Chọn chủ tịch xã sau sáp nhập thế nào?

Khi lựa chọn cán bộ, cần nhất là sự công tâm của lãnh đạo đứng đầu và năng lực lãnh đạo tập thể của tổ chức trong quá trình tham mưu, đề xuất.

Tại dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ đề xuất chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường cho đến khi UBND khóa mới được bầu ra.

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đề xuất này là hợp lý để đảm bảo bộ máy hoạt động liên tục, không đứt quãng.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

Giảm bớt thời gian, quy trình

Theo ông, nếu dự thảo Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành và thông qua sẽ tạo thuận lợi cho việc vận hành bộ máy cấp xã, phường ngay sau khi sáp nhập thế nào?

Theo quy định hiện hành, HĐND các cấp sẽ bầu chọn ra chủ tịch UBND, các phó chủ tịch UBND và bộ máy các cấp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay để kịp thời kiện toàn bộ máy, duy trì hoạt động liên tục, không gián đoạn trong quá trình tổ chức, sắp xếp lại tỉnh thành, xã, bỏ cấp huyện, theo tôi, việc chủ tịch tỉnh chỉ định các chức danh lãnh đạo cấp xã như chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường là phù hợp.

Việc chỉ định sẽ giúp giảm bớt thời gian, thu gọn quy trình. Vì theo tiến độ, từ ngày 1/7, bộ máy cấp cơ sở đã phải đi vào hoạt động. Từ ngày 1/9, bộ máy cấp tỉnh đi vào hoạt động.

Trong khi đó, đầu tháng 5 này, Quốc hội mới triệu tập kỳ họp thứ 9 để thông qua các luật phục vụ sắp xếp bộ máy như sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, Luật Bầu cử; thông qua đề án sáp nhập tỉnh/thành… Nếu chờ các luật được thông qua và có nghị định hướng dẫn, không thể kịp tiến độ.

Đảng đã chỉ đạo khi sắp xếp bộ máy, tổ chức hành chính, không được để đứt quãng, gián đoạn trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong quan hệ, phục vụ nhân dân và đặc biệt là phải giữ gìn an ninh, trật tự, đảm bảo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Cần tiêu chí gì?

Theo quy định hiện hành, lãnh đạo cấp xã/phường được bầu bởi HĐND cùng cấp hoặc do nhân dân bầu trực tiếp. Ông có nghĩ việc chủ tịch tỉnh chỉ định có thể dẫn đến tâm tư từ một bộ phận cử tri?

Theo tôi, việc chỉ định lãnh đạo cấp xã/phường chỉ là giải pháp tạm thời trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, tổ chức hệ thống chính trị cho đến khi UBND khóa mới được bầu ra.

Việc chỉ định này trước hết cần cấp ủy cho ý kiến và trên cơ sở đó, chọn lựa cán bộ công chức. Có thể lựa chọn từ những cán bộ công chức cấp huyện dôi dư hoặc từ cấp xã sau sáp nhập để tìm ra người phù hợp, đáp ứng mô hình tổ chức mới.

Khi lựa chọn cán bộ, cần nhất là sự công tâm của lãnh đạo đứng đầu và năng lực lãnh đạo tập thể của tổ chức trong quá trình tham mưu, đề xuất.

Chắc chắn tính minh bạch và tiêu chí lựa chọn cán bộ sẽ là vấn đề được nhiều người quan tâm. Vậy theo ông, cần có tiêu chí như thế nào để việc chỉ định thật sự công tâm, khách quan, tránh cảm tính để tạo được niềm tin, sự đồng thuận?

Trên cơ sở tiêu chí chung theo các quy định của Đảng, Nhà nước, các địa phương cần cụ thể hóa các tiêu chí để phù hợp với cơ sở của mình.

Đơn cử địa phương ở miền núi, biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn sẽ có các tiêu chí khác nhau dựa trên tình hình thực tế, trên từng khu vực. Tùy việc mà chọn người.

Tôi lấy ví dụ như tại Quảng Ninh vừa qua, trong quá trình xây dựng đề án trình Trung ương, lãnh đạo tỉnh đã giao các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ cấp xã để làm cơ sở thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập, đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Các tỉnh khác cũng nên có những tiêu chí, tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ cấp xã tùy theo đặc điểm, yêu cầu của địa phương để lựa chọn cán bộ như vậy.

Tới đây, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức cán bộ công chức cũng sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Theo dự thảo Luật Tổ chức cán bộ công chức (sửa đổi) dự kiến được trình tại kỳ họp Quốc hội thứ 9, sẽ không phân biệt công chức cấp trung ương, cấp cơ sở như trước mà quản lý theo vị trí việc làm.

Cấp trung ương, tỉnh/thành, cơ sở đều cùng một hệ thống cán bộ công chức với chất lượng như nhau, đảm bảo năng lực, trình độ theo vị trí việc làm và có sự liên thông.

Riêng cấp cơ sở, do là cấp gần dân nhất nên không chỉ yêu cầu cụ thể về năng lực, trình độ, nghiệp vụ, đạo đức mà đặc biệt, còn đòi hỏi cao về tinh thần thái độ làm việc phải tốt nhất, phải có kinh nghiệm tiếp xúc, kỹ năng vận động, thuyết phục… trên tinh thần vừa quản trị vừa phải phục vụ nhân dân.

