Khúc tự tình lính biển
'Trường Sa có hai mùa, mùa khô và mùa mưa, nhưng với anh, chỉ có một mùa duy nhất, đó là mùa nhớ. Anh nhớ em…'. Bức thư viết từ ngày 18/1/2010, đến nay, Thiếu tá Đặng Thị Thu Hương (Nhà máy X46, Quân chủng Hải quân) vẫn nâng niu, lật giở từng trang ký ức của chồng - Thiếu tá Đào Quốc Doanh (Máy trưởng Tàu 634, Hải đội 137, Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải quân).
Tình biển, duyên bờ
Gặp thiếu tá Doanh trên hải trình mang Tết tới đảo tiền tiêu Tết Ất Tỵ vừa rồi, tôi ấn tượng trước giọng nói hồ hởi, thân tình và câu chuyện tình đặc biệt của người lính đảo.

Ở anh toát lên sự lạc quan, tâm hồn thi sĩ luôn rung cảm trước vẻ đẹp của biển. Tôi thấy được điều đó khi trò chuyện với anh trên boong tàu 634 và lời giới thiệu của đồng đội - “anh Doanh yêu thơ, yêu đời lắm”. Trong hàng chục bức thư anh viết gửi chị Hương đều mở đầu bằng thơ.
Anh Doanh kể, tình biển - duyên bờ đến với anh trong một lần đưa tàu sửa chữa tại Nhà máy X46, Quân chủng Hải quân (8/2008). “Hôm ấy, mình thấy cô gái thấp thoáng đi trên cầu cảng, cứ vô tình đi qua sự chờ mong… để rồi lưu vào danh bạ cho tới bây giờ”, anh Doanh kể.
Tới 4 tháng sau, anh và chị Hương có dịp gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên. Thời điểm đó, chị Hương cũng có chút lo, ái ngại phải yêu xa.



Trong hơn 1 năm công tác tại đảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa), anh Doanh tranh thủ vừa liên lạc bằng điện thoại khi có sóng, viết thư gửi về cho chị. Ngày đó, tàu ra ít, anh nghe ngóng xem tàu xuất phát ở đâu, để biết lịch trình rồi chủ động viết thư gửi về “người thương”.
Mặt đỏ, ngượng ngùng khi đọc lại những dòng thơ, chị Hương bảo: “Anh lãng mạn, bay bổng, mình vô tư, hồn nhiên. Có lẽ vì thế mình mới yêu được anh, thương anh, người lính đảo, người thủy thủ ngoài tiền tiêu”.
Thời gian sau, anh Doanh ngỏ ý cưới. “Mình bất ngờ, khi ngỏ lời, cô ấy bảo luôn - được thế thì còn gì bằng”, anh Doanh hạnh phúc chia sẻ.
Gửi về tình thương dạt dào
Lung linh giọt nắng xa khơi/ Rì rào sóng vỗ những lời yêu thương/ Trường Sa, máu thịt quê hương/ Gửi về nơi ấy tình thương dạt dào… (Đảo Núi Le, Trường Sa, Khánh Hòa - 30/6/2019). Đó là những câu thơ chan chứa tình yêu của Thiếu tá Doanh trong lá thư tay gửi về cho vợ. Đó cũng là sự động viên tinh thần to lớn với chị Hương trong những thời điểm chồng vắng nhà, một đôi vai gánh hai trách nhiệm làm vợ, làm trụ cột gia đình.

Thiếu tá Doanh cùng những bức thư tay gói trọn tâm tình
“Hồi mới cưới năm 2011, mình bất ngờ gọi cho vợ thông báo đi làm nhiệm vụ ở Đà Nẵng dài ngày. Vợ bảo: “Sao anh nói đi là đi ngay và đi luôn vậy! Dần dần, vợ cũng quen với sự đột xuất đó”, anh Doanh chia sẻ.
Những ngày lễ lớn, ở xa, anh nhờ em gái tặng hoa cho chị. Em gái rất ngại, nhưng thương anh, nên thay anh sang tặng hoa cho chị dâu.
Hơn 20 năm làm lính đảo, anh Doanh luôn coi “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”. Hai lần vợ bầu và sinh con, anh đều không thể về động viên. Anh tâm sự, có lúc vợ cũng ước một lần được anh đưa đi sinh. Với người bình thường, đó là một điều đơn giản, nhưng với đời lính, đó lại điều ước khó thực hiện.
“Ngày vợ sinh, mình nhờ nhiều nguồn tin mới biết. Hơn tháng sau, có dịp về đất liền, mình chưa dám gọi vợ ngay. Mà phải gọi em gái trước, được báo tin mẹ tròn con vuông, anh mới yên tâm gọi cho vợ”, anh Doanh nhớ lại.
Đối với anh, chuyến công tác nào cũng có rất nhiều cảm xúc, lúc vợ ốm, con đau, anh cũng chạnh lòng. Nhưng mỗi lúc như vậy lại nhìn vào mắt nhau, và hiểu rằng “khi Tổ quốc cần, mình biết sống xa nhau”.
Giữ lửa
Anh Doanh thầm cảm ơn và ngưỡng mộ vợ. Chị một tay nuôi hai con khôn lớn, là học sinh xuất sắc, được Lữ đoàn 169 gửi thư khen… “Đó là món quà to lớn, động viên mình an tâm công tác”, anh Doanh bày tỏ.
“Yêu một người lính là chấp nhận vất vả, thiệt thòi. Tình yêu không phải lúc nào cũng được thể hiện bằng cái ôm, mà bằng những dòng thư viết vội, bằng một cuộc gọi ngắn, bằng sự tin tưởng tuyệt đối và sự lặng thầm nhớ mong…”, anh Doanh tâm sự.
Mỗi lần về phép, anh Doanh tận dụng thời gian bên con để tâm sự, kể cho các con những câu chuyện về lịch sử, về công cuộc đấu tranh, gìn giữ hòa bình, bảo vệ biển đảo. Anh bảo, khi Tổ quốc cần, những người lính phải lên đường, những người ở lại cũng kiên cường không kém. Và anh muốn dạy các con về một tinh thần sống cống hiến, như trong thơ Tố Hữu: “Nếu là con chim, chiếc lá/Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/Lẽ nào vay mà không có trả/Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”…
“Có những người hùng không mang quân phục, không đứng nơi tiền tuyến, nhưng chính họ, những người vợ lính, là điểm tựa cho những người lính như anh vững bước. Em - người phụ nữ bình dị mà cao quý. Nếu có thể nói một lời từ đáy lòng: “Cảm ơn em - người đã lặng thầm giữ lửa trong căn nhà nhỏ, để anh luôn sẵn sàng khi Tổ quốc cần” .
Thiếu tá Đào Quốc Doanh (Máy trưởng Tàu 634, Hải đội 137, Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải quân)
“Trường Sa có hai mùa, mùa khô và mùa mưa, nhưng với anh, chỉ có một mùa duy nhất, đó là mùa nhớ. Anh nhớ em…”. Bức thư viết từ ngày 18/1/2010, đến nay, Thiếu tá Đặng Thị Thu Hương (Nhà máy X46, Quân chủng Hải quân) vẫn nâng niu, lật giở từng trang ký ức của chồng - Thiếu tá Đào Quốc Doanh (Máy trưởng Tàu 634, Hải đội 137, Lữ đoàn 169, Vùng 1 Hải quân).