Kiên Giang đặt kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13%, đạt khoảng 64.695 tỷ đồng

Trong tháng đầu năm 2025, lĩnh vực kinh tế công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng trưởng nổi bật. Trong năm 2025, kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh phấn đấu tăng 13% so với năm 2024, tương đương khoảng 64.695 tỷ đồng.

Ngày 9/2, thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết, tháng đầu năm 2025, kinh tế công nghiệp tỉnh Kiên Giang khởi sắc với giá trị sản xuất tăng 32,88% so cùng kỳ năm 2024, ước đạt khoảng 5.550 tỷ đồng, bằng 8,6% so kế hoạch.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo gần 5.350 tỷ đồng, tăng 33,77%, còn lại là khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải...

Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng dương từ 14,6 - 55,3% so với cùng kỳ như cá hộp, tôm đông, giày da, bột cá, mực đông, gỗ MDF...

Tình hình sản xuất có xu hướng thuận lợi hơn so với dự báo và đạt mức tăng trưởng khá cao nhờ nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Bên cạnh đó, những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất của Chính phủ đã giúp doanh nghiệp duy trì và ổn định sản xuất. Doanh nghiệp tích cực mở rộng, tìm kiếm thị trường, chủ động nắm bắt, triển khai kịp thời các hợp đồng cung ứng, lượng đơn đặt hàng được duy trì, ổn định.

Sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Kiên Giang.

Sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Kiên Giang.

Tuy vậy, do ảnh hưởng của thị trường bất động sản chưa được hồi phục, giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, đồng thời, chi phí vận tải, logictis và những vấn đề có liên quan khác, ảnh hưởng phần nào đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2025, kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh phấn đấu tăng 13% so với năm 2024, tương đương khoảng 64.695 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu này, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh chia sẻ, tỉnh rà soát tiến độ đầu tư của các dự án công nghiệp trọng điểm trên địa bàn; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tỉnh kịp thời xử lý các vướng mắc về đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo quỹ đất bố trí cho dự án thứ cấp triển khai đầu tư xây dựng; hoàn thành quy hoạch và ưu tiên phát triển các nhà máy chế biến sâu về nông sản, thủy sản ngay tại vùng nguyên liệu, gắn với quy hoạch đồng bộ phát triển vùng nguyên liệu, nhất là vùng nuôi biển, nuôi tôm công nghiệp. Ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để tạo quỹ đất phát triển các khu, cụm công nghiệp và cụm nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu.

Theo đó, tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và tăng cường các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thông qua các chính sách về khuyến công.

Điểm nhấn trong đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp Kiên Giang là tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn.

Cụ thể là hỗ trợ 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (không bao gồm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư); kinh phí hỗ trợ được xác định theo phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở và các yêu cầu khác của dự án.

Nguyễn Thanh Xuân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kien-giang-dat-ke-hoach-gia-tri-san-xuat-cong-nghiep-tang-13-dat-khoang-64695-ty-dong-204250209154756243.htm
Zalo