Kiểm soát toàn diện từ vùng trồng đến đóng gói sầu riêng xuất khẩu
Trước việc Trung Quốc siết chặt kiểm định chất vàng O, cadimi khiến cho việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này của Việt Nam bị hạn chế.
Để tháo gỡ khó khăn này cũng như đưa ra các giải pháp trong việc kiểm soát kim loại nặng, vàng O…, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Vườn sầu riêng của người dân xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Xin ông cho biết, ngành đã có những giải pháp gì nhằm kiểm soát các kim loại nặng, điển hình là cadimi, tránh tồn dư trong trái cây, đặc biệt là sầu riêng?
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các địa phương và đơn vị chức năng triển khai chương trình khảo sát, giám sát và lấy mẫu tại các vùng trồng sầu riêng trọng điểm thuộc khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Qua kết quả phân tích, kim loại nặng được phát hiện chủ yếu tại các vùng trồng thuộc Tây Nam Bộ.
Trước thực trạng này, Cục đã tập trung xử lý tình trạng tồn dư kim loại nặng tại Tiền Giang – địa phương có diện tích sầu riêng lớn của vùng. Cục đã giao các đơn vị kỹ thuật phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và các phòng thử nghiệm tiến hành khảo sát, lấy mẫu đất, nước, lá và quả tại 4 huyện trồng sầu riêng chủ lực của tỉnh.
Kết quả phân tích cho thấy, tồn dư kim loại nặng xuất hiện trên nông sản, bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là mức tồn dư trong đất cao bất thường; thứ hai là do quá trình canh tác, người dân sử dụng vật tư và phân bón vượt quá ngưỡng cho phép – thậm chí có nơi vượt tới hơn 10 lần, dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất.
Trước thực trạng này, Cục đã làm việc trực tiếp với tỉnh để thống nhất giải pháp đồng bộ. Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Trung tâm Kiểm định Khảo nghiệm thuốc Bảo vệ thực vật phía Nam, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cùng các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao nhiệm vụ rà soát, xây dựng lại quy trình canh tác. Mục tiêu là kiểm soát toàn diện từ khâu lựa chọn vùng trồng, kiểm tra đất – nước trước khi trồng sầu riêng đến quy trình bón phân, nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng phân bón có chứa kim loại nặng.
Bên cạnh đó, Cục khuyến cáo tăng cường sử dụng phân hữu cơ, cân đối tỷ lệ với phân vô cơ. Đối với các vùng có nguy cơ cao, áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm thiểu nguy cơ nhiễm kim loại nặng. Một là sử dụng biochar (than sinh học), có khả năng giữ lại kim loại nặng, điều chỉnh độ pH của đất, đồng thời thúc đẩy hệ vi sinh vật có lợi giúp cây sầu riêng phát triển tốt.
Hai là bổ sung phân bón vi sinh để tăng mật độ vi sinh vật trong đất, hỗ trợ phân giải và làm giảm khả năng hấp thụ cadimi vào sản phẩm. Ba là trồng xen các loại cây thân ngập nước để hấp thụ và lưu giữ kim loại nặng; đồng thời, những cây trồng xen này có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ.
Hiện Cục đã phối hợp với địa phương và doanh nghiệp triển khai 5 mô hình tại hai huyện Cái Bè và Cai Lậy (Tiền Giang), qua đó tổ chức đánh giá hiệu quả thực tế để nhân rộng ra các địa phương khác.
Song song với đó, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam phối hợp với tỉnh Tiền Giang tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình canh tác bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón chứa kim loại nặng, đảm bảo bón phân hợp lý và chăm sóc cây đúng kỹ thuật nhằm loại bỏ tồn dư hóa chất trong sản phẩm, đáp ứng yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu.
Cục cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vật tư đầu vào. Đồng thời, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thanh tra việc kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Cùng với đó, Cục đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang xây dựng báo cáo đánh giá hiệu quả của từng mô hình. Trên cơ sở kết quả này, phối hợp với hệ thống khuyến nông để nhân rộng những mô hình đạt hiệu quả cao. Toàn bộ nguyên nhân, giải pháp, kết quả khảo sát và quá trình triển khai đã được tổng hợp thành báo cáo chung của Việt Nam gửi cho phía nước nhập khẩu. Từ đó, hai bên sẽ cùng trao đổi, đàm phán và thống nhất các biện pháp kiểm soát phù hợp.
Để nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, ngành nông nghiệp và môi trường đang đẩy mạnh triển khai mô hình liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp cung ứng vật tư và doanh nghiệp xuất khẩu. Chuỗi liên kết này đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc đến từng sản phẩm. Các lô hàng sẽ được lấy mẫu kiểm tra từ vùng sản xuất, cơ sở đóng gói, cho đến trước khi đưa vào container để niêm phong. Tại cửa khẩu, hàng hóa tiếp tục được lấy mẫu giám sát theo yêu cầu của cơ quan kiểm dịch thực vật, đồng thời phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc nếu cần thiết.

Nhà vườn xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Công Trí/TTXVN
Trước thực trạng ô nhiễm đất ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có những giải pháp gì nhằm kiểm soát và giám sát dư lượng kim loại nặng tại các vùng trồng trên cả nước, cũng như hỗ trợ công tác quy hoạch và mở rộng thị trường xuất khẩu?
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng một chương trình giám sát tổng thể về kim loại nặng đối với các vùng trồng sầu riêng trên cả nước. Thông qua chương trình này, sẽ xác định được bản đồ đất có nguy cơ ô nhiễm, làm cơ sở để khuyến cáo người dân và hỗ trợ các địa phương trong việc quy hoạch vùng trồng sầu riêng một cách phù hợp và bền vững.
Đồng thời, Cục cũng đã xây dựng chương trình giám sát nhằm đánh giá toàn diện nguy cơ tồn dư ô nhiễm tại các vùng trồng sầu riêng. Kết quả của chương trình sẽ cung cấp số liệu cụ thể, phục vụ cho quá trình đàm phán với các thị trường nhập khẩu khó tính. Trên cơ sở đó, toàn bộ dữ liệu sẽ được minh bạch hóa, góp phần nâng cao độ tin cậy và thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không chỉ với sầu riêng mà còn với các sản phẩm trái cây khác của Việt Nam.

Sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk sau khi thu hoạch. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Với vàng O, ông có khuyến cáo gì với người sản xuất?
Ngay khi nhận được cảnh báo từ nước nhập khẩu về lô hàng vi phạm liên quan đến chất vàng O, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã khẩn trương yêu cầu các bên liên quan trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, buôn bán và xuất nhập khẩu tiến hành rà soát, làm rõ nguy cơ lây nhiễm của chất này.
Chất vàng O là chất bị cấm sử dụng trong các sản phẩm dùng làm thực phẩm. Qua quá trình truy xuất nguồn gốc cho thấy, việc sử dụng chất này chủ yếu diễn ra sau thu hoạch, đặc biệt tại khâu đóng gói, sơ chế và xuất khẩu. Đáng chú ý, nhiều lô hàng bị cảnh báo không được đóng gói tại các cơ sở đã đăng ký mã số, cho thấy sự thiếu kiểm soát trong chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, việc sử dụng vàng O được xác định là theo thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên trong một số trường hợp riêng lẻ, không phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, dù ở mức độ nào thì hành vi này cũng vi phạm quy định, cần được xử lý nghiêm. Đối với các trường hợp vi phạm bị cảnh báo, Cục đã phối hợp với cơ quan công an, chuyển giao toàn bộ hồ sơ để các cơ quan chức năng điều tra, xử lý đúng quy định pháp luật.
Cục cũng đã tổ chức hội thảo với tất cả các cơ sở đóng gói nhằm quán triệt và yêu cầu các đơn vị cam kết không sử dụng bất kỳ chất nhuộm màu nào trong quá trình xử lý sầu riêng. Các cơ sở sau đó đã triển khai biện pháp vệ sinh toàn diện khu vực đóng gói để loại bỏ nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tuy vậy, để thực hiện nghiêm túc và triệt để, vẫn cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ các bên liên quan, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức về các hành vi bị cấm và các quy định pháp luật hiện hành trong xuất nhập khẩu sản phẩm thực phẩm.
Hiện nay, Cục đang phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để xây dựng quy trình kiểm soát chặt chẽ toàn bộ các công đoạn trong quá trình đóng gói nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng. Quy trình này sẽ được ban hành trong thời gian tới, với nội dung kiểm soát từ đầu vào đến trước khi sản phẩm xuất xưởng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Cục sẽ xây dựng một hệ thống kiểm soát đồng bộ từ mã số vùng trồng đến cơ sở đóng gói, nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, Cục đang khẩn trương soạn thảo thông tư quy định về quản lý sầu riêng từ khâu sản xuất đến trước khi xuất khẩu; và trình dự thảo công điện Chính phủ với các chỉ đạo và giải pháp tổng thể cho mặt hàng này.
Song song đó, Bộ cũng đang xây dựng kế hoạch để làm căn cứ pháp lý, kỹ thuật và khoa học, phục vụ cho quá trình đàm phán với các thị trường nhập khẩu. Mục tiêu là khơi thông các điểm nghẽn, tạo nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng – loại trái cây đang giữ vai trò chủ lực và được mệnh danh là “vua của các loại trái cây”.

Lô sầu riêng của TP Cần Thơ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN
Việc quản lý, nâng cao chất lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được ngành quan tâm như thế nào, thưa ông?
Khi nhận được cảnh báo từ các nước nhập khẩu, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã nhanh chóng tổng hợp các trường hợp vi phạm, báo cáo lãnh đạo Bộ để thực hiện việc thu hồi và tạm dừng hoạt động đối với các mã số liên quan.
Đây là một trong những giải pháp được triển khai theo đúng cam kết trong Nghị định thư, nhằm bảo vệ thị trường xuất khẩu, duy trì hoạt động giao thương ổn định giữa hai bên và giữ vững uy tín của ngành hàng nông sản.
Đồng thời, Cục cũng triển khai các biện pháp để xác định rõ nguyên nhân vi phạm, làm rõ trách nhiệm và đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể. Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn sẽ chủ động trao đổi với phía nước nhập khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn, từng bước khôi phục lại hoạt động của các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói này.
Tuy nhiên, các chủ sở hữu mã số vùng trồng phải có trách nhiệm với chính mã số mà mình đã đăng ký, bởi đây không chỉ là công cụ quản lý mà còn là thương hiệu, là tài sản và là uy tín gắn liền với chất lượng sản phẩm nông sản của chính họ.
Vì vậy, việc quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng là hết sức cần thiết. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất khẩu nông sản, cho phép các mã số vùng trồng khai báo đầy đủ thông tin liên quan như: mã số, sản lượng, diện tích, thời vụ, cũng như mối liên kết trong chuỗi sản xuất – đóng gói – xuất khẩu. Nhờ đó, toàn bộ chuỗi sản xuất được quản lý một cách minh bạch.
Khi lô hàng được kiểm soát đầy đủ thông tin theo chuỗi, cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu sẽ căn cứ vào dữ liệu này để thực hiện kiểm tra, giám sát. Chỉ những lô hàng có thông tin đầy đủ, đúng với khai báo trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia mới được phép xuất khẩu theo đúng quy định.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!