Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện: Vẫn nhiều thách thức
Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) là hậu quả không mong muốn trong quá trình khám, chữa và chăm sóc người bệnh. Thực trạng này làm gia tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, làm tăng tình trạng kháng kháng sinh và chi phí điều trị cho người bệnh.

Thực hiện vệ sinh khu vui chơi của bệnh nhi, phòng tránh nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.
Hàng triệu người có nguy cơ tử vong
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện nằm trong số những sự cố bất lợi phổ biến nhất xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế. Tình trạng này xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là hệ thống y tế của các nước phát triển và nước đang phát triển đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của NKBV.
ThS. Hà Thị Kim Phượng - Phòng Điều dưỡng - Tiết chế và Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Theo thống kê của WHO, tại các nước có thu nhập cao và trung bình, cứ mỗi 100 bệnh nhân nhập viện thì có 7 người mắc ít nhất một loại NKBV trong thời gian nằm viện. Tỷ lệ này tại các nước có thu nhập dưới trung bình là 15/100 người bệnh. Trung bình, 1 trong 10 người bệnh bị ảnh hưởng sẽ tử vong do NKBV. WHO dự báo, đến năm 2050, gần 3,5 triệu người có thể tử vong do NKBV mỗi năm, gấp 4,4 lần so với HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cộng lại”.
TS.BS Trần Trọng Dương - Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện 19/8, Bộ Công an) lý giải, NKBV là nhiễm khuẩn bắt đầu xảy ra sau khi người bệnh nhập viện sau 48 giờ mà trước đó người bệnh không có biểu hiện nhiễm khuẩn hay bất kỳ dấu hiệu nào đang trong thời kỳ ủ bệnh. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó các yếu tố thuận lợi gây NKBV có thể kể đến như việc nhiều người bệnh bị nhiễm khuẩn vào bệnh viện khám, điều trị dẫn tới nhiều vi sinh vật gây bệnh cư trú ở bệnh viện hoặc do nhân viên y tế tiếp xúc thường xuyên với vi sinh vật nên trở thành người lành mang mầm bệnh và có thể lây nhiễm cho người khác. Một yếu tố khác là do nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc mức độ cao, đa kháng thuốc do quá trình sử dụng kháng sinh qua nhiều thế hệ và có sự chọn lọc các vi khuẩn kháng thuốc đồng thời, người bệnh nằm viện có hệ miễn dịch giảm sút do bệnh tật, tuổi cao, do dùng thuốc hoặc hóa chất gây suy giảm miễn dịch.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những trụ cột quan trọng trong bảo đảm an toàn người bệnh, chất lượng dịch vụ y tế, và năng lực ứng phó của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm. Đại dịch Covid-19 đã qua khẳng định vai trò không thể thiếu của công tác này, không chỉ trong phòng chống dịch mà còn trong công tác bảo vệ đội ngũ y tế và cộng đồng. Trong thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực để kiện toàn hệ thống, xây dựng hành lang pháp lý, phát triển nhân lực và triển khai chuyên môn kỹ thuật về kiểm soát nhiễm khuẩn. Những kết quả bước đầu đó đã tạo nền tảng quan trọng cho việc nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Mặc dù vậy, vẫn theo ông Thuấn, nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như sự chênh lệch về nguồn lực và năng lực giữa các cấp khám chữa bệnh; hạ tầng, thiết bị, vật tư kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu thốn; ý thức tuân thủ quy trình của một bộ phận nhân viên y tế và người bệnh, người nhà người bệnh còn hạn chế; đặc biệt, tình trạng kháng kháng sinh cùng mối đe dọa từ vi khuẩn đa kháng thuốc đang ngày càng gia tăng và sự xuất hiện của các dịch bệnh mới nổi và tái nổi.
“Những thách thức đó đòi hỏi chúng ta cần có hành động mạnh mẽ, đồng bộ và kịp thời hơn nữa. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2025 - 2030. Đây là tài liệu định hướng quan trọng, có tính chiến lược, nhằm đồng bộ hóa các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trên phạm vi cả nước, phù hợp với chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và các khuyến nghị của WHO. Đây sẽ là kim chỉ nam quan trọng để các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước triển khai bài bản, đồng bộ và hiệu quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn” – Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Lo ngại tình trạng kháng kháng sinh
Một trong những thách thức đáng lo ngại nhất của NKBV là sự gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. Tình trạng này không chỉ làm tăng tỷ lệ tử vong, giảm hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ lây lan nhiễm khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện và ra cộng đồng.
WHO khẳng định, kháng kháng sinh đã và đang làm suy yếu nền y học hiện đại và khiến hàng triệu sinh mạng gặp nguy hiểm. Ước tính hàng năm trên toàn thế giới có khoảng 136 triệu ca NKBV do vi sinh vật kháng thuốc gây ra và khoảng 1,3 triệu ca tử vong do tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn. Việt Nam cũng không nằm ngoài thực trạng chung đó. Hiện nay nước ta đang đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng nhanh, đặc biệt trong môi trường bệnh viện.
GS.TS Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho rằng, nguyên nhân do sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe như kê đơn không hợp lý, kiểm soát NKBV chưa tốt, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và cộng đồng… Đặc biệt, việc người dân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, tự ý tăng giảm hoặc bỏ liều cũng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, ngoài việc nâng cao nhận thức và trình độ sử dụng thuốc của thầy thuốc, người bệnh phải sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ thì cộng đồng cần chủ động phòng bệnh bằng biện pháp tiêm vaccine, tăng cường miễn dịch… và chủ động phối hợp điều trị nâng cao hiệu quả sử dụng kháng sinh trị bệnh. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần quản lý chặt thị trường thuốc, quản lý các nhà thuốc; phải phối hợp các lĩnh vực, các địa phương mới có thể quản lý được; Đặc biệt là ý thức của các dược sĩ; cần phải tăng cường tuyên truyền về ý thức người dân là những người tiêu dùng thông minh, không tùy tiện dùng kháng sinh.