Không gây áp lực học thêm cho học sinh

Tại hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và đánh giá việc thực hiện Thông tư 29/2024 diễn ra ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã lưu ý các địa phương về công tác thi, tuyển sinh theo chương trình mới.

Thực hiện đúng nguyên tắc trong tuyển sinh

Năm 2025 là năm đầu tiên triển khai Thông tư 30/2024 về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT (Thông tư 30).

Bộ GD&ĐT thông tin: triển khai Thông tư 30, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 10/CĐ-TTg về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trong văn bản gửi các địa phương, Bộ GD&ĐT yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo ngành giáo dục quán triệt các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bảo đảm chất lượng. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ; xét tuyển học sinh đầu cấp (tiểu học, THCS) và thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, không gây áp lực học thêm cho học sinh.

Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo, đôn đốc địa phương hướng dẫn các nhà trường triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư 30, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tuyển sinh; giải đáp và giải quyết triệt để những vướng mắc của một số địa phương về chế độ tuyển thẳng, về tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên.

Theo thông tin mới cập nhật, đến nay, 100% địa phương, cơ sở giáo dục đại học có trường THCS, trường THPT đã ban hành phương án, kế hoạch tuyển sinh năm học 2025 - 2026. Kết quả cho thấy, có 60 tỉnh/thành phố tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có 58 tỉnh lựa chọn môn thi thứ 3 là tiếng Anh, 2 tỉnh (Hà Giang và Bình Thuận) lựa chọn lịch sử và địa lý. 3 tỉnh tổ chức xét tuyển học sinh vào trường công lập (Cà Mau, Vĩnh Long, Gia Lai). Đa số các Sở GD&ĐT đã xây dựng và công bố đề thi tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 để làm cơ sở, định hướng ôn tập cho học sinh lớp 9.

Về cơ bản, thí sinh thi lớp 10 THPT không chuyên sẽ làm 3 bài thi: toán, ngữ văn, tiếng Anh. Thí sinh đăng ký dự thi vào trường THPT chuyên dự thi 4 môn, gồm 3 môn thi như các thí sinh dự thi vào trường THPT đại trà và 1 môn thi chuyên theo lớp chuyên đăng ký dự thi.

Đối với một số trường chuyên thuộc trường đại học đã phối hợp với các Sở GD&ĐT để xây dựng Kế hoạch tuyển sinh đúng theo quy định của Thông tư số 30 và đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc trong tuyển sinh.

Để bảo đảm phù hợp với thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch tổ chức thi tuyển sinh vào nửa đầu tháng 6/2025.

4 nội dung quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ một vài điểm nhấn trong công tác tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT năm 2025; như: đây là kỳ tuyển sinh đầu tiên thực hiện theo Chương trình GDPT 2018; ít nhiều có ảnh hưởng tác động từ quy định mới về dạy thêm, học thêm; triển khai trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp. Trên cơ sở đó, Bộ đề nghị ngành giáo dục địa phương cần có các nhiệm vụ, giải pháp để chủ động ứng phó.

Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 và lớp 12 thi theo chương trình mới.

Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 và lớp 12 thi theo chương trình mới.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý 4 nội dung quan trọng nhằm triển khai tốt công tác tuyển sinh đầu cấp và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đầu tiên, các đơn vị, nhà trường tuyệt đối không được để ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học và công tác tổ chức thi, tuyển sinh; chỉ đạo công tác dạy-học, quản lý phải thường xuyên, liên tục, không để gián đoạn.

Cùng với đó, các đơn vị không buông lỏng công tác bồi dưỡng, phụ đạo 3 đối tượng học sinh đã được nêu trong Thông tư 29 (học sinh yếu kém, học sinh giỏi, học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn luyện) trên tinh thần tất cả vì học sinh.

Để bảo đảm tổ chức thi, tuyển sinh chất lượng, Bộ GD&ĐT khuyến khích các Sở GD&ĐT tổ chức thi thử nhưng đánh giá thật, chấm đúng kết quả để phục vụ công tác quản lý và giảng dạy; đặc biệt là việc rà soát, bổ sung kiến thức cho học sinh cuối cấp.

Bộ GD&ĐT yêu cầu việc ra đề thi tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT phải phù hợp với chuẩn đầu ra của chương trình, năng lực của học sinh và mục tiêu của các kỳ thi.

"Theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 29, Kết luận 91 và Công điện số 10 của Thủ tướng Chính phủ là công tác tuyển sinh bảo đảm minh bạch, thiết thực, hiệu quả, giảm áp lực, giảm chi phí cho xã hội nhưng học sinh không học thêm tràn lan, giáo viên không dạy thêm tràn lan", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-gay-ap-luc-hoc-them-cho-hoc-sinh.html
Zalo