Khúc tráng ca tháng Tư: Ký ức, nước mắt và khát vọng hòa bình

Sáng 30-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngàn người dân đã hội tụ về khu vực Dinh Độc Lập tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong dòng người ấy, có những mái đầu bạc, những bước chân chậm rãi của các cựu chiến binh (CCB) - những người đã từng vào sinh ra tử vì ngày toàn thắng.

Hòa bình là điều thiêng liêng

Trong lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có khối diễu binh đặc biệt. Đặc biệt bởi người nhỏ tuổi nhất đã 70, người lớn tuổi nhất cũng gần 90. Họ là 350 CCB trên cả nước từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Một trong những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử ấy là CCB Nguyễn Duy Tuế, hiện sống tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Thời điểm đó, ông là chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, tham gia trọn vẹn chiến dịch từ ngày 26 đến 30-4-1975, trên hướng tiến công Đông Bắc vào Sài Gòn.

Ông chia sẻ: “50 năm trôi qua, tham gia lễ diễu binh, diễu hành, cảm xúc trong tôi và các CCB đều rất đặc biệt. Hai ngày có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được gặp gỡ nhiều đồng đội, đồng chí sau nhiều năm không gặp, hạnh phúc lắm! Chúng tôi cảm nhận rất rõ khí thế chuyển mình của dân tộc Việt Nam thời gian qua và tự hào vì góp sức nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước”.

CCB Nguyễn Duy Tuế cùng các đồng đội, đồng chí trên xe diễu binh tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

CCB Nguyễn Duy Tuế cùng các đồng đội, đồng chí trên xe diễu binh tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Khi lễ rước Quốc kỳ và diễu binh bắt đầu, quảng trường im phăng phắc. Các CCB đồng loạt đứng dậy, có người vịn vào vai nhau, có người chống gậy, nhưng ai cũng hướng ánh mắt nghiêm trang lên lá cờ Tổ quốc. Âm nhạc vang lên: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...” - không ít người rơi nước mắt. Những giọt nước mắt không chỉ cho ký ức, mà còn cho hiện tại và tương lai. Năm xưa, họ đã không tiếc máu xương, rời quê hương lên đường bảo vệ Tổ quốc và hôm nay, chính họ cảm nhận rõ nhất: hòa bình thật đẹp!

CCB Trần Thế Tuyển, sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những nhân chứng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, kể: “Hơn 3 giờ sáng 30-4, khi bách bộ từ ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu vào khán đài trước cửa Dinh Độc Lập chừng hơn một cây số, thấy chúng tôi mặc quân phục đại lễ; dây “chiến thắng” và huân, huy chương rực rỡ, mọi người đứng dậy reo hò: “Chào cô, chú bộ đội”, “Chào chú giải phóng quân”. Chúng tôi vẫy tay chào bà con. Cảm xúc nửa thế kỷ trước ùa về. Cách đây đúng 50 năm, như ngọn “cuồng phong”, từ năm cánh quân, chúng tôi tràn vào thành phố, bà con cũng reo hò đón như thế. Nếu có khác, trước đây ánh mắt đôi khi còn ngờ ngàng thì nay thân thiết, ấm áp như đón người thân yêu ruột thịt trở về”.

CCB Trần Thế Tuyển (đứng giữa) chụp hình kỷ niệm cùng các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào sáng sớm 30-4

Về dự lễ kỷ niệm với sự xúc động rưng rưng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Tùng Chinh (Thành phố Hồ Chí Minh) kể: Cả gia đình tôi cộng lại có hơn 30 năm ở tù của kẻ thù vì hoạt động cách mạng. Thế nhưng, chẳng ai thấy lo sợ! Chúng tôi tự hào khi được theo cách mạng, được chiến đấu và đóng góp cho nền hòa bình hôm nay. Ba má đi trước làm gương, các anh, các chị một lòng nối tiếp lý tưởng. Đến tôi là em út, thừa hưởng được bao điều tốt đẹp. Mừng 50 năm thống nhất đất nước, nếu mỗi người dân vui một thì chúng tôi vui gấp đôi. Bởi vì khi quân ta giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung thì lúc ấy tôi đang bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Quảng Ngãi. Tôi và các bạn tù phá ngục tù và được các chiến sĩ giải phóng đưa về Ban Tổ chức tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi lúc ấy như “chim sổ lồng, tung tăng trên cành”… Được về dự lễ kỷ niệm, chứng kiến đất nước phát triển, lòng tôi vui khôn xiết. Những ngày này, tôi nghĩ về đồng đội đã ngã xuống cho đất nước thống nhất và xin hứa sẽ làm tất cả để không phụ lòng đồng đội, xin đồng đội hãy an nghỉ!”.

