Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội năm học 2025-2026: Thấp thỏm chờ chốt phương án

Đã sắp hết học kỳ I năm học 2024-2025, học sinh lớp 9 vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026. Áp lực của kỳ thi càng gia tăng khi phụ huynh sốt sắng đăng ký các lớp học thêm đủ các môn cho con em mình.

Theo kế hoạch chung, căn cứ quy chế tuyển sinh THCS, THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành, các Sở GDĐT mới xây dựng phương án tuyển sinh, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, sau đó mới có thể công bố rộng rãi. Như vậy, nhanh nhất cũng phải sang đầu học kỳ II, tức là đầu tháng 2/2025, học sinh mới có thể biết phương án tuyển sinh lớp 10. Trong khi đó, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 trên cả nước sẽ tham dự kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo quy chế tuyển sinh, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, hạn cuối nhà cuối nhận ý kiến đóng góp là ngày 18/12/2024. Sau khi đã tổng hợp, phân tích, ký các ý kiến đóng góp, góp ý về phương án thi nhằm bảo đảm phù hợp nhất cho học sinh, quy chế tuyển sinh sẽ được ban hành trước ngày 31/12/2024. Theo dự thảo, việc tuyển sinh THPT, thi vào lớp 10 được tổ chức theo một trong 3 phương thức là xét tuyển, thi tuyển hoặc thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Cấp THCS đặt mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Thời điểm các địa phương công bố môn thi thứ 3 là trước ngày 31/3 hàng năm.

Mặc dù chương trình ở bậc THCS đòi hỏi học sinh phải học toàn diện tất cả các môn để đảm bảo kiến thức nền tảng nhưng mong mỏi của nhà trường, phụ huynh và thí sinh về việc có phương án thi sớm để có sự chuẩn bị kỹ càng là hợp lý và cần thiết. Việc chậm công bố chính sách thi cử từ Bộ GDĐT có thể gây tác động đến tâm lý đối với học sinh cuối cấp, nhất là những nơi có tỉ lệ chọi cao, học sinh phải đối mặt với áp lực cực lớn của kỳ thi.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) nhìn nhận thi cử không nên là may rủi. Bộ GDĐT nên đưa ra những hướng dẫn cơ bản về mặt chính sách còn lại để các địa phương tự quyết nhưng cần công bố sớm hơn. Khi dồn đến thời gian cuối năm, học sinh vẫn sẽ bỏ bê những môn còn lại, chỉ lo ôn các môn thi, vẫn trái ngược với mong muốn của Bộ GDĐT. Môn thi thứ ba cần được công bố sớm để có đủ thời gian ôn tập, dù giỏi tự nhiên hay xã hội, các em đều có cơ hội như nhau.

“Về lâu dài, tôi cho rằng vẫn cần đặc biệt quan tâm và có giải pháp để mở rộng, tăng thêm các trường THPT công lập nhằm giảm bớt cái áp lực cạnh tranh thi vào lớp 10 hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn khi nhu cầu học tiếp THPT của các em cao” - TS Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận.

Trao đổi bên lề hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 tổ chức tại TPHCM, ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, kỳ thi lớp 10 năm 2025, tinh thần sẽ gồm 3 môn là Toán, Ngữ văn và môn thứ 3 do sở lựa chọn trong các môn còn lại có đánh giá bằng điểm số, nhưng theo nguyên tắc thay đổi hàng năm để tránh học tủ, học lệch. Việc để cố định 3 môn hàng năm có thể dẫn tới hệ lụy, sẽ có một số trường từ đầu năm học cho học sinh học trọng tâm 3 môn thi cố định. Trong khi đó, các môn còn lại cũng mang ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh, đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo Bộ GDĐT rà soát kỹ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn thiện, ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT theo thẩm quyền, trong đó xem xét quy định thời gian công bố đối với phương án thi sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường và các em học sinh, nhất là trong việc chủ động có kế hoạch dạy và học, ôn tập phù hợp, hiệu quả.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tuyen-sinh-lop-10-o-ha-noi-nam-hoc-2025-2026-thap-thom-cho-chot-phuong-an-10296587.html
Zalo