Nét đẹp tình nguyện viên tận tâm phụng sự ở Đại lễ Vesak 2025

Những ngày này, tại TP.HCM, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc- Vesak 2025 chưa chính thức khai mạc nhưng đã diễn ra rất nhiều hoạt động trong khuôn khổ Đại lễ với đông đảo đại biểu, tăng ni, phật tử, người dân tham gia. Hàng trăm tình nguyện viên Việt Nam của Đại lễ đã bắt đầu công việc hướng dẫn, hỗ trợ khách, bất chất thời tiết nắng nóng.

Háo hức chờ phụng sự

Từ sáng sớm ngày 3/5, khi những đoàn xe chở tăng ni, phật tử, du khách thập phương nối dài về Học viện Phật giáo Việt Nam và chùa Thanh Tâm ở huyện Bình Chánh, TP.HCM - nơi diễn ra các hoạt động, nghi lễ chính của Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2025, những tình nguyện viên như Lý Thị Đoan Trang (pháp danh Liên Trang) đã có mặt.

Tình nguyện viên tại Đại lễ Vesak luôn tận tâm phụng sự (Ảnh Tỷ Huỳnh)

Tình nguyện viên tại Đại lễ Vesak luôn tận tâm phụng sự (Ảnh Tỷ Huỳnh)

Công việc của Trang là hướng dẫn lối đi, giữ trật tự và hỗ trợ người cao tuổi ở khu vực nhà chờ vào chiêm bái Xá lợi Đức Phật.

Trang nhẹ nhàng nhắc nhở quy định và cung cấp nước đóng chai cho bà con.

Trang cho hay, mình đã đăng ký từ lâu để được làm tình nguyện viên phân luồng trong Đại lễ Vesak nhưng mãi sau mới may mắn được lựa chọn để phụng sự tại đây.

Trang làm việc một cách ân cần, chu đáo với mong muốn đóng góp sức nhỏ vào sự kiện trọng đại nhất của Phật giáo: “Em rất háo hức và mong chờ. Lượng người quá đông, có hơi mệt nhưng cảm giác mình rất may mắn, một phần nào đó mình được phụng sự nên em rất vui. Em chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt và làm theo những gì các anh chị nhóm trưởng đã chỉ dẫn".

Phục vụ tại các "điểm nóng" như khu vực lối vào, bãi gửi xe, nhà chờ là đội phân luồng do anh Trương Thế Huy Hoàng (pháp danh Pháp Thiện) phụ trách. Đội gồm 30 tình nguyện viên, chia làm hai ca sáng - tối.

Dưới sự chỉ đạo, sắp xếp của anh Hoàng, công tác chuẩn bị đã được triển khai từ sớm. Tất cả các tình nguyện luôn sẵn sàng phụng sự hết mình cho một Đại lễ trọn vẹn, lan tỏa năng lượng tích cực và tinh thần Phật giáo: “Trước khi vào công việc một tuần, chúng tôi đã được tập huấn, đồng thời đã hỗ trợ cho Ban tổ chức làm lồng đèn, giăn điện, sắp xếp bàn ghế để cho phật tử ngồi chờ. Bất kỳ việc gì ban tổ chức cần là hỗ trợ hết mình".

Anh Trương Thế Huy Hoàng (pháp danh Pháp Thiện) dẫn người lớn tuổi đi lối đi thông thoáng hơn (Ảnh Tỷ Huỳnh)

Anh Trương Thế Huy Hoàng (pháp danh Pháp Thiện) dẫn người lớn tuổi đi lối đi thông thoáng hơn (Ảnh Tỷ Huỳnh)

Sẵn sàng hỗ trợ

Ở một vai trò khác, anh Lê Văn Ký (pháp danh Quảng Khánh Hưng) - một doanh nhân từ Bình Thuận - tình nguyện phục vụ bán vé ẩm thực cho Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM.

Anh Ký và vợ đã gửi con cho ông bà, gác lại công việc riêng, tình nguyện dành trọn một tuần phục vụ Đại lễ: “Tôi trước đây đã từng phục vụ tình nguyện viên cho nhiều đại lễ của Giáo hội Phật giáo, nhưng lần này vinh dự được phục vụ ở Vesak 2025 tại TP.HCM, đây là niềm vui và sự hân hoan, phấn kích của một người con Phật. Tôi làm nhiệm vụ xuyên suốt từ ngày 2/5 đến ngày 8/5”.

Nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM hỗ trợ những phật tử, người dân bị say nắng (Ảnh Tỷ Huỳnh)

Nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM hỗ trợ những phật tử, người dân bị say nắng (Ảnh Tỷ Huỳnh)

Không chỉ hỗ trợ tổ chức, đội ngũ tình nguyện viên còn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế TP.HCM để chăm sóc sức khỏe cho các phật tử, bà con đến chiêm bái Xá lợi Đức Phật.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết, có 10 xe cấp cứu túc trực quanh chùa Thanh Tâm, trong đó có 2 xe của Trung tâm và 8 xe từ các bệnh viện trên địa bàn.

Ngoài ra, 4 lều y tế được bố trí ở các vị trí trọng điểm để sơ cấp cứu, hỗ trợ người có dấu hiệu mệt, ngất do nắng nóng hoặc bệnh nền.

Lượng người đổ về chờ chiêm bái càng lúc càng đông, lực lượng tình nguyện viên nỗ lực ổn định trật tự (Ảnh Tỷ Huỳnh)

Lượng người đổ về chờ chiêm bái càng lúc càng đông, lực lượng tình nguyện viên nỗ lực ổn định trật tự (Ảnh Tỷ Huỳnh)

Trong ngày đầu tiên đón tiếp đại chúng, một số trường hợp mệt nhẹ do thời tiết oi bức, phải xếp hàng chờ lâu hoặc có bệnh nền đã được nhân viên y tế nhanh chóng tiếp cận, hỗ trợ kịp thời tại các lều y tế. Đến chiều cùng ngày, chưa có ca bệnh nào cần chuyển viện.

Cũng theo Bác sĩ Long, mỗi ngày có khoảng 60 nhân viên y tế thường trực tại các điểm chính. Bên cạnh đó, kế hoạch ứng phó các tình huống khẩn cấp cũng đã được xây dựng, bao gồm phương án kích hoạt tình huống cấp cứu hàng loạt khi cần.

Trong trường hợp quá tải tại khu vực chùa Thanh Tâm thì Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (bệnh viện gần nhất) sẽ là đơn vị tiếp nhận điều phối trung tâm, với sự hỗ trợ chuyên môn và phương tiện từ các bệnh viện tuyến đầu.

Bác sĩ Long cho biết thêm: “Lều y tế được bố trí các dụng cụ thiết yếu, như bình oxy, dịch truyền, thuốc thiết yếu, máy theo dõi sinh hiệu, thiết bị nội khí quản… nhằm đáp ứng các tình huống cấp cứu chuyên sâu. Đặc biệt, ngành y tế cũng đã liên hệ và nhận được hỗ trợ từ Cục Quân y về việc đưa vào sử dụng hai hệ thống làm mát chuyên dụng”.

Bác sĩ Long khuyến cáo, quý bà con, phật tử đến tham dự Đại lễ Vesak cần có sự chuẩn bị cá nhân như mang theo nước uống, một ít đồ ăn nhẹ, thuốc điều trị bệnh mãn tính…để mọi việc được an lạc và an toàn.

Kim Dung - Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/net-dep-tinh-nguyen-vien-tan-tam-phung-su-o-dai-le-vesak-2025-post1196746.vov
Zalo