Khuyến khích tư duy dám thay đổi, dám đề xuất để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Nhận diện những rào cản, điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ, từ đó đề xuất các giải pháp để phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng hiện có và khơi thông, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới là những vấn đề được đề cập trong Tọa đàm khoa học với chủ đề 'Tuổi trẻ Chính phủ hành động hướng đến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên', do Đoàn Thanh niên Chính phủ tổ chức chiều 23/4.

Dự tọa đàm có Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ Lại Xuân Lâm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, chuyên gia kinh tế và đông đảo đoàn viên thanh niên.

Bí thư Đoàn Thanh niên Chính phủ Bùi Hoàng Tùng phát biểu đề dẫn.

Bí thư Đoàn Thanh niên Chính phủ Bùi Hoàng Tùng phát biểu đề dẫn.

Phát biểu đề dẫn, Bí thư Đoàn Thanh niên Chính phủ Bùi Hoàng Tùng cho biết, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên do Chính phủ đặt ra không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, khát vọng vươn lên của dân tộc, mà còn là một yêu cầu cấp thiết để phục hồi và tăng tốc phát triển sau giai đoạn khó khăn, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đây là một định hướng đầy nỗ lực và quyết tâm, đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng thanh niên.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã đánh giá bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, các thách thức mang tính dài hạn và những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhiều khó khăn, thách thức nội tại đã được nhận diện như dư địa từ các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần thu hẹp, điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực còn hiện hữu, mô hình tăng trưởng chưa thay đổi rõ rệt.

Quang cảnh Tọa đàm.

Quang cảnh Tọa đàm.

Tham luận từ Đoàn Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cho thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, Việt Nam phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức ở cả cấp độ vi mô và vĩ mô, cả vấn đề chính sách và thực thi. Mô hình tăng trưởng chưa có sự thay đổi rõ rệt, cơ bản dựa trên chiều rộng, chưa khai thác hiệu quả các yếu tố tăng trưởng chiều sâu. Cơ hội thoát bẫy thu nhập trung bình có thể bị bỏ lỡ.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, dựa vào năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; phát triển bền vững. Cùng với đó là thực hiện nguyên tắc kinh tế thị trường, kết hợp với quản lý nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy hiệu quả vận hành tối ưu của nền kinh tế; thu hút nguồn lực đầu tư đủ lớn và có hiệu quả, thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và liên tục.

Theo anh Lê Thạch Anh, Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), ưu tiên hàng đầu là phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, không tăng trưởng bằng mọi giá, không thả lỏng lạm phát, chính sách tiền tệ cần được điều hành một cách chủ động và linh hoạt.

Trong bối cảnh hiện nay, dư địa cho tăng trưởng không thể trông chờ nhiều vào xuất khẩu, cần tập trung cho ba động lực là đầu tư công (tăng tốc giải ngân và nâng cao hiệu quả lan tỏa của các dự án đầu tư công), đầu tư tư nhân (phát triển khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế phi chính thức), thúc đẩy tiêu dùng nội địa, du lịch (tung ra một gói kích cầu mới, phát triển thương mại điện tử). Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường…

Vậy tuổi trẻ Chính phủ cần hành động như thế nào? Câu trả lời được các đại biểu đưa ra là thanh niên phải là lực lượng nòng cốt đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động tiếp cận công nghệ tiên tiến, kết nối các chuyên gia, trí thức trẻ. Mỗi đoàn viên, cán bộ trẻ cần sáng tạo trong công việc chuyên môn, chủ động đề xuất sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực, nâng cao năng suất lao động. Chú trọng đào tạo nhân lực và đổi mới tư duy thực thi, tăng cường phối hợp, phát huy vai trò của thanh niên trong hệ thống chính trị, thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trao đổi tại Tọa đàm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trao đổi tại Tọa đàm.

Tán thành với các quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gợi ý hai vấn đề cần tháo gỡ để tạo động lực cho tăng trưởng, đó là vốn đầu tư (cần giải tỏa những ách tắc trong thị trường bất động sản) và kết nối doanh nghiệp khối nội và ngoại (FDI).

Dẫn chứng từ câu chuyện tháng 3/2021, khi dịch COVID-19 lan rộng, nếu Ngân hàng Nhà nước không dũng cảm ban hành Thông tư 16/2020 về áp dụng phương thức định danh trực tuyến (e-KYC), cho phép người dân ngồi nhà mở tài khoản thì không biết lúc đó người dân bị nhốt trong nhà có thể mua bán, trả tiền như thế nào, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chia sẻ “làm ở thời điểm đấy, tôi và các bạn đoàn viên rất có thể bị kỷ luật nếu gây ra hệ lụy. Việt Nam gần như là quốc gia đầu tiên làm chuyện đó”. Từ câu chuyện này, ông liên hệ với bối cảnh hiện nay, cho rằng thanh niên cần có ứng phó như vậy, dám làm, dám chịu.

Cho biết Ngân hàng Nhà nước đang thay đổi tư duy làm việc theo “khẩu vị rủi ro”, ông lưu ý các thanh niên Đoàn Chính phủ - những người trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách phải dám nghĩ, dám thay đổi, dám đề xuất, đi vào phương pháp tiếp cận mới, nếu không có giải pháp đặc biệt thì không có kết quả đặc biệt. Bên cạnh đó, tạo cảm hứng, truyền động lực mới cho lớp trẻ làm việc.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/khuyen-khich-tu-duy-dam-thay-doi-dam-de-xuat-de-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-20250423203936246.htm
Zalo