Trao thêm quyền cho HĐND để giám sát

Vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND xã, phường sau khi sáp nhập sẽ khác biệt như thế nào so với trước đó, bởi lúc này địa giới đã mở rộng gấp nhiều lần, tính chất công việc cũng khó và phức tạp hơn, thưa ông?

Theo dự thảo của Bộ Nội vụ, dự kiến sắp tới sẽ có khoảng 5.000 cấp cơ sở, như vậy mỗi cơ sở sẽ có quy mô như "huyện thu nhỏ".

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số xã, phường trên cả nước giảm từ 10.035 xuống khoảng 5.000 (ảnh minh họa).

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số xã, phường trên cả nước giảm từ 10.035 xuống khoảng 5.000 (ảnh minh họa).

Sau khi sáp nhập cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và cơ cấu lại cấp cơ sở, quy mô địa bàn, nhiệm vụ, trách nhiệm của lãnh đạo cấp này sẽ lớn và phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi năng lực, trình độ của chủ tịch UBND phải cao hơn.

Lãnh đạo một cơ sở không chỉ đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một cấp huyện trước đây mà còn phải xử lý các công việc có liên quan trực tiếp tới người dân và có thể được phân cấp, phân quyền thêm nhiệm vụ từ cấp tỉnh. Nhiệm vụ rất nặng nề!

Chủ tịch xã sau sáp nhập có vị thế và quyền hạn lớn hơn rất nhiều so với trước đây, vậy cơ chế giám sát nên như thế nào để người đó vừa phát huy được năng lực, vừa để họ tránh được những sai lầm?

Quyền hạn luôn đi đôi với trách nhiệm. Ở các cấp chính quyền, trách nhiệm, quyền hạn của UBND luôn đi đôi với chủ tịch UBND. Nguyên tắc là tập trung dân chủ, hoạt động tập thể nhưng phải gắn liền với trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch UBND cùng cấp. Đó là một cơ chế giám sát.

Ngoài ra, còn có cơ chế giám sát của Đảng, của các tổ chức quần chúng, của nhân dân và các quy định khác của Đảng, Nhà nước.

Ở dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới, HĐND cùng cấp có thể có quyền bãi bỏ một phần, toàn bộ văn bản hoặc quyết định của Chủ tịch UBND cùng cấp, khác với trước đây quyền này nằm ở UBND cấp trên.

Cảm ơn ông!

Cả nước sẽ còn khoảng 5.000 xã, phường

Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3, triển khai nhiệm vụ công tác quý II và tháng 4 tổ chức chiều 1/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo lộ trình, Đảng ủy Chính phủ sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 11 để thông qua đề án sáp nhập tỉnh, xã, không tổ chức cấp huyện.

Sau khi Trung ương thông qua đề án sáp nhập tỉnh, xã, Bộ Chính trị sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai vào 16/4.

Theo Bộ trưởng Trà, từ 1/5, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ bắt đầu gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét. Bộ Nội vụ sẽ hỗ trợ các bộ, ngành điều chỉnh các văn bản pháp luật để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Bộ đặt mục tiêu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các công việc liên quan đến sáp nhập tỉnh, xã và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trước ngày 30/6. Ngày 1/7 là mốc để chính quyền cấp xã bắt đầu vận hành, ngày 30/8 là thời điểm toàn bộ hệ thống chính trị sau khi sắp xếp và tổ chức lại sẽ chính thức đi vào hoạt động đồng bộ.

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến giữ nguyên hiện trạng bao gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc Trung ương là: TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, thuộc diện phải sắp xếp.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, số xã, phường trên cả nước giảm từ 10.035 xuống khoảng 5.000.

Hà Nội dự kiến giảm 50% xã, phường

Tại hội nghị giao ban quý I/2025 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với các quận, huyện, thị xã, chiều 3/4, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh thông tin, Hà Nội xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến giảm khoảng 50% so với hiện tại, từ 526 phường, xã, thị trấn, xuống còn khoảng 263 đơn vị.

Theo dự thảo phương án, việc sắp xếp sẽ dựa trên các nguyên tắc chung của Trung ương và các nguyên tắc riêng áp dụng cho đô thị đặc biệt như Hà Nội. Trong đó, yếu tố quy hoạch phát triển đô thị (hai đô thị trực thuộc phía Bắc và phía Tây), định hướng phát triển vùng du lịch, công nghiệp và dư địa phát triển của từng địa phương được đặc biệt chú trọng.

Bên cạnh đó, phương án cũng đảm bảo giữ gìn những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa của các vùng, đặc biệt là các vùng văn hóa tiêu biểu như Thăng Long, xứ Đoài, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng.

Hà Nội cũng tính đến việc áp dụng cách đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên huyện cũ kèm số, theo tinh thần chỉ đạo từ Trung ương, nhằm tối ưu hóa công tác số hóa và quản lý dữ liệu (ví dụ: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2...).

Trụ sở hành chính của các đơn vị mới sẽ được ưu tiên lựa chọn từ trụ sở của một trong các đơn vị cấp xã hiện hữu.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp từ các cấp, UBND thành phố sẽ hoàn thiện phương án sắp xếp và lấy ý kiến nhân dân.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chon-chu-tich-xa-sau-sap-nhap-the-nao-192250403233957682.htm
Zalo