Hiệu quả đối thoại
Bên cạnh nâng cao hiệu quả thương lượng, xây dựng và giám sát thỏa ước lao động tập thể, tổ chức tốt hội nghị người lao động (NLĐ), kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn còn thể hiện tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với chủ doanh nghiệp (DN) và NLĐ thông qua việc đối thoại.
Hàng năm, nhân dịp Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh lựa chọn nội dung, chỉ đạo các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng tổ chức hoạt động gặp gỡ, đối thoại với chủ đề “Đối thoại tháng 5”. Riêng LĐLĐ tỉnh tham mưu Tỉnh ủy tổ chức hội nghị đối thoại với 150 đoàn viên, NLĐ tại các DN. Trung bình mỗi cuộc đối thoại, ghi nhận trên 20 ý kiến, kiến nghị. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trao đổi, trả lời đầy đủ những ý kiến của NLĐ. Với những vấn đề cần thêm thời gian nghiên cứu, các sở, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục trả lời bằng văn bản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Tại buổi đối thoại, LĐLĐ tỉnh báo cáo tình hình đời sống, việc làm của đoàn viên, NLĐ; thông tin việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của NLĐ ở lần tổ chức trước đó. Nhờ đó, mỗi chương trình đối thoại nhận được sự đón nhận tích cực của NLĐ, thẳng thắn kiến nghị những tâm tư liên quan việc làm, quan hệ lao động tại DN; chất lượng “bữa ăn ca”; hỗ trợ vay vốn cho NLĐ lãi suất ưu đãi; về nhà ở cho NLĐ có thu nhập thấp; nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần… Ngoài ra, kiến nghị tỉnh có những chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định.
Hai năm gần đây (2023 và 2024), LĐLĐ tỉnh phối hợp Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức 3 Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trước các kỳ họp Quốc hội. Qua đó, có 300 lượt cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ tham gia kiến nghị trên 50 ý kiến đóng góp các dự án luật, như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm. Đoàn ĐBQH tỉnh đã điều hành và chỉ đạo các sở, ngành trả lời thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Lãnh đạo Đoàn ĐBQH đánh giá cao các hội nghị, cho rằng đây là kênh giúp Đoàn ĐBQH nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm của đoàn viên, NLĐ và giúp phát huy tinh thần dân chủ của cử tri trong tham gia ý kiến góp ý đối với các dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến (hoặc thông qua) tại các kỳ họp Quốc hội.
Trong năm 2024, LĐLĐ các huyện cũng đồng loạt phối hợp các đoàn thể, tham mưu cấp ủy Đảng tổ chức các buổi đối thoại giữa cấp ủy với đoàn viên, hội viên, NLĐ tại địa phương. Điển hình, huyện Châu Phú đã tổ chức hội nghị đối thoại với 240 đoàn viên, hội viên, NLĐ, ghi nhận 12 ý kiến, kiến nghị, đề xuất của NLĐ. Tại huyện Thoại Sơn, hội nghị ghi nhận 7 ý kiến của công nhân lao động về tình hình việc làm, đời sống, thu nhập; an ninh trật tự, an toàn xã hội; nhà ở. Tại huyện Phú Tân, cấp ủy Đảng đối thoại trực tiếp với NLĐ xoay quanh các vấn đề về chế độ chính sách, pháp luật lao động, việc làm; các chế độ chính sách chăm lo của người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn đối với đoàn viên, NLĐ…
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang cho biết, hoạt động đối thoại giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với đoàn viên, NLĐ được LĐLĐ tỉnh đánh giá cao và được duy trì xuyên suốt gần 10 năm qua. Đây là diễn đàn để đoàn viên, NLĐ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy Đảng về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Đồng thời, giúp cấp ủy Đảng kịp thời tháo gỡ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Đây cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh thông tin kết quả lãnh đạo, điều hành về xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, những thuận lợi, khó khăn của tỉnh thời gian qua.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng khẳng định, buổi gặp gỡ, đối thoại đã giúp cấp ủy Đảng, chính quyền lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn. Đây cũng là hình thức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu tham mưu các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong sản xuất - kinh doanh, nhất là quan tâm hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, góp phần bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật phù hợp thực tiễn.