Khuyến nghị của chuyên gia chống độc: Cần phải quản lý chặt chẽ cồn Methanol
Mặc dù ngành y tế và các phương tiện thông tin đại chúng đều đã liên tục cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu giả pha từ cồn công nghiệp Methanol, nhưng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ vẫn có những trường hợp phải nhập viện với nồng độ cồn Methanol trong máu cao...
Không ít trường hợp tử vong do ngộ độc rượu giả có chứa cồn Methanol
Đặc biệt có 2 người nước ngoài đã tử vong tại TP Hội An (Quảng Nam) sau khi sử dụng rượu giả do một nhân viên pha chế đã dùng cồn y tế giả có chứa cồn công nghiệp Methanol để pha thành 2 chai rượu giả; hoặc tại Hà Nội, đêm 13/1, bệnh nhân Nguyễn Văn Cảnh 40 tuổi phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai với nồng độ cồn Methanol là 153 mg/dL, cao gấp gần chục lần mức đủ gây ngộ độc.

Sau một ngày được các thầy thuốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai lọc máu liên tục, nồng độ cồn Methanol trong máu hạ xuống mức 30mg/dL. Bệnh nhân dần dần tỉnh lại.
Đây là trường hợp hiếm hoi trong số những người ngộ độc rượu giả có chứa cồn Methanol mức độ nặng may mắn sống sót do được đưa đến bệnh viện kịp thời.
Những năm gần đây, các y, bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chứng kiến hàng chục trường hợp tử vong do ngộ độc rượu giả có chứa cồn Methanol, dù đã được tích cực cấp cứu, lọc máu.
Ám ảnh trước những cái chết do ngộ độc Methanol, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc và các nhân viên phòng xét nghiệm tại trung tâm này đã lưu giữ hàng trăm lọ dung dịch chứa cồn Methanol để mỗi khi có cơ hội lại báo cáo Bộ Y tế và Bộ Công an về tình trạng rượu giả chứa cồn Methanol đã và đang là thủ phạm gây ra những cái chết bất thình lình cho nhiều người.
"Đây là những chai cồn mà người nhà của bệnh nhân cung cấp cho chúng tôi khi đưa bệnh nhân đến nhập viện cấp cứu. Qua xét nghiệm của chúng tôi thì nồng độ cồn Methanol thường chiếm tới 60%, hầu hết những bệnh nhân này đều tử vong. Đây chỉ là số ít, còn đa phần là người bệnh không lưu giữ chai cồn"- TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay.
ThS Đinh Xuân Lương, kỹ thuật viên phòng xét nghiệm, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin "với những mẫu dung dịch cồn này, chỉ trong vòng 1 tiếng là chúng tôi xét nghiệm ra cồn công nghiệp Methanol, thường nồng độ cồn Methanol rất cao".

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho hay: Những năm gần đây, các y, bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chứng kiến hàng chục trường hợp tử vong do ngộ độc rượu giả có chứa cồn Methanol, dù đã được tích cực cấp cứu, lọc máu.
Cần quy định bắt buộc phải cho chất tạo màu vào cồn Methanol để phân biệt!
Theo các chuyên gia y tế, cồn Methanol là hóa chất lỏng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như sơn, xăng, dầu diezen… và được biết đến như một chất rất độc ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, cồn Methanol vào cơ thể, hấp thụ rất nhanh, chuyển hóa thành formaldehyde, sau đó lại chuyển hóa thành axit formic, gây ứ đọng lên não, làm cơ thể co giật hôn mê, thậm chí tử vong. Có những trường hợp còn tích lũy lên võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, gây mù lòa.
"Trên thực tế có những trường hợp đã bị tổn thương thần kinh mắt và não nhưng chưa biểu hiện triệu chứng nên không đi thăm khắm. Đến khi xuất hiện dấu hiệu tổn thương não, tổn thương mắt mới nhập viện thì đã muộn.
Mắt lúc này có thể đã bị mù hoàn toàn, tổn thương não lớn có thể dẫn đến tử vong. Trong trường hợp bệnh nhân qua khỏi, cũng sẽ để lại những di chứng về thần kinh mắt và não"- TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nói.
Những trường hợp ngộ độc cồn Methanol qua đường uống là người vô tình uống phải loại thức uống độc hại này hoặc những đối tượng nghiện rượu cố tình sử dụng rượu giả pha từ cồn Methanol để tăng độ "phê".

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên và các nhân viên phòng xét nghiệm tại trung tâm này đã lưu giữ hàng trăm lọ dung dịch chứa cồn Methanol.
Đáng tiếc là những người vô tình uống phải rượu giả chứa Methanol lại nhiều hơn số người cố tình. Cùng là màu trắng, hương vị của rượu thật và rượu giả có cồn Methanol đều giống nhau. Bằng mắt thường và vị giác, không thể phân biệt được đâu là rượu thật, đâu là rượu giả có chứa cồn Methanol.
Trong rượu thật, thành phần chính là cồn Ethanol. Loại cồn này còn được sử dụng trong dung dịch cồn y tế dùng để sát trùng. Hiểu biết về điều này, không ít người đã pha dung dịch cồn y tế vào nước thành rượu để uống hoặc để bán.
Thế nhưng, hiện nay, cồn y tế cũng bị làm giả, bằng cách pha từ cồn công nghiệp Methanol, rồi lập lờ đánh lận con đen bằng tên gọi "Cồn sát trùng" khiến nhiều người lầm tưởng đây là cồn y tế chứa Ethanol.
Cũng từ đây, những người muốn nhanh chóng có rượu để bán, thu lãi cao đã pha chế, làm ra những chai rượu giả chứa cồn công nghiệp Methanol, gây thiệt hại tính mạng và sức khỏe cho những người uống phải thứ dung dịch độc hại này.
Từ thực tế nhiều nước trên thế giới đã có quy định pha chất tạo màu vào cồn công nghiệp Methanol để dễ phân biệt, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên kiến nghị: cần phải quản lý chặt chẽ cồn Methanol.
Có những nước trên thế giới quy định bắt buộc phải cho chất tạo màu vào cồn Methanol để phân biệt, chẳng hạn cho chất xanh methylen vào để có màu xanh, chứ hiện nay, dung dịch công Methanol màu trắng dễ nhầm lẫn với rượu trắng. Bên cạnh đó cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc sản xuất cồn y tế để không bị làm giả.
"Những chai cồn y tế giả gây ra những vụ ngộ độc Methanol mà Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai lưu giữ để cảnh báo với cộng đồng vẫn ngày một nhiều lên. Thế nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu giúp người dân phân biệt được dung dịch có chứa cồn Methanol, cũng như chưa xử lý nghiêm, ngăn chặn hiệu quả việc sản xuất cồn y tế giả.
Về phía người dân, để tránh uống phải dung dịch chứa cồn công nghiệp Methanol, chỉ nên sử dụng các loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không lạm dụng rượu bia để đảm bảo sức khỏe của mình"- TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.
Mời bạn đọc xem video TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nói về tình trạng ngộ độc rượu giả pha từ cồn công nghiệp Methanol.