Nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là một nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Những di sản văn hóa không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, mà còn là một phần không thể thiếu trong việc hình thành bản sắc dân tộc. Chúng là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cội nguồn và những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã để lại. Bởi vậy, trong thời gian qua, các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh nhà đã nỗ lực bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa đó cho thế hệ mai sau.

Người Khơ Mú ở bản Kéo, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ gìn giữ nghề truyền thống.

Người Khơ Mú ở bản Kéo, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ gìn giữ nghề truyền thống.

Trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu, việc bảo tồn văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để duy trì bản sắc. Từ những nét văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống cho đến các lễ hội và phong tục tập quán, tất cả đều góp phần tạo nên bức tranh đa dạng, phong phú và giàu bản sắc của nền văn hóa Điện Biên nói riêng, cả nước nói chung.

Trong thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tập trung vào công tác này và thu được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, trong bảo tồn di sản văn hóa vật thể, các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tại di chỉ khảo cổ và các di tích có di chỉ khảo cổ; nghiên cứu sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử, văn hóa các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là những tư liệu, tài liệu, hiện vật cổ, quý hiếm liên quan đến di sản văn hóa và Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Đến nay, tổng số hiện vật đang được lưu giữ, quản lý tại Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Ban Quản lý di tích tỉnh là 19.559 hiện vật gốc. Công tác trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng và di tích tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền tại trường học, qua đó đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan.

Nghệ nhân thực hành đan gùi truyền thống tại Lớp truyền dạy nghề đan lát của dân tộc Si La, bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.

Nghệ nhân thực hành đan gùi truyền thống tại Lớp truyền dạy nghề đan lát của dân tộc Si La, bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.

Công tác trùng tu, bảo tồn, tôn tạo di tích tiếp tục được tiếp tục quan tâm, triển khai thực hiện, đặc biệt là di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Việc tìm kiếm, bổ sung các điểm di tích thành phần vào danh mục Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ được quan tâm triển khai thực hiện.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đã lựa chọn, đề xuất 5 địa điểm có dấu hiệu di tích để lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận xếp hạng bổ sung vào danh mục Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, gồm: Sở Chỉ huy Đại đoàn 308 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; Sở Chỉ huy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; Đồi Xanh; Sở Chỉ huy Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; Trận địa pháo 105mm của Đại đội 805, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 45, Đại đoàn 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nghệ nhân dân tộc Mông tại bản Nậm Ngám A, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông truyền dạy nghệ thuật thổi khèn cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân dân tộc Mông tại bản Nậm Ngám A, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông truyền dạy nghệ thuật thổi khèn cho thế hệ trẻ.

Cùng với đó, công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quan tâm triển khai. Hiện toàn tỉnh có 20 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trong đó, 2 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và di sản “Nghệ thuật Xòe Thái”.

Công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm, góp phần “tiếp lửa” cho họ giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình. Hiện toàn tỉnh có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Ngày 13/8/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3563/KH-UBND xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Điện Biên lần thứ Tư, làm cơ sở để các cơ quan và các cá nhân có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện.

Việc bảo tồn, truyền dạy chữ viết của các dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm, đã tổ chức được các lớp truyền dạy chữ Thái tại huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ và lớp học tiếng Dao tại huyện Tủa Chùa. Ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai thực hiện việc dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh. Bảo tồn, truyền dạy, phát huy các môn thể thao dân tộc truyền thống, như: Trò chơi dân gian tung còn, tó sáng, tó phại, tó má lẹ của dân tộc Thái (ngành Thái trắng) tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ; trò chơi dân gian giã bánh giày, đánh yến, tù lu tại bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo.

Học sinh Trường THCS Thanh Yên, huyện Điện Biên tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Học sinh Trường THCS Thanh Yên, huyện Điện Biên tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cũng chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa cho học sinh, sinh viên. Các cơ sở giáo dục đã tổ chức lồng ghép trong chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa và các hoạt động tập thể cho học sinh, sinh viên về văn hóa truyền thống các dân tộc; khuyến khích các học sinh tích cực tham gia hoạt động tạo cảnh quan cho di tích, hoạt động trải nghiệm tại di tích và các Bảo tàng. Nhiều chương trình, hoạt động trải nghiệm đã trở thành thương hiệu riêng như chương trình trải nghiệm “Chúng em làm Chiến sĩ Điện Biên”, “Bữa cơm chiến sĩ”…

Bảo tàng tỉnh - một trong những đơn vị “chủ công” trong công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Bà Lê Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Như chúng ta đều biết, các lễ hội truyền thống các dân tộc đã phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan; là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại; phản ánh sinh động về văn hóa, tập tục, tín ngưỡng của đồng bào. Lễ hội luôn giữ vai trò là sợi dây gắn kết cộng đồng và thể hiện khát vọng của con người hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Do vậy, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di sản, năm 2024, Bảo tàng tỉnh đã bảo tồn, phục dựng 2 lễ hội truyền thống, gồm: Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Cống tại huyện Nậm Pồ; lễ Cúng lá lúa của dân tộc Kháng, bản Quảng Lâm, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức 2 lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống: Nghề đan lát của dân tộc Si La tại huyện Mường Nhé; nghề đan lát của dân tộc Cống tại huyện Mường Nhé và 1 lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Kháng tại huyện Tuần Giáo. Với kết quả đó đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Nghi thức gội đầu trong Tết Té nước của người Lào, bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Nghi thức gội đầu trong Tết Té nước của người Lào, bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn di sản văn hóa, thế nhưng tỉnh nhà vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Một trong những thách thức lớn nhất là nguy cơ mai một của các giá trị văn hóa truyền thống dưới tác động của quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Một số dân tộc thiểu số, văn hóa đã bị mai một nhiều, nên việc lựa chọn dân tộc và nội dung bảo tồn không thể thực hiện được.

Ngoài ra, di sản văn hóa còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã biết khai thác và phát huy giá trị của các di sản để thu hút du khách, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất vào du lịch cộng đồng còn hạn chế, chưa có sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn nên sản phẩm còn đơn điệu, chưa thu hút được du khách.

Thêm nguyên nhân nữa là một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa chú trọng đúng mức về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, bởi vậy thiếu sự chỉ đạo quyết liệt. Việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, trong đó có bảo tồn di sản văn hóa vẫn chưa thực sự tương xứng với yêu cầu thực tế hiện nay.

Mong rằng, trong thời gian tới, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa sẽ có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn và sự song hành của cả cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Từ đó, sẽ gìn giữ được những nét đẹp văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cội nguồn đất nước, góp phần tăng cường tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong mỗi người.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/219783/no-luc-bao-ton-di-san-van-hoa
Zalo