Kích hoạt động lực mới cho doanh nghiệp: Tư duy đột phá từ Nghị quyết 68
Nhiều nội dung được nêu ra tại Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân mang tính đột phá, tạo động lực cho doanh nghiệp bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Đánh giá đúng vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nhân dịp này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương về các nội dung tại Nghị quyết cũng như những tác động của nó đến sự phát triển của kinh tế tư nhân nói riêng và nền kinh tế nói chung trong giai đoạn tới.
- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân với rất nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp phát triển. Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp được nêu tại Nghị quyết?
TS Nguyễn Đình Cung: Trước tiên có thể nói, Nghị quyết 68 đã đánh giá đúng vai trò, vị trí và sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân cho đến nay và cho cả sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh minh họa
Nghị quyết 68 cũng đã đưa ra một hệ thống khá đồng bộ, đầy đủ, quyết liệt các giải pháp, nhằm giải quyết vấn đề căn bản đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay, đó là doanh nghiệp không muốn lớn và doanh nghiệp không thể lớn được.
Trong số các giải pháp đưa ra tại Nghị quyết, tôi rất ấn tượng với giải pháp không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Phải nói đây là một trong những giải pháp lâu nay được coi là rất nhạy cảm. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 68 đã nêu khá đầy đủ và cụ thể về những giải pháp không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Đồng thời với đó là giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực thanh tra, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Bộ Chính trị đã đưa vào Nghị quyết quy định, mỗi năm chỉ được thanh tra một lần. Tôi cho rằng, đây là giải pháp ấn tượng, tạo động lực lớn cho khu vực doanh nghiệp. Vì lâu nay, doanh nghiệp kinh doanh đa ngành đều cảm thấy không an toàn khi gặp những rủi ro pháp lý. Từ đó, do dự trong việc mở rộng đầu tư kinh doanh, thậm chí là chấm dứt không mở rộng hoạt động kinh doanh.
- Không chỉ coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, Nghị quyết 68 cũng đặt ra nhiều mục tiêu cho khu vực kinh tế tư nhân đến năm 2030 và 2045. Điển hình là, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt 10-12%/năm, ông đánh giá như thế nào về những mục tiêu trên?
TS Nguyễn Đình Cung: Có thể nói, Nghị quyết 68 đã đề ra những giải pháp, mục tiêu rất cao trong một thời gian tương đối ngắn. Những mục tiêu đó sẽ tạo ra một áp lực cực kỳ lớn đối với Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng trong thực thi Nghị quyết.
Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi, hiện nay giữa mục tiêu, giải pháp và cách thức thực hiện thì cách thức thực hiện chưa đủ để tin rằng chúng ta sẽ tạo ra một sự thay đổi căn bản, có tính bước ngoặt trong thời gian ngắn.
Cách thức thực hiện hiện nay vẫn dựa vào Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch hành động. Tuy nhiên, phương pháp này gặp nhiều thách thức do còn phụ thuộc vào bộ máy hành chính nhà nước và khả năng thực thi của Nghị quyết. Cách làm này thường chậm, vì có thể chúng ta phải mất từ 3 đến 6 tháng để xây dựng kế hoạch, đến khi hoàn thành kế hoạch thì đã gần hết năm 2025.
Trong khi đó, về vấn đề rà soát, bãi bỏ điều kiện kinh doanh và tháo gỡ điểm nghẽn, tôi nhận thấy nhiều bộ, ngành vẫn còn những quan điểm cục bộ, thiếu khách quan, độc lập, toàn diện trong quá trình đánh giá. Điều này làm giảm tính nhất quán, cẩn trọng và triệt để của quá trình cải cách.
Tôi cho rằng, để đạt hiệu quả cao với các mục tiêu đề ra, cách thức thực hiện cần có sự chỉ đạo rõ ràng từ trên xuống, mang tính bắt buộc, mạnh mẽ. Nhìn lại, các đề án về tinh giản bộ máy, cải cách thể chế, tháo gỡ rào cản phát triển kinh tế tư nhân đều cần một 'cuộc cách mạng' thực sự. Bên cạnh đó, cần bỏ đi nhiều quy định không còn phù hợp, giảm thiểu số lượng văn bản pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ kiểm soát hậu kiểm sang kiểm soát phòng ngừa... Đây chính là bước ngoặt của hệ thống thể chế.
Về phía Chính phủ, tôi đề nghị thành lập một tổ công tác đặc biệt gồm các chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm, tâm huyết, tham gia trực tiếp với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ của tổ công tác là rà soát, đánh giá khách quan các quy định, điều kiện kinh doanh, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và phù hợp thực tiễn. Chỉ có như vậy mới làm rõ các số liệu, đưa ra các đề xuất chính xác, thúc đẩy phát triển tư nhân.
Nếu thực hiện đúng các nhiệm vụ này, tôi tin rằng, đến năm 2025 chúng ta mới có thể hoàn tất công cuộc rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, từ đó giảm chi phí tuân thủ, nâng cao hiệu quả phát triển doanh nghiệp.

Nghị quyết 68-NQ/TW đặt mục tiêu Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2030. Ảnh minh họa
Cần những giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp
- Một trong những mục tiêu được coi là thách thức tại Nghị quyết 68 đó là đạt 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2030. Theo ông, để đạt mục tiêu này, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể gì?
TS Nguyễn Đình Cung: Với số doanh nghiệp đang hoạt động tính đến thời điểm hiện tại, để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào 2030, mỗi năm cần tạo ra khoảng 200.000 doanh nghiệp mới. Tốc độ tăng trưởng này cần đạt trung bình 10-20% mỗi năm, tương tự các nền kinh tế phát triển.
Trong khi đó, hiện nay, tốc độ tăng doanh nghiệp của Việt Nam mới chỉ khoảng 3-4% hoặc thấp hơn, thậm chí có năm còn âm, cho thấy rõ sự chậm trễ hoặc thiếu động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Theo đó, để đạt được mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2030, chúng ta cần tổng hợp các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ, cùng với các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, muốn đạt được mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động như Nghị quyết 68, trước tiên phải cải thiện mạnh mẽ thủ tục gia nhập thị trường và thành lập doanh nghiệp. Chúng ta cần tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, an toàn và tin cậy để doanh nghiệp yên tâm hoạt động, đầu tư.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần rút ra kinh nghiệm từ những lần trước, cần giao trách nhiệm cho một bộ hoặc cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện mục tiêu là rất quan trọng. Người đứng đầu phải có trách nhiệm rõ ràng và thực sự quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, cần có một đội ngũ độc lập, chuyên trách theo dõi, đánh giá và kiến nghị các giải pháp, đề xuất kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền.
Trong quá trình thực hiện mục tiêu, cần có đánh giá định kỳ hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và hàng năm. Qua đó, chúng ta sẽ thấy được lý do vì sao số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng hay giảm, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để xử lý bất cập. Nếu có một cá nhân hoặc cơ quan đủ thẩm quyền, tâm huyết và có trách nhiệm, chắc chắn quá trình này sẽ hiệu quả và sinh động hơn.
Để đạt được mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2030 như tinh thần Nghị quyết 68, tôi cho rằng, cần có cách tư duy mới, hệ thống giải pháp đồng bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết 68, cùng với đó là thực thi quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra.
- Xin cảm ơn ông!
Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 60% GDP.