sau khi đổi xong, chủ xe lại nộp thế chấp “chứng nhận đăng ký xe” mới về ngân hàng đó.

LƯƠNG TUẤN HÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kien-nghi-go-vuong-cho-doanh-nghiep-van-tai-o-to-post859826.html
Zalo