Khuyến nghị những phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe

Ngày 9/4, tại Hạ Long (Quảng Ninh), Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế trao đổi tại hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế trao đổi tại hội thảo.

Tham gia hội thảo có sự tham gia của đông đảo các đại biểu Quốc hội; những nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới, nhiều cơ quan trong và ngoài ngành y tế để cung cấp thông tin về cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn trong nước và quốc tế.

Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm cung cấp bằng chứng tới các đại biểu về lợi ích của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu bia, nước giải khát có đường) và khuyến nghị phương án áp thuế tối ưu vì sức khỏe cộng đồng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, các bệnh không lây nhiễm là một thách thức lớn, là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng trên phạm vi toàn thế giới trong thế kỷ XXI.

Hội nghị cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc năm 2011 đã kêu gọi tất cả các nước thành viên cần nỗ lực xây dựng và thực thi các chính sách dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong cho 41 triệu người mỗi năm, chiếm 74% tổng số ca tử vong trên toàn cầu và 77% số đó (khoảng 31,4 triệu) là ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm chiếm 81% tỷ lệ tử vong và hơn 73% gánh nặng bệnh hằng năm, trong số đó có khoảng 41% là tử vong sớm (trước 70 tuổi).

Việc gia tăng gánh nặng bệnh không lây nhiễm là một trong 3 nguyên nhân chính dẫn đến trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam có hơn 10 năm sống chung với bệnh tật trong tổng số 74,7 tuổi thọ trung bình. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.

Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam trao đổi những khuyến nghị về các phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam trao đổi những khuyến nghị về các phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Những hành vi nguy cơ chính làm gia tăng nhanh bệnh không lây nhiễm cùng số ca tử vong trên thế giới bao gồm: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý như: dung nạp nhiều đồ uống có đường, ăn thừa muối và thiếu hoạt động thể chất…

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn cầu, mỗi năm thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong (bao gồm cả do ảnh hưởng của việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động); dùng nhiều muối gây nên 1,8 triệu ca tử vong và hoạt động thể chất không đủ gây tử vong cho 830.000 người...

Lạm dụng đồ uống có đường được xem là hành vi có hại cho sức khỏe. Tiến sĩ Hạnh cho biết, có 12 nhóm hội chứng, bệnh liên quan nếu sử dụng thường xuyên loại sản phẩm này như: hội chứng chuyển hóa, thừa cân béo phì, đái tháo đường hay tim mạch, ung thư…

Còn với thuốc lá, hiện Việt Nam có hơn 15 triệu người trưởng thành hút thuốc. Việc sử dụng thuốc lá hiện đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm đáng kể và ngày càng tăng. Ước tính hơn 100 nghìn ca tử vong mỗi năm do hút thuốc lá chủ động và do tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá thụ động).

Theo báo cáo nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế năm 2022, chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hằng năm ở Việt Nam ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các hành vi nguy cơ này đều có thể điều chỉnh, thay đổi được nhằm giảm thiểu bệnh không lây nhiễm và tăng cường sức khỏe. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, thuế tiêu thụ đặc biệt là giải pháp can thiệp có hiệu quả cao và chi phí thấp trong kiểm soát các yếu tố hành vi nguy cơ.

Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia cảnh báo, nhiều chính sách kiểm soát, hạn chế các sản phẩm có hại cho sức khỏe đã được triển khai, tuy nhiên thực trạng tiêu dùng các sản phẩm này còn nhiều lo ngại.

Việt Nam vẫn đang là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng gấp 8 lần trong những năm từ 2002 đến 2021.

Năm 2021, mức tiêu thụ bình quân/người/năm trong cả nước là 55 lít, chiếm 30% lượng đường tối đa hằng ngày/người trưởng thành theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Xu hướng gia tăng sử dụng đồ uống có đường đáng báo động này đã góp phần làm tăng tỷ lệ thừa cân ở thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và các rối loạn sức khỏe gây ra bởi thừa cân và béo phì cao hơn nhiều đối với nhóm chủ nhân tương lai của đất nước.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, từ đó góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, biện pháp tăng thuế hiệu quả đóng góp 50% đến 60% trong tổng số tác động của tất cả các biện pháp giảm sử dụng thuốc lá.

Nếu đánh thuế các sản phẩm thuốc lá để tăng giá bán lẻ thuốc lá lên 10%, có thể làm giảm mức tiêu thụ từ 4% đến 5%. Đặc biệt, nhóm thanh thiếu niên nhạy cảm hơn với sự gia tăng giá thuốc lá, do đó, khi giá tăng 10%, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm này có thể giảm tới 10% hoặc hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Trần Thị Nhị Hà trao đổi tại hội thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Trần Thị Nhị Hà trao đổi tại hội thảo.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Quốc hội đồng ý cho ý kiến về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Hiện Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai xin ý kiến và hoàn thiện Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội theo đúng tiến độ.

Nhìn chung, ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội đã cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến mong muốn các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ thêm về những vấn đề có liên quan như: danh mục các mặt hàng thuộc mỗi loại sản phẩm có hại cho sức khỏe sẽ thuộc đối tượng áp thuế hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; mức thuế suất và lộ trình thực hiện; tác động của các phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt các sản phẩm này đối với kinh tế, xã hội và đặc biệt là với sức khỏe.

QUANG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khuyen-nghi-nhung-phuong-an-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-cac-san-pham-co-hai-cho-suc-khoe-post871102.html
Zalo