Kiến nghị chấm dứt tuyển sinh dễ dãi
Cần làm rõ cơ sở khoa học về nội dung chỉ tiêu xét tuyển sớm cũng như điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển
Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam (viết tắt là Hiệp hội)vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kiến nghị giải pháp bảo đảm tính đồng bộ giữa nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai thực hiện chương trình này với việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH từ năm 2025.
Tránh gây nhầm lẫn
Hiệp hội cho rằng Bộ GD-ĐT cần quy định về đánh giá chất lượng những phương thức tuyển sinh của các trường ĐH theo kết quả học tập của sinh viên trong quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra theo các phương thức tuyển sinh để kiểm soát chất lượng; loại bỏ phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào.
Theo Hiệp hội, Bộ GD-ĐT cần yêu cầu các cơ sở ĐH giải trình việc lựa chọn tổ hợp môn học, bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng được sử dụng để xét tuyển sinh, bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập thành công ở bậc ĐH. Đồng thời, cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại bỏ tổ hợp "lạ".
Hiệp hội cũng cho rằng Bộ GD-ĐT không nên can thiệp quá sâu, đưa ra tỉ lệ khống chế cho các phương thức khác nhau của cơ sở ĐH. Thực tế, tuyển được sinh viên giỏi, có chất lượng đầu vào tốt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH. Bộ chỉ nên hạn chế hoặc loại bỏ các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng thực chất chất lượng đầu vào, bằng mọi giá "vơ vét" người học.
Để làm được điều này, Bộ GD-ĐT cần quy định các ĐH, trường ĐH có tỉ lệ hợp lý cho phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm tính công bằng cho các đối tượng khó khăn khi dự thi các chứng chỉ quốc tế và các kỳ thi riêng do ĐH, trường ĐH tổ chức.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng cần làm rõ khái niệm "xét tuyển sớm" hoặc thay đổi khái niệm cho phù hợp bản chất của hoạt động tuyển sinh vì hầu hết thí sinh đều chưa tốt nghiệp THPT trong năm học khi tham gia xét tuyển. Các thí sinh này chỉ mới đáp ứng điều kiện "đủ" là đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo quy định của ĐH, trường ĐH; chưa đạt điều kiện "cần" theo quy định trúng tuyển là tốt nghiệp THPT. Việc làm rõ khái niệm này sẽ tránh gây nhầm lẫn cho thí sinh, xã hội và các cơ sở ĐH.
Ngoài ra, cần làm rõ cơ sở khoa học để các trường thực hiện quy định theo dự thảo quy chế tuyển sinh từ năm 2025 về nội dung chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định, song không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo...
Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các ĐH, trường ĐH xây dựng những tổ hợp xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của đầu vào ngành học bậc ĐH. Các cơ sở chỉ được đặt thêm tiêu chí phụ cần thiết đối với những ngành năng khiếu, ngành "hot".
Nhiều trường điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT dự kiến "siết" tuyển sinh sớm, các cơ sở ĐH đã điều chỉnh phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh.
ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho biết với phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% còn 40%; chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng điều chỉnh chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT xuống còn 15%, giảm 3% so với năm 2024. Với phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, trường dành 83% chỉ tiêu, xét tuyển thẳng 2%. Ngoài ra, trường sẽ dùng 4 tổ hợp xét tuyển thay vì 9 tổ hợp như năm 2024, gồm A00, A01, D01, D07; không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, không có tiêu chí phụ, các môn đều tính hệ số 1 khi xét tuyển.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết định hướng của trường là không phụ thuộc quá nhiều vào việc thi tốt nghiệp THPT. Chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức sẽ tăng dần qua các năm và giảm dần tỉ lệ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Thương mại cũng dự kiến năm 2025 sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như: đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết năm 2025 sẽ tuyển sinh theo nhiều phương thức. Đó là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét tuyển bằng học bạ THPT; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM; xét tuyển sử dụng kết quả thi tuyển sinh riêng của trường...
Đánh giá lại các kỳ thi riêng
Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng kiến nghị đánh giá sự phù hợp của các kỳ thi riêng do các ĐH, trường ĐH tổ chức, bảo đảm không vượt quá chương trình học của học sinh THPT để giảm thiểu tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan.
Hiệp hội kiến nghị công nhận kết quả đánh giá năng lực do các cơ sở ĐH tổ chức nếu có sự đối sánh tương đồng về năng lực đánh giá các môn học để miễn thi các môn tốt nghiệp THPT cho thí sinh có ngưỡng điểm bảo đảm theo quy định (tương tự miễn thi môn ngoại ngữ khi thí sinh có chứng chỉ đạt chuẩn), nhằm giảm áp lực thi cử.