Ký ức hào hùng về thế hệ cán bộ, sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội 'xếp bút nghiên lên đường chiến đấu'

Những năm chống Mỹ cứu nước, chỉ riêng từ giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có 1.333 cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Họ đã dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc và nhiều người đã ngã xuống bên chiến hào như những người Anh hùng.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội tái hiện lại những đóng góp của cán bộ và sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - tiền thân của Đại học Quốc Gia Hà Nội, trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ nhưng cũng vô cùng vẻ vang và tự hào.

Từ lâu Việt Nam được biết đến như một dân tộc kiên cường, bất khuất và nổi tiếng trong lịch sử thế giới với những chiến công vô tiền khoáng hậu. Vùng lên thoát khỏi ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, một hiện tượng có một không hai trong lịch sử nhân loại, dân tộc Việt đã vững vàng vươn lên trong kỷ nguyên văn minh Đại Việt và 3 lần đại thắng trước đế chế Mông - Nguyên, đạo quân hùng mạnh và hung hãn nhất thế giới thế kỷ XIII, đã chứng minh sức mạnh toàn diện của nền văn minh đó.

Trong hơn một nghìn năm của kỷ nguyên độc lập, Việt Nam đã lập nên biết bao chiến công hiển hách gắn với những địa danh oai hùng như: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa…

Nhưng sang đến thời cận đại, một thử thách hiểm nghèo đã ập đến với một dân tộc luôn kiêu hãnh vì những chiến tích oai hùng trong quá khứ. Không theo kịp những chuyển biến của thời đại, dưới sự trị vì của chính quyền nhà Nguyễn, từ nửa sau thế kỷ XIX, nước Đại Nam dần lún sâu vào tình trạng lạc hậu, quốc lực suy kiệt, lòng dân li tán. Sau sự kiện kinh đô Huế thất thủ vào năm 1885, mặc dù phong trào Cần vương còn tiếp tục một thời gian ngắn, nhưng chủ quyền đất nước thực chất đã rơi vào tay thực dân Pháp.

 Chàng sinh viên năm thứ Tư Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp, Vũ Minh Giang nhập ngũ ngày 10.1.1972, khi chiến tranh bước vào thời kỳ ác liệt nhất (Ảnh: VNU)

Chàng sinh viên năm thứ Tư Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp, Vũ Minh Giang nhập ngũ ngày 10.1.1972, khi chiến tranh bước vào thời kỳ ác liệt nhất (Ảnh: VNU)

Có thể coi cuộc trường chinh đầy hy sinh gian khổ của dân tộc Việt Nam để giành lại độc lập bắt đầu từ đây. Sự nghiệp ấy phải trải qua một chặng đường dài ròng rã suốt 90 năm trời, đến tận năm 1975 mới trọn vẹn hoàn thành.

Đại thắng mùa Xuân năm Ất Mão là một kỳ tích, là đỉnh cao vinh quang của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Giá trị của chiến thắng là vô song, nhưng cái phải trả cũng không sao kể xiết. Hàng triệu người đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh.

Đất nước bị tàn phá nặng nề và hậu quả nhiều mặt của một cuộc chiến lâu dài, ác liệt đã trở thành gánh nặng không dễ gì vượt qua ngay sau khi tiếng súng vừa dứt. Đó là chưa kể những khó khăn vô hình nhưng hiện hữu là sự li tán, thậm chí chia rẽ trong nội bộ dân tộc khi một nước có hai chế độ và một bộ phận không nhỏ đã từng cộng tác với các đạo quân xâm lược. Việc hòa giải và hòa hợp không thể tiến hành dễ dàng trong ngày một, ngày hai, nhất là trong bối cảnh thế giới bị chia phe, biến động ở hầu hết mọi quốc gia đều bị cuốn vào xung đột quốc tế…

Đại thắng là đỉnh cao của truyền thống kiến cường bất khuất, trở thành thông điệp gửi toàn thế giới, nhất là những nước có âm mưu bá quyền, rằng Việt Nam là quốc gia không thể bị khuất phục. Chiến thắng vinh quang trở thành giá trị góp phần tạo nên vị thế của đất nước hôm nay.

Ý nghĩa lớn lao của chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở một chiến thắng quân sự, cho dù là vĩ đại. Tầm vóc lịch sử của sự kiện này còn được nhân lên gấp bội vì khát vọng thống nhất non sông, một ước nguyện thiêng liêng của cả dân tộc được đã thực hiện.

 Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975. Ảnh tư liệu

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975. Ảnh tư liệu

Nếu như vị trí địa - chiến lược đặc biệt đã khiến cho đất nước luôn phải đối mặt với họa ngoại xâm, các thế hệ nối tiếp nhau phải căng mình lên chống chọi với các đạo quân xâm lược hùng mạnh và tàn bạo thì hình thế đất hẹp trải dài theo chiều Bắc - Nam lại là điều kiện tự nhiên dễ bị khai thác bới những thế lực có ý đồ chia cắt.

