Không gian nghệ thuật công cộng - bộ mặt chủ đạo của đô thị

Bảo tồn và phát huy các không gian nghệ thuật công cộng (KGNTCC) trên địa bàn Thủ đô đã tạo ra sắc màu mới cho đô thị Hà Nội.

Phố bích họa Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm là điểm “check-in” lý tưởng của người dân Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Phố bích họa Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm là điểm “check-in” lý tưởng của người dân Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Nỗ lực phát huy các giá trị

Từ những vòm cầu nham nhở phủ rêu mốc, phố bích họa Phùng Hưng đã được hình thành, trở thành KGNTCC đem lại bầu sinh khí mới cho khu vực này. Dưới bàn tay sáng tạo của các nhà thiết kế, các bức bích họa về không gian kiến trúc Hà Nội xưa như Bách hóa Tổng hợp, hình ảnh những người phụ nữ gánh hàng hoa, tàu điện, món quà ngày Tết... đã được tái hiện sinh động, làm nổi bật nét xưa Hà Nội và làm thay đổi diện mạo của một khu phố...

Nhiều tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm KGNTCC, mà còn góp phần thổi vào đó sức sống mới, được Hà Nội và người dân ghi nhận. Có thể kể đến: Dự án nghệ thuật công cộng tại Vườn hoa Cửa Nam, Dự án nghệ thuật công cộng ga Long Biên được đi vào triển khai thời gian gần đây tại khu vực lối lên xuống cầu thang phía sau của ga Long Biên, kết nối với Dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng thông qua phố Gầm Cầu, cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Dự án xây dựng trên ý tưởng đề xuất về cụm tác phẩm nghệ thuật công cộng đa dạng như vẽ tranh 3D, sắp đặt điêu khắc, sắp đặt ánh sáng… Bằng cách đối thoại và tương tác với chính câu chuyện của nhà ga lịch sử này, các họa sĩ đã mang đến một diện mạo mới trên một không gian cũ của phố phường Hà Nội.

: Phố bích họa Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm là điểm “check-in” lý tưởng của người dân Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

: Phố bích họa Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm là điểm “check-in” lý tưởng của người dân Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Hay mới đây, khu phố Tống Duy Tân được quy hoạch, cải tạo đồng bộ, với không gian hiện đại, xanh, sạch, đẹp, kết hợp điểm nhấn trong dự án đưa văn hóa nghệ thuật vào KGNTCC này là bức tượng người đàn ông gánh phở và cổng chào lấy cảm hứng từ cổng thành Đại Hưng. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: “Dự án này là gạch nối với hai dự án trước, nhấn mạnh vào giá trị văn hóa Thủ đô cũng như tạo thêm một KGNTCC có sức hút với công chúng”.

Ngoài ra, cùng với một loạt các dự án đã triển khai thành công và đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây như Dự án nghệ thuật công cộng trên Cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân hay Dự án “Chuyện Đình trong Phố”… là điểm nhấn nối dài trải nghiệm của người dân và du khách khi đến với Thủ đô.

Định hình bản sắc đô thị

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, những dự án KGNTCC có chất lượng khi được đặt đúng chỗ sẽ giải quyết được nhiều bài toán về đánh thức tiềm năng giá trị điểm đến cho du khách, nâng cao được khả năng gắn kết cộng đồng, mang lại lợi ích giá trị tinh thần.

Những không gian di sản, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị khi kết hợp tốt với các tác phẩm nghệ thuật sẽ kích hoạt được những cảm thức của chính người dân cũng như du khách tham quan. KGNTCC lúc này như một chất xúc tác kết nối tình cảm, tinh thần cộng đồng cũng như nâng cao khả năng thúc đẩy kinh tế cho địa phương. Nhìn toàn cảnh, nếu một TP hay một khu vực có nhiều tác phẩm và dự án KGNTCC có chất lượng cũng sẽ trở thành một lợi thế thu hút để thúc đẩy phát triển.

Người dân trải nghiệm không gian nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Người dân trải nghiệm không gian nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

TS.KTS Lê Phước Anh (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội) từng ví dụ một cách hình ảnh: “Nếu coi đô thị là một ngôi nhà thì KGNTCC chính là phòng khách của ngôi nhà đó. Bởi thế, nó phải được coi là bộ mặt chủ đạo của đô thị”.

Nhắc lại sự so sánh nói trên để thấy rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của KGNTCC trong việc truyền tải giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, tạo dựng bản sắc đô thị. Và để diện mạo đô thị có được phong cách riêng, quá trình kiến tạo KGNTCC không thể xa rời đặc điểm nơi chốn, không thể bỏ qua sự chung tay tham góp của cơ quan quản lý Nhà nước, các DN, các nhà thiết kế và cả cộng đồng.

Bên cạnh đó, theo họa sĩ Lê Đăng Ninh, hiện tại nhiều KGNTCC ở Hà Nội hình thành nhờ sáng kiến cá nhân, tâm huyết của những nhóm nhỏ. Những nỗ lực cá nhân hoặc một nhóm nhỏ không đủ để tạo thành không gian “ra tấm ra món”, khiến một số không gian sáng tạo ở Hà Nội chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn. Để truyền cảm hứng cho giới sáng tạo, giúp các KGNTCC phát triển, Hà Nội cần có cơ chế tạo nguồn hỗ trợ việc nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình mới. Bên cạnh đó, việc hình thành một quỹ hỗ trợ sáng tạo cũng có thể giúp các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư nước ngoài, các DN chung sức cùng chính quyền Thủ đô phát triển các KGNTCC.

Người dân trải nghiệm không gian nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Người dân trải nghiệm không gian nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Theo các chuyên gia văn hóa, các không gian sáng tạo của Hà Nội độc đáo, khác lạ đó chính là được xây dựng trên nền các công trình di sản văn hóa vốn có của Hà Nội. Đó là cơ sở để hy vọng rằng mô hình KGNTCC tại Hà Nội sẽ có sự khởi sắc trong tương lai. Và chắc chắn mục tiêu sẽ đạt được nếu tất cả cùng có cái nhìn đúng về vai trò, tầm quan trọng của các KGNTCC trong sự phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch và đời sống tinh thần của cộng đồng.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Không gian công cộng đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như “châm cứu, chữa lành” cho sức khỏe tinh thần. Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, một trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một TP sống tốt và nhân văn; trong đó có vai trò không nhỏ của nghệ thuật công cộng”.

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khong-gian-nghe-thuat-cong-cong-bo-mat-chu-dao-cua-do-thi-409727.html
Zalo