Kích cầu thị trường trong nước: 'Lá chắn' kinh tế trước sóng lớn toàn cầu

Trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới và sức ép từ chính sách thuế mới của Mỹ, thị trường trong nước đang được coi là 'lá chắn' quan trọng giúp kinh tế Việt Nam vững vàng vượt sóng. Các chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển hạ tầng thương mại và thúc đẩy chuyển đổi số là những giải pháp then chốt để tăng sức cạnh tranh và đảm bảo tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

Toàn cảnh Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" diễn ra sáng nay, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" diễn ra sáng nay, tại Hà Nội.

Sáng 25/4 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước".

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư - ông Phạm Đức Sơn cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều biến động lớn, tiêu điểm là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nguy cơ bảo hộ thương mại lan rộng.

Ngày 2/4, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ 86 quốc gia, trong đó hàng hóa Việt Nam nằm trong nhóm chịu mức thuế cao nhất, tới 46%.

“Dù chính sách thuế này sau đó đã được tạm hoãn 90 ngày, nhưng vẫn đặt ra thách thức lớn với kinh tế Việt Nam, buộc chúng ta phải củng cố thị trường trong nước, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Phạm Đức Sơn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu khai mạc tọa đàm.

Ông Phạm Đức Sơn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu khai mạc tọa đàm.

Trước tình hình đó, ông Sơn ghi nhận những phản ứng chính sách chủ động, kịp thời của Đảng và Nhà nước. Ông dẫn chứng ngày 10/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 77, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, cùng hàng loạt giải pháp như kích cầu tiêu dùng, khai thác tối đa thị trường nội địa, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Mới đây, ngày 21/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã họp với các bộ, ngành liên quan về việc nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia, dành cho các nhóm đối tượng như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người trẻ dưới 35 tuổi thuê, mua. Đây là quỹ nhà nước ngoài ngân sách, được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho thị trường bất động sản, đồng thời mở đầu ra cho nhiều ngành như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng.

Gần nhất, tại phiên họp sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến 31/12/2026.

Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết: "Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hôm nay nhằm tìm kiếm, gợi ý các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, nâng cao năng lực sản xuất và phân phối nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng".

Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8%, trong đó tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 60-65%. Để đạt được mục tiêu này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải tăng tới 12% - một con số đầy thách thức, khi thực tế 10 năm qua chưa năm nào vượt 9%.

 Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu.

Ông Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh biến động quốc tế và sức ép từ các chính sách thuế mới của Mỹ, cần giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, phát triển mạnh thị trường nội địa. Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp:

Thứ nhất, kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các chiến dịch truyền thông quốc gia, khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt, tổ chức các chương trình khuyến mãi lớn và thúc đẩy du lịch nội địa kết hợp tiêu dùng.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp với chính sách tín dụng ưu đãi, ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu, áp dụng công nghệ xanh; đồng thời kết nối cung-cầu giữa sản xuất và phân phối, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Thứ ba, đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường qua hệ thống cảnh báo sớm, chương trình bình ổn thị trường và tăng cường đầu tư logistics hiện đại.

Thứ tư, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào chợ truyền thống, phát triển bán lẻ hiện đại và tổ chức các triển lãm thương mại quốc gia.

Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững thông qua hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt, mô hình bán lẻ thông minh, và áp dụng tiêu chí ESG trong sản xuất, tiêu dùng.

Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa như gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng, đồng thời chỉ đạo triển khai đồng bộ các chương trình phát triển thị trường trong nước.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt dành cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh và sản xuất bền vững; Các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa quy trình chuỗi cung ứng và tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc tế; Doanh nghiệp và người tiêu dùng tích cực tham gia các chương trình kích cầu, ứng dụng công nghệ số và ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt Nam.

Ông Tuấn nhấn mạnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ đảm bảo tính khả thi của kế hoạch, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và củng cố vai trò của thị trường trong nước.

T. Hà - H. Nam

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kich-cau-thi-truong-trong-nuoc-la-chan-kinh-te-truoc-song-lon-toan-cau-post546579.html
Zalo