Chốt 'số phận' sân vận động Chi Lăng
Đà Nẵng đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch Dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ sân vận động Chi Lăng (sân vận động Chi Lăng) sau nhiều năm bỏ hoang.

Sân vận động Chi Lăng là tài sản có liên quan trong vụ án Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh.
Chuyển đổi đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ
Sân vận động Chi Lăng rộng hơn 55.000 m2, khu đất “vàng” giữa trung tâm Đà Nẵng, bao quanh là 4 tuyến đường Lê Duẩn - Chi Lăng - Hùng Vương - Ngô Gia Tự.
Năm 2010, UBND TP. Đà Nẵng giao sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh để làm Dự án Khu phức hợp thương mại - dịch vụ. Một năm sau, Đà Nẵng hoàn tất thủ tục chuyển nhượng đất, thu ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng. Giá đất tại thời điểm đó được xác định là 24,3 triệu đồng/m2.
Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh bị bắt vì nhiều tội danh. Nhiều tài sản là bất động sản của ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh được yêu cầu kê biên, đảm bảo thi hành án, trong đó có sân vận động Chi Lăng.
UBND TP. Đà Nẵng đã giao Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận Hải Châu hoàn thành giải phóng mặt bằng khu đất sân vận động Chi Lăng trước ngày 30/4/2025 để bàn giao toàn bộ hồ sơ cho Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố tổ chức đấu giá theo quy định.
Sau khi có bản án, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng thi hành án liên quan sân vận động này để thu hồi gần 4.132 tỷ đồng.
Năm 2018, UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép “lấy lại” sân vận động Chi Lăng, đồng thời xin hoàn số tiền Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp ngân sách 1.251 tỷ đồng. Tuy nhiên, một năm sau, tại buổi làm việc, các ngân hàng liên quan cho rằng, đến thời điểm đó, Tập đoàn Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh phải trả 8.408 tỷ đồng (gồm hơn 4.000 tỷ đồng tiền đất và 4.408 tỷ đồng tiền lãi phát sinh). Vì vậy, Thành phố và phía ngân hàng không đạt được thỏa thuận.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án tháo gỡ vướng mắc tại Dự án sân vận động Chi Lăng. Qua thẩm tra, Quốc hội đã giao việc này cho Chính phủ và Đà Nẵng quyết định. Bước đầu tiên, Thành phố sẽ điều chỉnh, chuyển đổi đất tại sân vận động Chi Lăng từ “dành cho hoạt động thể thao” thành đất thương mại dịch vụ, đúng với tài sản khu đất khi doanh nghiệp thế chấp ngân hàng.
“Bộ Chính trị và Chính phủ cho phép Đà Nẵng thi hành án đấu giá toàn bộ khu vực sân vận động Chi Lăng, chứ không chia nhỏ ra theo các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trước đó. Đây là một hướng để Thành phố giải quyết triệt để vấn đề”, ông Quảng nói.
Đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khu vực dự án
Sau 15 năm kể từ khi được giao cho Tập đoàn Thiên Thanh, sân vận động Chi Lăng rơi vào cảnh hoang tàn, nhếch nhác, các hạng mục đều xuống cấp. Tại khu vực khán đài, hệ thống khung sắt mái che gỉ sét, các dãy ghế bị rêu phong bao phủ.
UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo ngành chức năng nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch, thời hạn sử dụng đất và sớm đấu giá khu đất 4 mặt tiền đã bị bỏ hoang hàng chục năm qua.
Ông Nguyễn Văn Duy, Phó chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, UBND TP. Đà Nẵng đã giao Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận Hải Châu hoàn thành giải phóng mặt bằng khu đất sân vận động Chi Lăng trước ngày 30/4/2025 để bàn giao toàn bộ hồ sơ cho Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố tổ chức đấu giá theo quy định. Hiện 100/100 hồ sơ giải phóng mặt bằng đã hoàn thành.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Đà Nẵng, phương án tháo gỡ là tổ chức bán đấu giá nguyên khối khu phức hợp này. Người trúng đấu giá sẽ phải nộp tiền sử dụng đất còn thiếu, do trước đó, UBND TP. Đà Nẵng đã thu nộp thấp hơn giá đất tại thời điểm giao đất.
Về thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất từ đất ở về thời hạn 50 năm, Cục Thi hành án dân sự Thành phố và các ngân hàng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường để thực hiện điều chỉnh. Cùng với đó, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch phân khu và xác định chỉ tiêu quy hoạch.
Năm 2011, đất sân vận động Chi Lăng đã được Đà Nẵng phân thành 14 lô, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 10 lô cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Các doanh nghiệp này đã dùng sổ đỏ thế chấp, vay vốn ngân hàng. Các lô còn lại chưa được cấp sổ đỏ và chưa giải tỏa.
Liên quan quyền lợi của các ngân hàng đã nhận thế chấp sổ đỏ và cho Tập đoàn Thiên Thanh vay vốn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng giải quyết theo hướng: sau khi đấu giá sẽ phân chia tỷ lệ theo giá trị tài sản đảm bảo tại ngân hàng.
Các vướng mắc của Đà Nẵng được tháo gỡ gồm vi phạm trong xác định thời hạn sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất không đúng quy định; giao đất và cho thuê đất không đúng thẩm quyền, trình tự.
Về công tác giải phóng mặt bằng, theo lãnh đạo UBND quận Hải Châu, đa số hộ dân cơ bản thống nhất thực hiện chủ trương di dời, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất về việc đền bù, bố trí đất tái định cư.
“Quận đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đưa ra các phương án để đảm bảo quyền lợi của người dân và đúng quy định pháp luật”, một lãnh đạo UBND quận Hải Châu cho hay.