Khủng hoảng nhân đạo toàn cầu: Liên hợp quốc vật lộn trong làn sóng cắt giảm tài trợ
Trong bối cảnh thế giới đang liên tiếp xảy ra những biến động lớn thì nguồn lực cho những hoạt động cứu trợ toàn cầu lại giảm đột ngột khiến cho các tổ chức cứu trợ quốc tế lâm vào tình thế khó khăn, đẩy những cuộc khủng hoảng nhân đạo tiến gần hơn tới ngưỡng thảm họa.
Bức tranh ảm đạm từ châu Phi
Trong bối cảnh xung đột, biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo cần sự giúp đỡ thì bất ngờ hôm 22/4/2025 vừa qua, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra thông báo buộc phải đình chỉ cứu trợ cho 650.000 phụ nữ và trẻ em suy dinh dưỡng tại Ethiopia từ tháng 5/2025 do thiếu ngân quỹ.

Hình ảnh những đoàn xe lương thực đầy ắp của WFP đang trở nên thưa dần.
Số phụ nữ và trẻ em nói trên nằm trong số 3,6 triệu người ở Ethiopia sẽ không còn được tiếp cận với cứu trợ lương thực trong những tuần tới nếu không có ngân quỹ mới khẩn cấp. Trước đó, WFP đã từng lên kế hoạch hỗ trợ dinh dưỡng cần thiết cho 2 triệu bà mẹ và trẻ em trong năm 2025. Theo WFP, hơn 10 triệu người đang đối mặt với nạn đói ở quốc gia Đông Phi với dân số khoảng 130 triệu người này. Hoạt động của WFP tại Ethiopia được tiến hành từ nhiều năm nay khi đất nước này vẫn đang trong quá trình khôi phục kể từ cuộc xung đột tàn khốc giữa các lực lượng liên bang và phiến quân ở khu vực Tigray ở miền bắc đất nước trong thời gian từ tháng 11/2020 đến tháng 11/2022.
Việc WFP phải dừng hỗ trợ trực tiếp cho hàng triệu người dân Ethiopia là một điều vô cùng đáng tiếc, tuy nhiên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trước đó không lâu, hôm 4/3, WFP cũng từng tuyên bố họ bị “thiếu hụt tài chính nghiêm trọng” lên tới 412 triệu USD nhằm đáp ứng các nhu cầu nhân đạo cấp bách tại Nam Sudan trong năm 2025. Việc ngừng hoạt động tại Ethiopia mới đây chỉ là bước tiếp theo sau khi tổ chức này cũng đã phải ngừng hoạt động ở Bắc Darfur từ hôm 26/2/2025 vì cả lý do thiếu nguồn lực cũng như xung đột kéo thang. Thông báo từ LHQ cho thấy hiện 52,7 triệu người tại Tây Phi (tương đương 20% dân số khu vực) có nguy cơ mất tiếp cận lương thực nếu không có hành động khẩn cấp.

WFP đang giữ vai trò chủ yếu trong cứu trợ nhân đạo tại Ethiopia.
Cuộc khủng hoảng tài trợ
Các tổ chức cứu trợ của LHQ hoặc các tổ chức quốc tế khác đều hoạt động dựa trên những nguồn đóng góp từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng những biến động địa chính trị từ đầu năm 2025 tới nay đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự ủng hộ của các quốc gia dành cho những hoạt động mang tính toàn cầu này. Hiện tượng cắt giảm viện trợ từ các quốc gia lớn đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.
Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đóng băng toàn bộ viện trợ nước ngoài trong 3 tháng. Quyết định này đã ảnh hưởng trực tiếp đến WFP (tổ chức nhận 30% ngân sách từ Mỹ). Ethiopia, quốc gia nhận 1,8 tỷ USD viện trợ từ Mỹ năm 2023 cũng bị cắt hầu hết nguồn tiền trong 2 tháng qua. Chính vì vậy, quyết định đóng băng tài trợ của chính phủ Mỹ có thể coi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quyết định hôm 22/4 của WFP. Tuy nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đang gây khó khăn cho các tổ chức nhân đạo này. Châu Âu và một số quốc gia khác cũng cắt giảm viện trợ do áp lực kinh tế nội địa, khiến WFP thiếu hụt 222 triệu USD cho Ethiopia và 620 triệu USD cho khu vực Sahel và Nigeria. Những khoản thiếu hụt này nếu tính trên quy mô toàn cầu thì còn lớn hơn nữa nhưng chưa được thống kê đầy đủ. Cuộc khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu đang làm rỗng túi của các nhà tài trợ chuyển gánh nặng lên cho những tổ chức cứu trợ hiện nay.
Không chỉ thiếu tiền, các tổ chức nhân đạo còn đang gặp sức ép lớn do gánh nặng từ các cuộc khủng hoảng chồng chéo. Những cuộc xung đột vũ trang liên tiếp nổ ra ở khắp nơi. Sau Tigray, Amhara và Oromia đang trở thành những khu vực xung đột mới của Ethiopia. Những diễn biến mới ở Nam Sudan, Gaza, Afghanistan,... càng làm tình hình trở nên phức tạp. Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng tiếp tay cho những thảm họa mới. Hạn hán kéo dài ở Somali khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vượt ngưỡng khẩn cấp 15% . Lũ lụt năm 2024 ảnh hưởng 6 triệu người tại Tây Phi. Năm 2024 được coi là năm nóng nhất trong lịch sử với những hiện tượng thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng trên toàn cầu. Riêng ngành nông nghiệp thế giới ước chừng thiệt hại khoảng 75 tỷ USD và làm phát sinh thêm hàng chục triệu người thiếu đói trên khắp thế giới cần đến sự hỗ trợ.
Động đất mới đây ở Myanmar cũng buộc những nguồn tài trợ phải chia nhỏ ra nữa. Cứ khi có một cuộc khủng hoảng mới phát sinh, các tổ chức nhân đạo lại được kêu gọi giúp đỡ và họ không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng khi có quá nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc phát sinh thì vấn đề sẽ là nguồn lực liệu có đủ đáp ứng không. Một chuỗi những khủng hoảng liên tiếp, trải rộng trên nhiều khu vực địa lý khác nhau, với những nguyên nhân khác nhau chỉ làm cho sức ép với túi tiền đang rỗng của các tổ chức nhân đạo thêm căng thẳng.

