Kiểm định để nâng chất lượng đào tạo
Sau một chu kỳ kiểm định chất lượng (5 năm), sẽ có những hạn chế trong giảng dạy, đào tạo được chỉ ra để giúp cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng, hướng đến đáp ứng người học và nhu cầu của xã hội.
Sau lần kiểm định chất lượng thứ 1 (2018), thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Đại học Huế tiến hành kiểm định chất lượng chu kỳ 2.
Từ những khuyến nghị của các đơn vị kiểm định trong chu kỳ 1, những năm qua, các cơ sở đại học đã triển khai, điều chỉnh sao cho đáp ứng tốt nhất 25 tiêu chuẩn (4 lĩnh vực) của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đại học.
PGS.TS. Trương Tấn Quân, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế cho rằng, sau 5 năm, bối cảnh mới của giáo dục đại học có những thay đổi. Tự chủ đại học tiếp tục là xu hướng được thúc đẩy. Như tại Trường đại học Kinh tế đang tự chủ cấp 1, đây là điều kiện để có những thay đổi trong phát triển, nhưng cũng là thách thức, cần có sự thay đổi trong mô hình hoạt động. Xu hướng đại học số, kinh tế số, công nghệ số đang ngày càng được áp dụng, điều này tác động đến nhu cầu lao động và những kiến thức kỹ năng của sinh viên. Sự chuyển đổi linh hoạt giữa các ngành nghề của người lao động cũng khiến công tác đào tạo có sự thay đổi tương ứng. Hội nhập quốc tế trong văn hóa, sản xuất, hay có những yêu cầu mới trong nghiên cứu khoa học… khiến giáo dục đại học cũng phải thay đổi.
Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (đơn vị thực hiện đánh giá chất lượng chu kỳ 2) đánh giá, trong 5 năm qua, Trường đại học Luật, Đại học Huế đã có nhiều cải tiến trong mọi lĩnh vực hoạt động, như đầu tư xây dựng mới nhiều cơ sở vật chất hiện đại; đội ngũ tăng nhanh về số lượng lẫn chất lượng; có 2 chương trình đào tạo đã được kiểm định và được cấp chứng nhận đạt chuẩn chất lượng; người học tốt nghiệp đúng hạn và có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao…
PGS.TS. Bùi Duy Cam, Trưởng đoàn đánh giá, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long thông tin, bên cạnh điểm mạnh, có nhiều yếu tố mà Trường đại học Luật cần cải tiến để đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng. Cụ thể, ở lĩnh vực đào tạo, cần có sự phân tích, đánh giá kết quả tuyển sinh, nhập học và kết quả học tập. Cần hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý đào tạo sau đại học. Đối với nghiên cứu khoa học, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị, quản lý; tăng cường các đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh và các công bố quốc tế. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống đo lường và kết quả hoạt động kết nối, phục vụ cộng đồng đầy đủ, toàn diện, thực chất…
Điều chỉnh để nâng chất lượng
Cuối tháng 10 vừa qua, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ khảo sát đánh giá chất lượng chu kỳ 2 tại Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế. Theo đơn vị kiểm định, trường có 3 điểm mạnh về tầm nhìn, sứ mạng; chính sách, chủ trương về đào tạo và chính sách phát triển đội ngũ cần được phát huy hiệu quả hơn nữa trong bối cảnh cạnh tranh về giáo dục đại học như hiện nay. Trường còn có đội ngũ giảng viên cơ hữu trình độ cao, uy tín lớn, trên 65% là tiến sĩ, 19% giáo sư, phó giáo sư, là lợi thế lớn trong quá trình thu hút sinh viên.
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Trưởng đoàn đánh giá khuyến nghị với Trường đại học Sư phạm rằng, bên cạnh các điểm mạnh, thì công tác quản lý tài chính, cơ sở vật chất; công tác đánh giá ngoài, cải tiến chất lượng… của trường cần được cải thiện hơn nữa theo bộ tiêu chí chất lượng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.
Trở lại Trường đại học Kinh tế, sau khi hoàn thiện công tác đánh giá, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý, trường cần tăng cường các chương trình đào tạo bổ trợ kỹ năng, tích hợp các môn học mới mang tính sáng tạo; mở thêm các quỹ học bổng từ doanh nghiệp và cựu học sinh thành đạt; lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong các hoạt động ngoại khóa; tăng cường ứng dụng phần mềm quản lý công việc nhằm hỗ trợ công tác quản trị của trường; triển khai hệ thống quản lý học tập để nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy và học… Bên cạnh đó, đối sánh để nhận diện thứ hạng, năng lực quản trị, từ đó tham mưu ra quyết định. Trường cần gia tăng nguồn lực trong giai đoạn chuyển tiếp để thực hiện hóa tầm nhìn, khát vọng phát triển.
PGS.TS. Trương Tấn Quân cho biết, từ những khuyến nghị, trên cơ sở đề án tự chủ, nhà trường sẽ điều chỉnh, hệ thống lại để phát huy các bộ phận. Trường sẽ phát huy hơn nữa quá trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt thu hút nhân lực chất lượng cao; rà soát quy hoạch đáp ứng đội ngũ đào tạo các ngành nghề mới. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng môi trường thân thiện, xanh - sạch - đẹp. Hoàn thiện công tác kiểm soát chất lượng nội bộ để tăng chất lượng các công việc...
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh, chất lượng và đảm bảo chất lượng là yếu tố tiên quyết trong tiến trình xây dựng, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia. Việc kiểm định chất lượng vừa là quy định cần thực hiện, vừa là “hệ quy chiếu” để các cơ sở đại học nâng chất lượng đào tạo và giảng dạy. Những khuyến nghị, góp ý từ các đoàn đánh giá sẽ được các trường thành viên tiếp thu và điều chỉnh. Đại học Huế sẽ đốc thúc, tham gia giám sát quá trình thực hiện, với mục tiêu nâng tầm vị thế, uy tín, thương hiệu của Đại học Huế nói chung và các cơ sở nói riêng trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội.