Định vị thương hiệu, thị trường cho sản phẩm Huế - Kỳ 2: Lan tỏa sản phẩm OCOP

Nhắc đến OCOP là người ta nghĩ đến nhiều yếu tố để tạo nên một sản phẩm đặc trưng, chất lượng được thị trường tin dùng mà hiện nay không ít địa phương, đơn vị, cá nhân ở Huế đang thực hiện.

Từ năm 2018, UBND tỉnh (nay là TP. Huế) triển khai chương trình OCOP theo khung chương trình chung của quốc gia tại Quyết định 490/QĐ-TTg, ngày 7/5/2018 về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020. Từ thời gian này, chính quyền các địa phương và người dân đã tinh nhạy, nắm bắt cơ chế thị trường, dồn tâm, lực tạo thương hiệu mới cho sản phẩm OCOP ở địa phương.

Trong số này, huyện Quảng Điền là một trong những địa phương tích cực xây dựng, nâng tầm các sản phẩm OCOP; trong đó một số sản phẩm bước đầu đã tạo được thương hiệu, trở thành sản phẩm trải nghiệm hoặc làm quà tặng, lưu niệm độc đáo được du khách lựa chọn như, mây tre đan Bao La (Quảng Phú), rau má (Quảng Thọ), dịch vụ du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi)… Từ năm 2020, sản phẩm trà rau má xã Quảng Thọ được UBND tỉnh (nay là UBND thành phố) công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh 4 sao. Từ đó, xã Quảng Thọ đã phát triển nhiều mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị từ xây dựng vùng nguyên liệu gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm từ trà rau má, bột “matcha rau má”… Sau khi hoạch toán, thu nhập đem lại từ những mô hình sản xuất này đạt 250 - 350 triệu đồng/ha/năm.

UBND xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) cũng rất chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương. Sau khi làng bún Vân Cù được công nhận là làng nghề truyền thống, khẳng định được thương hiệu, UBND xã Hương Toàn đã tích cực vận động, hỗ trợ các hộ đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất bún, như: Máy ép bún bán thủ công, máy đánh bột, máy làm gạo… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, xã Hương Toàn cũng thành lập Tổ hợp tác sản xuất bún Vân Cù. Hiện, qua đánh giá, phân hạng, các sản phẩm bún tươi, bún khô làng Vân Cù được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tháng 2/2025 vừa qua, làng bún Vân Cù long trọng đón nhận danh hiệu Di sản phi vật thể Quốc gia.

Ông Nguyễn Hồng Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho biết, với thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao, bình quân mỗi ngày, các lò bún trên địa bàn xã sản xuất hàng chục tấn bún các loại đưa đến thị trường trong, ngoài tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định, doanh thu của làng nghề đạt gần 100 tỷ đồng/năm. Hiện, xã Hương Toàn đang định hình việc xây dựng sản phẩm trải nghiệm quy trình làm bún kết hợp với thưởng thức ẩm thực đặc trưng địa phương. Hoạt động này sẽ giúp kéo dài thời gian tham quan, lưu trú của du khách, đồng thời giúp phát triển sản phẩm OCOP bún Vân Cù và những sản phẩm đang có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP ở địa phương, như bánh gói Hương Cần được phát triển bền vững hơn.

Huyện Phú Lộc cũng đã vào cuộc tổ chức xây dựng sản phẩm có thương hiệu, như dầu lạc Mỹ Á (xã Giang Hải); khu du lịch sinh thái suối Tiên, xã Lộc Tiến và quần thể du lịch sinh thái gắn với tài nguyên bản địa ở phía tây của huyện trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Những sản phẩm này là động lực để Phú Lộc tiếp tục kỳ vọng nâng cao chất lượng các điểm đến an toàn, sạch đẹp và xây dựng được chuỗi sản phẩm OCOP đặc trưng khu vực phía nam TP. Huế.

Ông Trần Văn Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho rằng, cùng với sự lan tỏa của hoạt động du lịch cộng đồng ở địa phương đang được các nhà đầu tư xây dựng phát triển, sản phẩm OCOP cũng được đang duy trì, bồi đắp là cơ hội mới để tạo ra nguồn thu “kép”.

Các sản phẩm ở Huế phát triển theo hướng OCOP đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn. Qua đó, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất liên kết chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu vững chắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hơn nữa, khi sản phẩm OCOP được “gắn sao”, ai cũng nhìn được chủ thể của nó lớn mạnh về năng lực, quy mô sản xuất và hoàn thiện với các yêu cầu sản xuất xanh, sạch, đáp ứng quy chuẩn của thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu.

Chị Hoàng Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Mộc An (Phong An, Phong Điền) chia sẻ, sau nhiều năm nỗ lực, sản phẩm bột ngũ cốc Mộc An được TX. Phong Điền thành lập hội đồng thẩm định, công nhận đạt OCOP 3 sao. Vui là khi sản phẩm bột ngũ cốc Mộc An được gắn sao thì ngày càng có nhiều đơn hàng gần xa gửi đến đặt mua. Tuy nhiên, theo chị Nhung, quá trình làm nên những sản phẩm OCOP đặc trưng của Huế được gắn sao hay nâng hạng sao không phải chuyện đơn giản. Bởi, một sản phẩm khi được công nhận OCOP, ít nhất phải chạm ngưỡng chế biến sâu, có hàm lượng hoạt chất rõ ràng, truy xuất vùng trồng minh bạch… theo quy trình kiểm định khắt khe của cơ quan chức năng. Chính điều này đã khiến nhiều chủ thể sản phẩm chùn bước, ngại đăng ký hay nâng hạng sao OCOP.

Đồng quan điểm, chị Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia cho rằng, các chính sách hỗ trợ hiện hành cho sản phẩm OCOP dù đã mở rộng nhưng vẫn chưa đủ sức tạo cú hích cho những DN muốn phát triển lớn hơn. Vấn đề không chỉ nằm ở vốn, mà là cả hệ sinh thái hỗ trợ từ kiểm nghiệm, công bố chất lượng đến xúc tiến thương mại… hiện ở địa phương vẫn chưa mạnh, chỉ đang hỗ trợ ở từng thời điểm, chưa thường xuyên.

Đầu năm 2025, HĐND thành phố Huế đã ban hành Nghị quyết 03 về các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp địa phương đến năm 2030. Trong đó, với sản phẩm OCOP, đặc biệt sản phẩm OCOP gắn sao có chính sách hỗ trợ khá toàn diện về đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, vùng trồng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh trong việc quảng bá, kết nối thị trường, đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối lớn và sàn thương mại điện tử… Đây là bước đột phá của chính quyền địa phương để kịp thời thúc đẩy các chủ thể sản phẩm OCOP đầu tư phát triển sản phẩm và nâng hạng sao.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2025 mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương đã lưu ý các tổ chức, ban ngành, đơn vị địa phương cần chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, chủ lực của Huế vươn ra thị trường trong và ngoài nước, vào những chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại, các kênh thương mại điện tử…

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/e-magazine/dinh-vi-thuong-hieu-thi-truong-cho-san-pham-hue-ky-2-lan-toa-san-pham-ocop-153515.html
Zalo