Kiên Giang và An Giang từng sáp nhập rồi chia tách thế nào?
Trong lịch sử, tỉnh Long Châu Hà khi xưa từng được sáp nhập bởi một phần diện tích của tỉnh Kiên Giang, An Giang và TP. Cần Thơ ngày nay.
Kiên Giang, vị trí trọng yếu phía Tây Nam Tổ quốc
Tỉnh Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài 56,8km, phía Nam giáp tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, phía Tây giáp Vịnh Thái Lan.
Kiên Giang có diện tích tự nhiên 6.353km2, địa hình đa dạng, bờ biển dài, nhiều sông núi và hải đảo, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho tỉnh nhiều tiềm năng và lợi thế kinh tế phong phú, đa dạng. Theo kết quả điều tra ngày 1/4/2024, dân số tỉnh Kiên Giang là 1.763.826 người, đứng thứ 15 cả nước; dân tộc chủ yếu là người: Kinh, Khmer, Hoa.
Bên cạnh hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng, phong phú, tỉnh Kiên Giang còn có bờ biển dài hơn 200km, vùng biển rộng hơn 63.000km2, đa dạng về chủng loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, còn có nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo độc đáo, đặc biệt là: Phú Quốc, Hà Tiên... Đó là những điều kiện thuận lợi để tỉnh Kiên Giang phát triển kinh tế biển.

Bản đồ tỉnh Kiên Giang ngày nay - (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang)
Lịch sử hình thành tỉnh Kiên Giang cũng trải dài từ Thế kỷ XVII – XVIII, vùng đất này xưa thuộc Chân Lạp, nhưng từ cuối thế kỷ XVII, người Việt đã đến đây khai khẩn đất hoang dưới sự dẫn dắt của các chúa Nguyễn.
Đến năm 1708, Mạc Cửu, một thương nhân gốc Hoa, xin thần phục chúa Nguyễn, được phong chức Tổng binh trấn Hà Tiên, đánh dấu sự sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ Đại Việt. Đến năm 1735, con trai Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ tiếp tục phát triển trấn Hà Tiên, biến nơi đây thành một trung tâm kinh tế, văn hóa quan trọng.
Thời kỳ nhà Nguyễn và Pháp thuộc năm 1832, Vua Minh Mạng chia Nam Kỳ thành sáu tỉnh, trong đó trấn Hà Tiên trở thành tỉnh Hà Tiên, bao gồm cả vùng đất Kiên Giang ngày nay.
Đến năm 1867, Pháp chiếm Hà Tiên và sáp nhập vào Nam Kỳ thuộc địa. Đến năm 1900, chính quyền Pháp thành lập tỉnh Rạch Giá, tiền thân của tỉnh Kiên Giang ngày nay. Từ năm 1945-1975, do hoàn cảnh lịch sử nhiều biến động, việc phân định các đơn vị hành chính cũng có nhiều thay đổi từ tỉnh Hà Tiên, tỉnh Rạch Giá đến tỉnh Long Châu Hà. Đến năm 1976, Chính phủ quyết định tái lập tỉnh Kiên Giang.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, thị, gồm: Thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương; huyện Hòn Đất, huyện Tân Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Giồng Riềng, huyện Gò Quao, huyện An Biên, huyện An Minh, huyện Vĩnh Thuận, huyện Phú Quốc, huyện Kiên Hải, huyện U Minh Thượng và huyện Giang Thành và 145 xã, phường, thị trấn.
Danh xưng An Giang tồn tại hơn 190 năm
Còn tỉnh An Giang tọa lạc ở vị trí địa lý tương đối đặc biệt, ở địa đầu biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nơi đầu nguồn sông Mê Kông chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Tỉnh An Giang chính thức được ghi vào hệ thống hành chính năm 1832.
An Giang có diện tích tự nhiên 3.424km2, Phía Bắc - Tây Bắc giáp; Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang; Nam giáp Cần Thơ; phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có sông nước mênh mông, có núi non kỳ vĩ, có rừng tràm, có đồng ruộng bát ngát. Dân số An Giang là 1.911.002 người tính đến ngày 1/4/2024.
Về điều kiện tự nhiên, tỉnh An Giang sở hữu dãy Thất Sơn hùng vĩ, sông Tiền, sông Hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhiều di tích. An Giang hiện cũng là địa phương đi đầu cả nước về lúa gạo, cá tra, ba sa.

Bản đồ tỉnh An Giang ngày nay - (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh An Giang)
Trong lịch sử, theo sách “Đại Nam nhất thống chí” triều Nguyễn, năm 1757, An Giang là đất Tầm Phong Long, đặt làm đạo Châu Đốc, đến đầu đời vua Gia Long gọi là “Châu Đốc Tân Cương”. Năm 1808, vua đổi Gia Định trấn thành Gia Định thành, thống quản 5 trấn, tỉnh An Giang ngày nay thuộc trấn Vĩnh Thanh. Đến năm 1832, vua Minh Mạng đổi “Ngũ trấn” thành “Lục tỉnh” (Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên). Danh xưng An Giang đến nay đã hơn 190 năm.
Qua các thời kỳ, An Giang đã chia tách, sáp nhập tỉnh nhiều lần, có nhiều tên gọi khác nhau, như: Châu Hà, Long Châu Tiền, Long Châu Hà, Long Châu Hậu... Nhưng danh xưng An Giang tồn tại lâu nhất, được ghi nhận nhiều nhất với nhiều dấu ấn đặc biệt.
Địa bạ An Giang đầu tiên (ngày 3/6/1836) ghi nhận tỉnh có 2 phủ, 4 huyện, 18 tổng, 167 làng. Đến thời vua Tự Đức, sau nhiều lần tách nhập, tỉnh An Giang có 3 phủ, 9 hoặc 10 huyện.
Đến nay, tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính, bao gồm 2 thành phố: Long Xuyên và Châu Đốc; 1 thị xã: Tân Châu; 8 huyện: Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn với 156 xã, phường, thị trấn.
Tỉnh Long Châu Hà là tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ.
Tháng 10 năm 1950 tỉnh Long Châu Hậu (bao gồm một phần tỉnh Châu Đốc và một phần tỉnh Long Xuyên) hợp nhất với tỉnh Hà Tiên thành tỉnh Long Châu Hà. Tỉnh này gồm 8 quận: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú A, Châu Thành, Thoại Sơn, Thốt Nốt, Giang Châu (quận Giang Thành và Châu Thành của Hà Tiên nhập lại) và Phú Quốc. Tháng 7 năm 1951, sáp nhập 2 quận Tri Tôn, Tịnh Biên thành quận Tịnh Biên; 2 quận Châu Thành, Thoại Sơn thành quận Châu Thành.
Tỉnh Long Châu Hà tồn tại cho đến năm 1954 thì lại chia thành các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên và Hà Tiên như cũ.
Sau đó, tháng 5 năm 1974 tái lập tỉnh Long Châu Hà. Tỉnh mới gồm 8 huyện: Châu Thành X, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Huệ Đức, Châu Thành A, Hà Tiên, Phú Quốc và 3 thị xã: Long Xuyên, Châu Đốc và Hà Tiên. Tỉnh Long Châu Hà tồn tại cho đến tháng 2 năm 1976.
Địa bàn tỉnh Long Châu Hà nay một phần thuộc tỉnh An Giang, một phần thuộc tỉnh Kiên Giang và một phần phía bắc của TP. Cần Thơ.