Hàng triệu trẻ em châu Phi đang đứng trước nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng.
Chuỗi ngày khó khăn của các tổ chức cứu trợ
Sự kiện chính phủ Mỹ cắt giảm hoạt động của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) có thể coi là một điểm mốc với các tổ chức cứu trợ. 90% các hợp đồng tài trợ đã bị ảnh hưởng tương đương với 54 tỷ USD bị cắt giảm trong năm nay. Millennium Challenge Corporation (MCC), một tổ chức phi chính phủ lớn khác cũng mới tuyên bố đóng cửa hoạt động tại châu Phi sau 21 năm hoạt động do cần cắt giảm nhân sự. Điều này có nghĩa là MCC sẽ buộc phải rút khỏi các dự án như đường sắt Zambia và lưới điện Senegal. Trước khi đóng cửa, MCC từng quản lý như những dự án đầu tư có giá trị tới 17 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng châu Phi.
Điều này dẫn đến việc các tổ chức cứu trợ lớn liên tiếp phải cắt giảm hoạt động. WFP đang đối mặt với mức ngân sách giảm chưa từng có, lên tới 40% trong năm nay. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cũng đã ra thông báo sẽ cắt giảm 30% chi phí hoạt động. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) mới sa thải 20% nhân viên tại trụ sở chính và thu hẹp hoạt động của các văn phòng toàn cầu cũng do gánh nặng ngân sách. Tất cả những điều này sẽ để lại những hậu quả lớn. 33,1 triệu người Nigeria đang phải đối mặt với thiếu lương thực nghiêm trọng vào mùa khô 2025, trong đó 4,8 triệu người tại Borno, Adamawa và Yobe ở mức khẩn cấp. Tại Burkina Faso, Mali và Niger, 2 triệu người có thể mất viện trợ từ tháng 4/2025, với 3,4 triệu người ở mức IPC-4 (khẩn cấp) và 2.600 người IPC-5 (thảm họa) biến khu vực Sahel trở thành điểm nóng mới của vấn đề nhân đạo.
Tìm kiếm hy vọng
Trong tình thế hiện nay, việc kêu gọi thêm tài trợ là yêu cầu khẩn cấp. WFP đã đưa ra thông báo cần ít nhất 222 triệu USD cho Ethiopia và 620 triệu USD cho khu vực Tây Phi để duy trì hoạt động đến tháng 9/2025. Tiến sĩ Zlatan Milisic, Giám đốc WFP tại Ethiopia, nhấn mạnh: "Hàng triệu người Ethiopia chỉ cần một cú sốc nhỏ để rơi vào thảm họa. Chúng tôi cần phản ứng nhanh và hào phóng từ các nhà tài trợ". Nhưng khi các nguồn tài trợ cũ đang bị cắt giảm thì đa dạng hóa nguồn tài trợ là cơ hội duy nhất. WFP đang thử nghiệm hợp tác với các tập đoàn, các tổ chức tư nhân để huy động thêm nguồn lực. Đồng thời, các tổ chức LHQ cũng kêu gọi những cường quốc mới nổi gia tăng hỗ trợ. Trung Quốc, với kim ngạch thương mại 167,8 tỷ USD tại châu Phi trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn hơn trong thời gian tới.

Biểu đồ an ninh lương thực của châu Phi.
Cùng với đó, tối ưu hóa phân phối là cách để ứng phó với tình trạng khó khăn hiện tại. “Giảm khẩu phần, mở rộng đối tượng” đang là khẩu hiệu mới của WFP. Họ đã buộc phải cắt giảm khẩu phần từ 60% (cho người tị nạn) đến 80% (cho dân di cư) để hỗ trợ nhiều người hơn. Việc ứng dụng công nghệ như AI để dự báo nhu cầu lương thực và blockchain để theo dõi phân phối, tránh thất thoát cũng đang được tăng cường. Nhưng đây cũng chỉ là những nỗ lực ứng phó tạm thời vì bất ổn chính trị còn kéo dài thì gánh nặng sẽ không bao giờ kết thúc.
Khủng hoảng nhân đạo tại châu Phi không chỉ là thách thức của WFP hay LHQ, mà là bài toán chung của toàn cầu. Nếu không có hành động tức thì, hàng triệu người sẽ chết đói, xung đột leo thang và làn sóng di cư ồ ạt sẽ đe dọa an ninh toàn cầu. Như lời cảnh báo của ông Zlatan Milisic: "Chúng ta đang ở bờ vực và chỉ có sự đoàn kết quốc tế mới kéo nhân loại khỏi thảm kịch này".