Chọn yêu thương, thay vì im lặng

Nghe câu quen thuộc vang lên từ điện thoại trực: 'Khoa cấp cứu mời hội chẩn cho một trường hợp ngộ độc do tự ý...', chúng tôi lập tức có mặt tại phòng cấp cứu, phối hợp xử trí cho người bệnh.

“Ngộ độc thuốc do tự ý” là cách chúng tôi dùng để nói giảm, nói tránh cho từ “tự tử” - một từ ngữ đầy ám ảnh đối với người thân người bệnh và cả đội ngũ y tế.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Đây là lần thứ 3 rồi, bác sĩ ạ”, người mẹ đứng nép bên tường thều thào, đôi mắt thâm quầng và hằn đỏ vì nhiều đêm mất ngủ. Người cha không nói gì, chỉ lặng lẽ rơi nước mắt, bàn tay run rẩy khi nghe tiếng nôn ọe của con mình trong lúc rửa dạ dày. Em còn rất trẻ, nhưng đã nhiều lần chọn cách rời bỏ cuộc sống.

Dù đã điều trị chuyên khoa tâm thần kinh và uống thuốc đều đặn nhưng những biến cố tự tử vẫn như một quả bom nổ chậm với gia đình…

Là bác sĩ làm việc ở khoa hồi sức - nơi giành giật sự sống từng giây, tôi cứ day dứt tự hỏi: “Có nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ cái chết? Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất người thân?”.

Chúng ta đang chứng kiến một thực tế đau lòng, tỷ lệ tự tử ở người trẻ gia tăng nhanh chóng. Trong xã hội hiện đại ngày càng “tiện nghi” nhưng người trẻ đang phải đối diện với các áp lực nặng nề vô hình, và giữa những bức ảnh rạng rỡ trên mạng xã hội, có thể là một tâm hồn đang rạn vỡ trong im lặng.

Không ai sinh ra đã muốn kết thúc cuộc đời. Nhưng khi phải chịu đựng nỗi đau tâm lý kéo dài mà không lối thoát, suy nghĩ ấy có thể âm thầm xuất hiện. Nhiều người trẻ ngoài mặt vẫn cười nói, học giỏi, năng động… nhưng bên trong là một cuộc chiến thầm lặng. Họ không nói, không cầu cứu vì nghĩ “sẽ không ai hiểu mình đâu”.

Làm việc ở môi trường Hồi sức tích cực và chống độc, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người trở về từ lằn ranh sinh tử. Nhưng những ca tự tử luôn để lại trong tôi một nỗi day dứt đặc biệt. Đừng đợi đến khi tiếng máy sốc điện vang lên, ta mới hỏi “Tại sao họ lại làm vậy?”.

Tự tử không phải là điểm kết thúc, mà là lời cầu cứu chưa được lắng nghe đúng cách. Hãy học cách lắng nghe - từ những điều nhỏ nhặt nhất và hãy chọn yêu thương thay vì im lặng; bởi chỉ một lời quan tâm đúng lúc có thể cứu một mạng người.

ThS-BS-CK1 NGUYỄN HỮU TÍN - Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chon-yeu-thuong-thay-vi-im-lang-post793611.html
Zalo