Trước khi sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời sau Hiệp định Geneva năm 1954, hai miền Nam Bắc đã từng bị phân ly hàng thế kỷ thời Trịnh - Nguyễn giao tranh. Những tưởng vĩ tuyến 17 sẽ không còn là ranh giới chia cắt và đất nước sẽ liền một dải sau khi tiến hành tổng tuyển cử theo tinh thần Hiệp định Geneva, nhưng điều ấy đã không xảy ra. Tình hình trở nên hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng vì việc chia cắt lâu dài Việt Nam nằm trong toan tính của những cường quốc.

Sau ngày 30.4.1975, cả dân tộc được hưởng trọn niềm vui chiến thắng và thỏa khát vọng thống nhất non sông. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tinh thần thời đại sâu sắc.

Đó còn là ngày hội sum họp của hàng chục triệu gia đình. Đất nước thống nhất không chỉ là một thắng lợi vĩ đại về tinh thần mà còn tạo tiền đề cho những bước phát triển mạnh mẽ tiếp theo. Những gì chúng ta đang có hôm nay đã được tạo dựng trực tiếp từ những ngày cuối tháng Tư lịch sử ấy.

Trong niềm hân hoan kỷ niệm tròn nửa thế kỷ ngày hội lịch sử, Đại học Quốc Gia Hà Nội cũng xiết đỗi tự hào vì đã có những đóng góp đáng trân trọng vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Đây là nơi luôn được Đảng và Nhà nước dành cho sự quan tâm đặc biệt.

Ngay từ khi vừa mới giành được độc lập, chỉ sau lễ ra mắt Chính phủ lâm thời tại quảng trường Ba Đình hơn hai tháng, vào ngày 15.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân chủ tọa lễ khai giảng khóa đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam, trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực vừa được tổ chức lại dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiếp nối truyền thống đó, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, con chim đầu đàn của giáo dục đại học Việt Nam, đã liên tục được các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới thăm động viên, trao những nhiệm vụ quan trọng và tạo những điều kiện thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt phải kể đến những sự kiện nhà trường vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi cùng với Hồ Chủ tịch còn có các vị nguyên thủ quốc gia như Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô Voroshilov (1957), Tổng thống Ấn Độ R. Praxát (1959), Tổng thống Indonesia Sukarno (1959).

 Một buổi xuất quân tham gia cuộc kháng chiến của sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh tư liệu

Một buổi xuất quân tham gia cuộc kháng chiến của sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh tư liệu

Với sứ mệnh đào tạo nhân tài và nghiên cứu khoa học cơ bản, nền tảng cho toàn bộ nền khoa học của đất nước, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội còn được đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ ươm mầm tài năng, mở hệ chuyên đào tạo ra nhiều thế hệ nhà khoa học xuất sắc sau này. Khối chuyên Toán được thành lập năm 1965, giữa lúc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra khốc liệt. Khi đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chủ trương tuyển chọn và đào tạo học sinh xuất sắc, nhà khoa học giỏi nhằm chuẩn bị nhân lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những đóng góp của cán bộ, sinh viên các đơn vị của Đại học Quốc Gia Hà Nội không chỉ dừng lại ở lĩnh vực chuyên môn, học thuật mà còn là chiến tích của những cán bộ, sinh viên xông pha trong lửa đạn nơi chiến trường.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, thầy và trò không chỉ học giỏi mà còn ra mặt trận trực tiếp tham gia chiến đấu. Những năm chống Mỹ cứu nước, chỉ riêng từ giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có 1.333 cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Họ đã dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc và nhiều người đã ngã xuống bên chiến hào như những người Anh hùng.

Cả nước biết tên nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), người con của quê hương Bến Tre quật khởi từng là sinh viên sau đó là cán bộ giảng dạy khoa Lịch sử. Anh đã xung phong về Nam chiến đấu khi vừa tròn 24 tuổi và anh dũng hy sinh khi mới 28. Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và những tác phẩm bất hủ của anh, trong đó có Dáng đứng Việt Nam đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Tên của anh đã được đặt cho các đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình.

Cùng trang lứa với Ca Lê Hiến là Chu Cẩm Phong (Trần Tiến). Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh cũng thuộc diện được giữ lại trường để bồi dưỡng làm cán bộ giảng dạy, nhưng đã quyết tâm xin được về Nam chiến đấu và đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương.

Xúc động trước tấm gương quả cảm của chàng sinh viên xứ Quảng, GS. Hà Minh Đức, người từng là thầy dạy anh đã nói: Thời gian không lặng lẽ trôi mà khắc ghi những tấm gương anh hùng, và Chu Cẩm Phong là một trong những cá nhân anh hùng ấy, một niềm tự hào của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”. Trong những ngày tháng gian khổ và ác liệt, Chu Cẩm Phong vẫn không ngừng sáng tác và để lại cho đời những tác phẩm thơ văn đặc sắc. Sau này được tập hợp lại trong một tập sách dày tới gần một nghìn trang dưới nhan đề Nhật ký chiến tranh. Những tác phẩm của anh đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong số những sinh viên đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước có một tấm gương sáng chói. Đó là liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kim Giao. Chàng trai Hải Phòng là sinh viên khóa 6 (1961 - 1965) khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp anh được điều về công tác tại Cục nghiên cứu Kỹ thuật, thuộc Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng.

