Trang bị kiến thức để khảo sát chính thức PISA chu kỳ 2025
Từ ngày 31-3 đến 2-4, tại Thái Nguyên, Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo tập huấn kỹ thuật khảo sát chính thức PISA và thực hiện giám sát tại địa phương.

Các cán bộ, giáo viên được quán triệt nhiều nội dung tại Hội thảo.
Tham dự có lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); lãnh đạo các sở GD&ĐT và 350 thầy, cô giáo thuộc hội đồng khảo sát cấp tỉnh, đến từ 72 cơ sở giáo dục thuộc 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
PISA - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng - là một trong những chương trình đánh giá quy mô lớn, có uy tín hàng đầu thế giới hiện nay. Chương trình giúp đo lường năng lực của học sinh 15 tuổi trong 3 lĩnh vực cốt lõi (gồm: Đọc hiểu, Toán học và Khoa học); đồng thời cung cấp những phân tích sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, từ đó hỗ trợ hoạch định chính sách và cải thiện chất lượng giáo dục.

Các cán bộ, giáo viên dự Hội thảo.
Việt Nam chính thức tham gia PISA từ chu kỳ 2012 và đã liên tục ghi dấu ấn với những kết quả đáng khích lệ. Chu kỳ 2025 được triển khai tại 195 cơ sở giáo dục phổ thông có từ 3 học sinh trở lên thuộc độ tuổi 15, ở 60 tỉnh, thành phố trong cả nước; thời gian thực hiện từ ngày 15 đến 29/4/2025. Trong đó, Thái Nguyên có 4 trường, gồm: THPT Chu Văn An, THPT Ngô Quyền, THPT Trại Cau và Trường THCS Tân Linh (Đại Từ). Đây là chu kỳ mang ý nghĩa đặc biệt, bởi trụ cột đánh giá của chu kỳ này là lĩnh vực khoa học và là lần đầu tiên Việt Nam triển khai khảo sát PISA trên máy tính. Từ đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cũng như năng lực tổ chức, vận hành và giám sát.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự được phổ biến, quán triệt những nội dung: Tổng quan về Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA); nhiệm vụ và các hoạt động chính của hội đồng khảo sát cấp tỉnh, tổ khảo sát cấp trường và giám sát; tập huấn kỹ thuật trả lời bảng hỏi nhà trường, bảng hỏi học sinh; nhiệm vụ của điều phối viên cấp trường và khảo sát viên; hướng dẫn sử dụng nền tảng đánh giá học sinh và nền tảng trả lời bảng hòi nhà trường; thực hành đóng vai, mô phỏng quá trình tổ chức triển khai khảo sát tại trường...

Các đại biểu và cán bộ, giáo viên dự Hội thảo.
Với những nội dung, quy trình thực hiện nắm bắt được tại Hội thảo, các thầy, cô giáo sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả để tổ chức, triển khai hoàn thành tốt kỳ khảo sát chính thức PISA chu kỳ 2025. Từ đó góp phần nâng cao uy tín của hệ thống giáo dục Việt Nam và tạo nền tảng cho những chính sách đổi mới giáo dục trong thời gian tới.
Tiếp đó, chương trình tập huấn sẽ được tổ chức tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên (từ ngày 4 đến 6-4 tại Đà Nẵng) và khu vực phía Nam (từ ngày 9 đến 11-4 tại TP. Hồ Chí Minh).