2 chị em Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Tùng Chinh tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Họ vẫn hành quân trong tâm tưởng

Không chỉ có nước mắt của ký ức, buổi lễ còn đong đầy niềm tự hào. CCB Trịnh Hùng Vương cùng vợ từ thành phố Hà Nội vào dự lễ kỷ niệm, xúc động nói: “Tôi vẫn nhớ như in buổi sáng 30-4 năm ấy. Tôi đã khóc vì mừng, khóc vì đồng đội tôi có người đã ngã xuống. Hôm nay đứng đây, tôi như được gặp lại họ trong tim mình. Có thể đây là lần cuối tôi đến Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng những kỷ niệm tôi có được trong những ngày ở đây thật đẹp và ý nghĩa!”.

“Giá trị của hòa bình hôm nay là cái giá của máu, nước mắt và lòng yêu nước. Thế hệ chúng tôi không bao giờ quên những năm tháng đói khổ, hy sinh, nhưng cũng đầy tự hào”, CCB Lê Thị Lý, đến từ tỉnh Thái Bình chia sẻ.

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là một sự kiện chính trị, mà còn là dịp để cả dân tộc tri ân những con người đã hy sinh thầm lặng cho độc lập dân tộc. Trong ánh nắng tháng Tư rực rỡ, những người lính năm xưa đứng giữa hàng vạn người, nhưng trái tim họ như cùng chung nhịp đập - nhịp đập của ký ức, niềm tin và hy vọng.

Xe hoa của Hội CCB Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Xe hoa của Hội CCB Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

50 năm sau ngày miền Nam giải phóng, trở lại Thành phố Hồ Chí Minh lần này, nhiều CCB mang theo ảnh đồng đội - những người đã không còn cơ hội thấy ngày toàn thắng. Họ cũng mang theo những kỷ vật của chiến trường năm xưa như nhắc nhớ cho nhau về nghĩa tình đồng chí, đồng đội và cả tình quân dân. Họ mãn nguyện khi đất nước hòa bình phát triển nhưng cũng có chút suy tư khi nhắc tên của đồng chí, đồng đội mình vẫn chưa tìm thấy được hài cốt, hoặc tìm thấy hài cốt nhưng chưa xác định được danh tính.

“Chúng tôi chỉ mong những giá trị mà chúng tôi từng chiến đấu, gìn giữ - độc lập, thống nhất, lòng yêu nước sẽ tiếp tục được lớp trẻ hôm nay trân trọng và gìn giữ, bởi độc lập không phải là điều ngẫu nhiên. Đó là cả máu và nước mắt!”, Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 gửi gắm.

Rất đông đại biểu là CCB tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: Thanh Mảng

Thế hệ chúng tôi tự hào và khẳng định rằng, đã hoàn thành sứ mệnh chiến đấu, chiến thắng, thu giang sơn về một mối và tạo ra những tiền đề cho đất nước phát triển. Chúng tôi tin tưởng rằng, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ kế thừa và phát huy truyền thống của cha anh, dân tộc, truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đem hết sức mình xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh và hạnh phúc, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, sánh vai với các cường quốc năm châu, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Buổi lễ kết thúc trong tiếng vỗ tay, trong những lời chào nghiêm trang và cái bắt tay siết chặt của những người từng sát cánh bên nhau nơi chiến trường. Họ không nói nhiều, nhưng ánh mắt họ đủ để kể cho hậu thế nghe về một thời máu lửa, về tình đồng đội, về khát vọng hòa bình. 50 năm nhìn lại, những người lính trở về không còn mang súng đạn, nhưng vẫn mang trái tim nhiệt huyết về gìn giữ hòa bình, tự do. Họ nhắc chúng ta: Lịch sử là máu, là xương, là nước mắt - nhưng cũng là niềm tin, là hy vọng, và nhờ họ, chúng ta mới có ngày hôm nay.

Lệ Quyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172305/khuc-trang-ca-thang-tu-ky-uc-nuoc-mat-va-khat-vong-hoa-binh
Zalo