Kiểm toán tài chính công đoàn: Tăng minh bạch, tạo niềm tin cho người lao động

Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đã bổ sung quy định nhằm tăng cường hơn nữa công tác kiểm toán và giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn. Nhiều ý kiến đánh giá, quy định này là cần thiết nhằm tăng tính minh bạch, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người lao động trong công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn.

Tăng cường tính minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính công đoàn. Ảnh: TL

Tăng cường tính minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính công đoàn. Ảnh: TL

Củng cố căn cứ pháp lý về công khai tài chính công đoàn

Luật Công đoàn (sửa đổi) dành một điều (Điều 33) quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn. Trong đó, Luật quy định: Việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tại công đoàn các cấp phải được kiểm tra, kiểm toán theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phù hợp với pháp luật về kiểm toán và pháp luật có liên quan. Định kỳ hai năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Kiểm toán nhà nước (KTNN) định kỳ hai năm một lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội; thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Luật Công đoàn bổ sung sự tham gia của KTNN là hết sức cần thiết và rất hợp lý, giúp cho tổ chức công đoàn trong việc quản lý chi tiêu tốt hơn.

Ông Mai Thành Phương - Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam

Thực tế thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp công đoàn duy trì thường xuyên, đảm bảo ngăn ngừa, phát hiện xử lý kịp thời các rủi ro, nhằm quản lý tài chính công đoàn chặt chẽ, hiệu quả. Hằng năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đều tổ chức hội nghị quán triệt việc thực hiện quản lý tài chính, tài sản công đoàn; đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai các đoàn kiểm tra tài chính công đoàn tại các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở…

Từ góc độ cơ quan KTNN, thời gian qua, qua kiểm toán đối với công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính, tài sản công đoàn, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn trong chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động. Năm 2022, qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, KTNN đánh giá, cơ bản Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quản lý, sử dụng nguồn thu kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và các văn bản do Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện phân cấp thu cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở; xây dựng phần mềm và tổ chức tập huấn kế toán công đoàn, ban hành một số văn bản quy định về tài chính công đoàn… Qua đó, giúp cho các tổ chức công đoàn và đơn vị trực thuộc theo dõi, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn và ngân sách nhà nước thống nhất, thuận lợi hơn...

Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong công tác lập, giao và thực hiện dự toán thu, chi tài chính công đoàn; việc quản lý, sử dụng nguồn thu tài chính công đoàn... và đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện, chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này. Đáng chú ý, qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra những bất cập về cơ chế, chính sách để kịp thời kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp. Đơn cử, năm 2020, KTNN đã kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật về cơ chế quản lý tài chính công đoàn. Trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cho phù hợp.

Tăng cường trách nhiệm, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực tài chính công đoàn

Theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, hoạt động kiểm toán của KTNN có tác động rất lớn đến công tác quản lý tài chính công, tài sản công của hệ thống công đoàn. KTNN đã trực tiếp kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tại công đoàn cơ sở, từ đó giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn trong thực hiện công tác này. Trên cơ sở kết luận, kiến nghị của KTNN, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn nghiêm túc chấn chỉnh, tiếp thu và thực hiện các kiến nghị của KTNN cũng như kiến nghị của các cơ quan chức năng khác theo đúng quy định của pháp luật.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định về tăng cường kiểm toán, giám sát đối với công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn là hết sức cần thiết và phù hợp. “Việc luật hóa quy định về kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn nhằm quy định cho rõ về công khai tài chính công đoàn” - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán, ông Mai Thành Phương - Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam - cho biết, một trong những vấn đề được dư luận và người lao động quan tâm nhất trong Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này là việc Quốc hội quyết định tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%. Đồng thời, Luật đã bổ sung quy định về sự tham gia của KTNN trong việc kiểm toán định kỳ, đột xuất về tài chính công đoàn.

Theo ông Phương, việc duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2% hiện nay không phải nhiều nước làm được, qua đó cho thấy sự ghi nhận, tin tưởng của các đại biểu Quốc hội, người lao động với tổ chức công đoàn trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đó. Điều này cũng đặt ra yêu cầu rất lớn trong công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí công đoàn, để người lao động cảm thấy khoản kinh phí đóng góp đó là hữu ích. Đây là trọng trách rất lớn của tổ chức công đoàn cũng như của mỗi cán bộ làm công tác công đoàn, để làm sao phát huy được hiệu quả nguồn lực này, đáp ứng cho phong trào công nhân viên chức cũng như người lao động.

“Đây là nguồn kinh phí đóng góp từ người lao động nên cần phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ, trước hết là của người lao động và của các cơ quan quản lý nhà nước; thông qua đó nâng cao trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn kinh phí công đoàn ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Mặt khác, sự vào cuộc của cơ quan kiểm toán, giám sát làm cho người lao động cảm thấy yên tâm và tin tưởng hơn vào công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn” - ông Phương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Tâm - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - đánh giá cao quy định về kiểm toán tài chính công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi). “Việc kiểm toán, giám sát công khai, minh bạch nguồn tài chính công đoàn sẽ tạo sự tin tưởng hơn nữa của người lao động, cũng như của các chủ thể doanh nghiệp vào tổ chức công đoàn trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động” - ông Tâm cho biết./.

N.HỒNG - N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-tai-chinh-cong-doan-tang-minh-bach-tao-niem-tin-cho-nguoi-lao-dong-37026.html
Zalo