Khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như giá trị trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã vận động, khuyến khích hội viên mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất với những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản phẩm cá kho niêu đạt tiêu chuẩn OCOP của nông dân xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).
Hàng năm, các cấp HND trong tỉnh phối hợp tổ chức tuyên truyền về quy trình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên; phối hợp với các doanh nghiệp lắp đặt hàng nghìn bể biogas bằng công nghệ composite cho các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại. Trong 5 năm qua, các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 2.300 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 285 nghìn lượt hội viên, nông dân. Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thực hiện tốt liên kết “6 nhà” giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP, đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tới tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nam Định, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. HND tỉnh còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho trên 200 đại biểu là cán bộ Hội các cấp, tổ trưởng tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; tổ chức hội thảo giới thiệu tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; tổ chức các đoàn cho cán bộ, hội viên đi tham quan, học tập tại các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Phát triển nghề cá Vịnh Bắc Bộ triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản vùng ven biển tỉnh Nam Định”.
Nhằm hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, các cấp Hội cũng đã phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác truy xuất nguồn gốc để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. 5 năm qua, HND tỉnh tổ chức 51 hội nghị tuyên truyền về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng chuỗi giá trị nông sản hàng hóa cho hàng trăm hội viên nông dân là các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, thành viên chi, tổ hội nghề nghiệp. Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương HND Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất theo chuỗi cho trên 500 cán bộ, hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, HND các cấp trực tiếp triển khai xây dựng được 11 mô hình liên kết và vận động hội viên nông dân tham gia góp phần hình thành 39 mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn” cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, HND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, HTX liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, HTX ứng dụng công nghệ cao. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 19 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; 63 HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã đem lại lợi nhuận lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn sản xuất thông thường. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, một số sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã có 529 sản phẩm OCOP. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chế phẩm sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đồng thời xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như mô hình sản xuất rau màu theo công nghệ Nhật Bản của các thành viên HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên). HTX áp dụng biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn nông sản an toàn từ nguồn phân hữu cơ công nghệ Nhật Bản sản xuất tại chỗ vào canh tác; xây dựng tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mô hình nuôi trồng thủy sản của các thành viên HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) áp dụng công nghệ nuôi trồng sản phẩm theo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn. Mô hình chăn nuôi lợn, trồng trọt theo quy trình VietGAP của gia đình ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) gắn với đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm từ thịt như giò, chả, xúc xích, ruốc mỡ. Mô hình sản xuất ngao sạch được chứng nhận đạt ASC của ông Vũ Văn Chức, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng). Mô hình chăn nuôi thỏ của ông Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng (Vụ Bản). Mô hình nuôi cá trắm đen của hộ ông Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà (thành phố Nam Định)... Một số hội viên nông dân không chỉ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao mà còn tích cực tham gia hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật các sản phẩm, giải pháp mà bản thân sáng chế cho nông dân trong và ngoài tỉnh áp dụng. Điển hình như anh Lương Văn Trường, xóm 8, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) là một trong 56 cá nhân tiêu biểu trong cả nước năm 2024 được vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 5 vì đã có nghiên cứu, sáng kiến cải tiến quy trình kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, mang lại lợi ích cho nông dân; đồng thời đoạt giải Nhì lĩnh vực Trồng trọt - Sinh học - Môi trường trong Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” lần thứ X với giải pháp “Kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa nảy mầm sẵn”… Công nghệ hạt giống nảy mầm trong 30 phút của anh không chỉ được sử dụng rộng rãi tại Nam Định và một số địa phương khác trong cả nước mà đã được chuyển giao và áp dụng trồng thử nghiệm tại tỉnh Guma, Nhật Bản.
Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục khuyến khích hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị theo hướng VietGAP, hữu cơ, tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.