Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ gây tổn hại nhiều hơn cho nông dân Mỹ

Cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump đã gây thiệt hại lên tới 11 tỷ USD cho những người nông dân trồng đậu nành ở Mỹ, và phần tiếp theo của cuộc chiến thương mại có thể còn tồi tệ hơn.

Đậu nành là tâm điểm của cuộc chiến thuế quan đầu tiên của chính quyền Trump với Trung Quốc, thể hiện qua việc các chuyến hàng đậu nành của Mỹ đến Trung Quốc đã giảm 79% trong hai năm đầu nhiệm kỳ của ông. Vào thời điểm đó, Trung Quốc vẫn cần một số nguồn cung cấp của Mỹ, nhưng bây giờ, nước này có thể đẩy mạnh nhập khẩu từ Brazil.

Một bức tranh cũng tương tự đối với các hàng hóa khác khi Trung Quốc đã đa dạng hóa nguồn cung, mở cửa thị trường cho ngô và lúa mì từ Argentina, lúa miến từ Brazil và bông từ Úc.

"Lần đầu, Trung Quốc đã không chuẩn bị. Lần này họ đã chuẩn bị, họ có lượng đậu nành dự trữ kỷ lục trong nước", Steve Nicholson, chiến lược gia toàn cầu về ngũ cốc và hạt có dầu tại Rabobank cho biết.

Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại xuất hiện khi nông dân Mỹ đang phải cố gắng để giành lại vị thế là nước xuất khẩu lương thực hàng đầu, từ ngô đến lúa mì, sau khi bị Brazil chiếm lĩnh thị phần.

Ông Trump dự kiến sẽ lặp lại chiến lược từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình, với thuế quan có khả năng tiếp theo là các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc sẽ gây áp lực lên giá ngũ cốc. Một giải pháp cuối cùng có thể xuất hiện, nhưng theo các nhà phân tích của Citigroup Global Markets, Trung Quốc sẽ có "khẩu vị thấp hơn" trong việc quay trở lại mức nhập khẩu trước đó.

“Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đều nằm ở tuyến đầu của các động thái trả đũa thương mại vì việc chuyển đổi nguồn cung sẽ phải chịu chi phí thấp hơn so với trước đây”, các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết.

Cuộc chiến thương mại đầu tiên đã góp phần thúc đẩy tình hình cung ứng hiện tại, khi Trung Quốc chuyển hướng khỏi Mỹ đã thúc đẩy Brazil trồng nhiều đậu nành hơn. Brazil có thể thu hoạch một vụ đậu nành vào đầu năm tới, lớn hơn 30% so với mức trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Tuy nhiên, nông dân Mỹ vẫn sản xuất nhiều hơn và họ vừa thu hoạch được vụ đậu nành lớn nhất từ trước đến nay trong bối cảnh nhu cầu trong nước tăng cao. Người trồng trọt có thể vẫn sẽ đẩy mạnh gieo trồng ngay cả khi cuộc chiến thương mại làm ảnh hưởng đến nhu cầu.

"Chúng tôi không mong đợi diện tích trồng trọt ở Mỹ sẽ giảm…Giả sử rằng thuế quan cũng tương tự, khi Trung Quốc cảm thấy cần phải mua từ các thị trường khác, thì sản lượng của Mỹ vẫn sẽ tìm được chỗ đứng”, Chuck Magro, Giám đốc điều hành của công ty sản xuất hạt giống Corteva cho biết.

Đậu nành, ngô và lúa mì

Vào tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1, trong đó Trung Quốc cam kết mua hàng tỷ đô la hàng nông sản của Mỹ và hủy bỏ thuế quan.

Nếu các mức thuế quan này được áp dụng trở lại, nông dân Mỹ có thể mất hàng triệu tấn ngũ cốc và đậu nành xuất khẩu hàng năm.

Để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu ngô Brazil vào năm 2022.

Trung Quốc cũng đang chuyển sang Argentina để mua ngô và lúa mì. Đầu năm nay, nước này đã cho phép mua hàng từ quốc gia Nam Mỹ này, mở đường cho các lô hàng ngô đầu tiên sau 15 năm và các hợp đồng lúa mì quan trọng đầu tiên kể từ những năm 1990.

Lúa miến

Các nhà sản xuất lúa miến của Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, trong đó lúa miến chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và để làm rượu baijiu. Trong mùa vụ gần đây nhất, Mỹ đã vận chuyển khoảng 70% sản lượng lúa miến của mình đến Trung Quốc.

Nhưng vào cuối tháng trước, Trung Quốc cũng đã mở cửa cho hàng nhập khẩu từ Brazil. Trong khi cường quốc nông nghiệp Nam Mỹ này hầu như không xuất khẩu lúa miến trong quá khứ, sản lượng của họ đã tăng lên khoảng 4,6 triệu tấn. Điều đó đặt ra một thách thức khác đối với thị phần của Mỹ ngoài mối đe dọa về thuế quan.

Thịt lợn

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn của Mỹ, mặc dù họ cũng đã cho phép nhập khẩu nhiều hơn từ Brazil.

Nhưng triển vọng của thị trường không mấy khả quan ngay cả khi không có chiến tranh thương mại. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc dự kiến sẽ giảm, điều này xảy ra khi người tiêu dùng chuyển sang các loại protein khác như thịt gia cầm, thịt bò và hải sản.

Bông

Trong báo cáo tháng 12, USDA cho biết, lượng bông nhập khẩu của Trung Quốc cũng dự kiến sẽ giảm so với mức kỷ lục của năm ngoái do sản lượng trong nước mạnh và lượng dự trữ cao hơn. Nền kinh tế chậm lại cũng kéo theo nhu cầu về hàng dệt may, dẫn đến mức tăng trưởng tiêu thụ bông ở mức vừa phải hơn.

Walter Kunisch, chiến lược gia thị trường hàng hóa cấp cao tại Hilltop Securities cho biết chuỗi cung ứng bông và dệt may của Trung Quốc hoàn toàn khác so với thời kỳ chiến tranh thương mại năm 2018. "Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc đang ở một vị thế khác và yếu hơn nhiều. Về mặt chính trị, chính sách thương mại của Trung Quốc cũng đang ở một vị thế khác", ông cho biết.

Ông cho biết quốc gia này đã nhập khẩu nhiều bông hơn từ Brazil và Úc, mặc dù nước này có thể gặp khó khăn khi chuyển hướng khỏi bông của Mỹ do vấn đề "tiêu chuẩn vàng" về chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Brazil - quốc gia vừa trở thành nước xuất khẩu bông lớn nhất thế giới trong năm 2023-2024 - đã vận chuyển gần 1,3 triệu tấn bông sang Trung Quốc trong mùa vụ này, vượt xa các lô hàng của Mỹ.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-se-gay-ton-hai-nhieu-hon-cho-nong-dan-my-post359811.html
Zalo