Do sớm thể hiện năng lực trội vượt, anh được cử đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Nhưng vào thời điểm đó chiến tranh phá hoại bước vào thời kỳ vô cùng ác liệt. Hàng triệu tấn bom đạn, trong đó có bom và thủy lôi từ trường trút xuống khiến giao thông, vận tải phục vụ chiến trường bị ách tắc, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc kháng chiến.

Trước tình hình đó, Hoàng Kim Giao đã có đề tài nghiên cứu dùng điện trường để phá bom từ trường. Trong điều kiện chiến tranh còn nhiều thiếu thốn, anh đã trực tiếp vào tận tuyến lửa khu 4, nơi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xảy ra ác liệt nhất, cùng một số đồng đội thực nghiệm thành công đề tài của mình ngay tại vùng đất lửa... Áp dụng những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, anh đã trực tiếp hàng trăm lần đối mặt với tử thần và tự mình phá được 72 quả bom nổ chậm, trong đó có 40 quả bom từ trường. Nhưng vào cuối năm 1968, Hoàng Kim Giao đã anh dũng hy sinh ở tuổi 27 khi còn dang dở bao dự định, ước mơ về các công trình nghiên cứu...

Công trình: “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông 1967 - 1972” của Hoàng Kim Giao đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt I (1996).

Cùng ra trận vào những năm tháng ấy còn biết bao những anh, chị vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Nhà trường và bạn bè vẫn nhắc đến tên các anh Nguyễn Trọng Định, Ngô Văn Sở, Phạm Ngọc Tuân, Nguyễn Văn Thạc… Mỗi người mỗi tính cách nhưng tất thảy sinh viên ra trận đều rất giống nhau ở sự lạc quan và tính lãng mạn. Cho đến nay vẫn chưa ai lý giải được vì sao Nguyễn Văn Thạc, trong một bức thư viết cho người yêu từ năm 1971, lại nói rằng sẽ trả lời câu hỏi của bạn gái “Hạnh phúc là gì?” vào ngày 30.4.1975. Thật diệu kỳ!

Các anh là những sinh viên ưu tú của trường đã không có ngày hội ngộ với bạn bè và người thân, nhưng các anh đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Với Tổ quốc, các anh bất tử với tuổi hai mươi. Với nhà trường, tên tuổi các anh còn lưu mãi trong truyền thống vẻ vang của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thân yêu.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hàng núi công việc hiện lên ngoài sức tưởng tượng. Một trong số đó là tiếp quản và tổ chức lại các trường đại học phía Nam. Theo yêu cầu của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã thành lập một đoàn vào tổ chức lớp học cho giáo chức và sinh viên hai Trường Đại học Văn khoa và Trường Đại học Khoa học (sau này tổ chức lại thành Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh).

Sau nhiều đợt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cử 112 cán bộ vào tăng cường cho các đại học phía Nam, trong đó có 12 cán bộ lãnh đạo, 100 cán bộ giảng dạy (31 người trình độ phó tiến sĩ).

Các lứa sinh viên của Trường Đại học Văn khoa và Trường Đại học Khoa học, hai trường lớn của Sài Gòn còn nhớ như in hình ảnh của hai người thầy từ miền Bắc vào làm nhiệm vụ quản lý nhà trường. Cả hai đều đến từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Giữ cương vị phó ban điều hành Trường Đại học Khoa học, sau làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh là PGS.TS Lý Hòa, người con của Đồng bằng sông Cửu Long, từng bị thương trong cuộc kháng chiến chống Pháp sau được đào tạo và trưởng thành trong lĩnh vực Vật lý. Người được giao trọng trách Trưởng ban điều hành Trường Đại học Văn khoa là GS.TS Phan Hữu Dật, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cùng với hai thầy còn nhiều cán bộ khác của nhà trường được điều vào Nam tham gia công tác quản lý như PGS.TS Nguyễn Quốc Lộc làm Phó Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Huế, PGS.TS Nguyễn Gia Phu làm Trưởng ban Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt…

Nửa thế kỷ đã qua đi nhưng mỗi khi kỷ niệm ngày chiến thắng vĩ đại, ngày hội của cả dân tộc, hân hoan nhớ lại dấu mốc non sông quy về một mối, là người Việt Nam ai ai cũng trào dâng trong mình những tình cảm thiêng liêng hòa trộn niềm kiêu hãnh lòng biết ơn sâu sắc những người đã xả thân hy sinh vì nước.

Trong chiến công chung, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã có những đóng góp đáng tự hào. Cả đất nước đang đứng trước một vận hội mới của kỷ nguyên vươn mình, lịch sử hào hùng sẽ là điểm tựa vững chắc để chúng ta bước tới đài vinh quang, thực hiện khát vọng của bao thế hệ và mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt Nam phải vươn lên để sánh vai với các cường quốc năm châu.

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang (Nguồn: ĐHQGHN)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ky-uc-hao-hung-ve-the-he-can-bo-sinh-vien-dai-hoc-tong-hop-ha-noi-xep-but-nghien-len-duong-chien-dau-post411627.html
Zalo