Không thể coi 'xuất khẩu càng nhiều, cảnh báo càng tăng' là bình thường

Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nâng cao giá trị hàng nông sản, không thể coi xuất khẩu càng nhiều, cảnh báo càng tăng là điều bình thường. Cần siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu; cải thiện quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu...

2 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 16 cảnh báo từ EU

Ngày 24.2, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động vật, thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU”.

Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Còn từ đầu năm 2025 đến nay, EU đã gửi 16 cảnh báo đối với các sản phẩm nông sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bao gồm: hạt điều, tôm chế biến, nước giải khát, hạt é khô và thịt ốc bươu.

Xét riêng cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào EU theo các mối nguy từ năm 2023 tới tháng 2.2025, mối nguy bị cảnh báo hàng đầu là dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y) với tỷ lệ cảnh báo trong năm 2023, 2024 và 2 tháng đầu năm nay lần lượt là 38/67 (56,7%); 61/114 (53,5%); 5/16 (31,3%). Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp mắc sơ suất thường thuộc nhóm nhỏ và vừa. Còn đối với các doanh nghiệp lớn, nhất là khối FDI, thì đều có bộ phận kỹ thuật chuyên trách nên nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi của thị trường.

TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương đứng đầu về số lượng bị cảnh báo. Trong năm 2023, 2024 và 2 tháng đầu năm nay, số lượng cảnh báo của EU với nông sản, thực phẩm từ TP. Hồ Chí Minh lần lượt là 34/67 (50,7%); 42/114 (36,8%); 4/16 (25%); Hà Nội là 7/67 (10,4%); 10/114 (8,8%) và 0%.

 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

EU là thị trường có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm rất cao. Các sản phẩm phải đáp ứng các quy định SPS (kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch, phụ gia thực phẩm…) và TBT (rào cản kỹ thuật thương mại), với dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực phẩm thấp. Trong khi đó, các vùng trồng trong nước sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không đúng quy định. Các cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến chưa tuân thủ trong việc kiểm tra nguyên liệu đầu vào. Doanh nghiệp cũng chưa cập nhật quy định mới của EU về danh mục “thực phẩm mới”, nhãn mác sản sản phẩm, sản phẩm tổng hợp... Đặc biệt, cơ quan quản lý địa phương chưa sát sao với vấn đề liên quan đến SPS. Tính đến ngày 20.2, mới có 18/63 (28,5%) tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án SPS.

Trong những quy định của EU, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh vấn đề "thực phẩm mới" - đang khiến doanh nghiệp lúng túng. Trong số 8 cảnh báo về thực phẩm mới của 2 tháng đầu năm nay, có đến 4 cảnh báo liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam (chiếm 50%).

Ông Nam cho biết, “thực phẩm mới” là bất kỳ loại thực phẩm nào không được sử dụng để tiêu thụ cho con người ở mức đáng kể trong EU trước ngày 15.5.1997. Ví dụ, nước ngọt có chứa hạt é, hạt é khô và các sản phẩm nước ngọt hương vị trái cây có chứa hạt é (bị EU cảnh báo) được coi là thực phẩm mới do không được tiêu thụ nhiều trước năm 1997. Ngoài ra EU quy định "thực phẩm mới" là thực phẩm truyền thống đến từ quốc gia ngoài EU. Vì vậy, thịt ốc bươu xuất khẩu từ Việt Nam cũng nhận cảnh báo từ EU với lý do "thực phẩm mới chưa được cấp phép".

Theo quy định của EU, tất cả các loại thực phẩm mới đều cần phải trải qua đánh giá, báo cáo chứng minh tiêu thụ an toàn trong ít nhất 25 năm mới được xuất khẩu vào thị trường này.

Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường

EU kiểm soát chặt quản lý an toàn thực phẩm đầu vào sẽ là thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận Phan Văn Tấn nói. Theo ông, muốn nông sản xuất khẩu bền vững phải thường xuyên cập nhật thông tin thị trường; tăng cường kiểm soát và hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, điều chỉnh.

Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đề xuất tăng cường truyền thông phổ biến để nâng cao nhận thức cộng đồng, thấy rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định trong xuất khẩu. Kiểm soát chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả; quy định chặt chẽ về sinh vật gây bệnh, quy định về phụ gia thực phẩm, thông tin ghi nhãn đúng, đủ cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cơ quan chức năng xây dựng các tài liệu hướng dẫn dễ hiểu, chi tiết về quy trình sản xuất, đóng gói, xuất khẩu.

"Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nâng cao giá trị hàng nông sản, không thể coi xuất khẩu càng nhiều, cảnh báo càng tăng là bình thường", ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh. Trước mắt, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy định an toàn thực phẩm của EU như tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất, thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU. Đồng thời, làm việc với các cơ quan chuyên môn của EU về việc hướng dẫn tuân thủ các quy định mới của EU, làm rõ việc truy xuất một số doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa đầy đủ thông tin.

Các quy định của EU được thay đổi liên tục. Do vậy, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên các quy định mới của EU, liên hệ với Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn cụ thể.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khong-the-coi-xuat-khau-cang-nhieu-canh-bao-cang-tang-la-binh-thuong-post405491.html
Zalo