Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo - công trình kiến trúc tiêu biểu phía Nam
Tại hội thảo 'Kiến trúc Việt Nam - 50 năm đất nước thống nhất' vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, công trình kiến trúc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo của tỉnh Bình Phước được lập quy hoạch tổng thể, thuộc nhóm tác giả đến từ Công ty Cổ phần Mỹ thuật và Xây dựng Việt Nam do Chi hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Phước giới thiệu, được Hội Kiến trúc sư Việt Nam công nhận là một trong 50 công trình kiến trúc tiêu biểu thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Phía Nam.
Dưới sự đánh giá khái quát, khách quan, sâu sắc của các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, lý luận phê bình, bảo tồn di sản, đào tạo kiến trúc sư, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã được vinh danh Công trình kiến trúc tiêu biểu thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cùng với các công trình khác như: Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ; Nhà hát Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu; Nhà hát Sông Hương ở Huế; Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam; Cổng chào khu du lịch núi Sam ở An Giang; Văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai…

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo thường xuyên được lựa chọn biểu diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống của đồng bào S’tiêng
Là di tích lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 2010 UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo với diện tích 113,4 ha, khái toán kinh phí xây dựng 298 tỷ đồng. Công trình có những hạng mục cơ bản như: Nhà đón tiếp, sân lễ hội, 2 nhà dài truyền thống dân tộc S’tiêng, 4 làng nghề truyền thống và 8 căn nhà cấp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có công với cách mạng, già làng, nghệ nhân. Trong khu nhà trưng bày các hiện vật thể hiện sống động cuộc sống và câu chuyện lịch sử hào hùng của đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo anh hùng.
Năm 2018, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo được chuyển giao về cho UBND huyện Bù Đăng quản lý. Nhằm đảm bảo hoạt động của khu bảo tồn, UBND huyện Bù Đăng thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn, đồng thời giao nhiệm vụ tham mưu và tổ chức các hoạt động của khu bảo tồn cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện (nay là Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Đài Truyền thanh Truyền hình huyện Bù đăng).


Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo nhìn từ trên cao
Bên cạnh quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hạng mục, công trình có liên quan đến truyền thống văn hóa và di sản văn hóa của người S’tiêng; thường xuyên sưu tầm hiện vật, phục dựng lễ hội truyền thống của người S’tiêng. Ban quản lý Khu bảo tồn còn xây dựng các đội văn nghệ, cồng chiêng; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tổ chức các làng nghề truyền thống theo mô hình du lịch cộng đồng, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng.
Nhờ đó, hàng năm khu bảo tồn đón tiếp hơn 20.000 lượt người trong và ngoài nước, trong đó có các đoàn khách quốc tế như: Hàn Quốc, Campuchia… Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã lựa chọn nơi đây để tổ chức các hoạt động du khảo về nguồn cho học sinh. Trong năm 2024, tại khu bảo tồn, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”, sự kiện thu hút trên 100 ngàn lượt du khách tham quan. Đặc biệt tại chương trình nghệ thuật “Ngày mới trên sóc Bom Bo”, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2025) vừa qua, lần đầu tiên trang phục thổ cẩm của người S’tiêng đã được lên sàn diễn bởi các người mẫu chuyên nghiệp.

Bà Ngô Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Phước (thứ 6 từ trái qua) nhận bằng khen công trình kiến trúc tiêu biểu thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đối với Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo
Bà Ngô Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Phước cho biết: Cùng với công trình kiến trúc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, thời gian qua Chi hội Kiến trúc sư tỉnh còn tích cực tham gia Hội đồng thẩm định quy hoạch của tỉnh; tham gia phản biện đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 tại Khu công nghiệp Minh Hưng III - giai đoạn 2; Quy hoạch phân khu sân golf Minh Thắng; Quy hoạch chung TP. Đồng Xoài, Quy hoạch vùng huyện Đồng Phú… Ngoài ra, chi hội còn tham gia, thiết kế các bản vẽ, các chương trình do Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các hội thi do chi hội kiến trúc sư trên cả nước tổ chức…
Với những đóng góp tích cực của các kiến trúc sư, nhiều công trình có chất lượng thiết kế kiến trúc tốt đã được thực hiện; một số dự án lớn đã và đang được triển khai, góp phần tạo điểm nhấn cảnh quan cho khu vực đô thị, làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ các công trình hạ tầng quan trọng của tỉnh.