Khu Thương mại tự do tại Hải Phòng: Thuế TNDN 10% trong 30 năm, giảm 50% thuế TNCN với người tài

Sáng nay (13/5), Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Ảnh: Duy Linh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Ảnh: Duy Linh

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Nghị quyết đưa ra các chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng, đề xuất thực hiện thí điểm được xây dựng theo 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, trong đó có có tới 17 chính sách về thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do tại Thành phố.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định, thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng (Khu TMTD) để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khu TMTD được tổ chức thành các khu chức năng, bao gồm: Khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Các khu chức năng trong Khu TMTD đáp ứng điều kiện khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật được bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong Khu TMTD, dự thảo Nghị quy định một số chính sách đặc thù ưu đãi: Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; Thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; Tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế; Hoạt động đầu tư, kinh doanh khác trong Khu TMTD và cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mở phòng giao dịch trong Khu TMTD ngoài trụ sở chi nhánh.

Bên cạnh đó, để thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, tại chỗ” đối với Khu TMTD nhằm rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục hành chính, dự thảo Nghị quyết cho phép Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu TMTD và giao thẩm quyền để giải quyết trực tiếp các thủ tục về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động vào Khu TMTD.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Ảnh: Duy Linh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Ảnh: Duy Linh

Thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, nhóm chính sách đặc thù áp dụng trong Khu thương mại tự do tại Hải Phòng thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có đủ căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để thực hiện thí điểm chính sách này.

Về chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài và cấp thẻ tạm trú 10 năm cho chuyên gia, nhà quản lý làm việc tại KTMTD Hải Phòng, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành và cho rằng, chính sách này sẽ góp phần thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển dụng và mở rộng đầu tư, qua đó, tăng sức cạnh tranh của Hải Phòng, thu hút thêm nhiều nguồn vốn FDI. Việc áp dụng miễn thị thực cho người nước ngoài đến làm việc với Khu thương mại tự do Hải Phòng, tương tự với chính sách đang áp dụng tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết quy định: “Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng phát sinh tại địa bàn Khu TMTD Hải Phòng thuộc ngành, nghề, lĩnh vực quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; sau thời hạn ưu đãi được áp dụng thuế suất 15%”.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành với mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong Khu Thương mại tự do vì mức này tương tự như mức đang áp dụng với Khu kinh tế là phù hợp. Tuy nhiên, thời gian áp dụng 15 năm là khá dài, nên cân nhắc điều chỉnh lại thời hạn ưu đãi tương đương với Khu kinh tế, đồng thời, trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì thực hiện nộp thuế theo quy định tương ứng.

Đề xuất của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân trong dự thảo (giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý, lao động có trình độ cao có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh khi làm việc trong Khu TMTD Hải Phòng) cũng được cơ quan thẩm tra nhất trí. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng cần biên soạn lại để tránh trường hợp cứ “có thu nhập” phát sinh khi làm việc trong Khu thương mại tự do là được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp bao gồm các thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh ngoài Khu thương mại tự do.

Riêng với quy định cho phép doanh nghiệp có trụ sở chính và có hoạt động sản xuất kinh doanh trong Khu TMTD Hải Phòng được niêm yết, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán với nhau, nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong Khu thương mại tự do, một số ý kiến đề nghị thận trọng để kiểm soát rủi ro quản lý ngoại hối. Tuy nhiên, một số ý kiến nhận thấy, quy định này đã tiếp thu ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, theo đó phạm vi hoạt động này chỉ diễn ra trong khu thương mại tự do, không mở rộng ra phạm vi bên ngoài nên nhất trí với phương án Chính phủ trình.

Đối với chính sách về chuyển khẩu hàng hóa, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần làm rõ về quy trình, cơ chế quản lý, kiểm soát đối với hoạt động của chuyển khẩu hàng hóa để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn các hành vi đầu tư “núp bóng”, lợi dụng quy định mới của Khu thương mại tự do để chuyển tải bất hợp pháp sang nước thứ ba.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khu-thuong-mai-tu-do-tai-hai-phong-thue-tndn-10-trong-30-nam-giam-50-thue-tncn-voi-nguoi-tai-d283152.html
Zalo