'Du mục' kỹ thuật số - Xu hướng làm việc không văn phòng
Trong thời đại số hóa và kết nối toàn cầu, mô hình làm việc truyền thống đã dần nhường chỗ cho những xu hướng linh hoạt hơn. Thay vì phải gò bó trong văn phòng như trước, hiện nay, mọi người có thể làm việc ở bất cứ đâu, từ quán cà phê, không gian làm việc chung hay thậm chí là vừa đi du lịch vừa làm việc.
Du mục kỹ thuật số
Du mục kỹ thuật số (Digital Nomad) là phong cách làm việc mà các cá nhân có thể tự do lựa chọn địa điểm làm việc, miễn là có laptop và wifi.

Ảnh minh họa: Forbes
Điểm khác biệt của du mục kỹ thuật số so với những người làm việc từ xa thông thường là họ thường xuyên di chuyển, làm việc từ nhiều địa điểm khác nhau thay vì chỉ ở nhà hoặc ở một nơi cố định.
Ví dụ, một lập trình viên có thể làm việc ở Bali vào mùa hè, sau đó chuyển đến một thành phố ở châu Âu vào mùa đông hoặc một blogger du lịch có thể viết bài từ những quán cà phê ở Bangkok, rồi tiếp tục hành trình đến Nhật Bản mà không bị gián đoạn công việc của mình.
Từ ý tưởng đến hiện thực: Du mục kỹ thuật số bắt đầu từ khi nào?
Xu hướng này bắt đầu từ những năm 2000, khi Internet đang dần trở nên phổ biến và nhiều công việc có thể thực hiện trên các nền tảng trực tuyến. Ban đầu, chỉ một số ít những người làm việc tự do trong các lĩnh vực như công nghệ, thiết kế và viết lách theo đuổi phong cách này. Tuy nhiên sau đó, với sự phát triển của các công cụ, phần mềm hỗ trợ làm việc từ xa (Zoom, Slack, Trello,..) cộng với sự thay đổi trong tư duy làm việc. Đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, du mục kỹ thuật số đã trở thành sự lựa chọn của rất nhiều người.
Theo số liệu từ báo cáo "State of Digital Nomads 2023", khoảng 35 triệu người trên thế giới hiện đang theo đuổi lối sống này. Trong đó, Mỹ, Anh và Đức là những quốc gia có số lượng du mục kỹ thuật số nhiều nhất.
Bên cạnh đó, ở một vài quốc gia cũng đã bắt đầu cung cấp thị thực “đặc biệt” dành riêng cho những người làm việc từ xa, điển hình là một vài quốc gia Châu Âu như Hungary hay Hy Lạp.
Theo số liệu từ Nomads Embassy - tính đến tháng 10 năm 2021, Hy Lạp đã cấp 1.693 thị thực cho những người du mục kỹ thuật số trong tổng số 2.918 đơn xin (đạt tỷ lệ phê duyệt 58%), thị thực này cho phép các cá nhân lưu trú một năm hoặc có thể xin giấy phép cư trú hai năm.
Còn ở Hungary, tính đến đầu năm 2023, Chính phủ Hungary đã phê duyệt đến 609 đơn xin thị thực cho những người du mục kỹ thuật số, dạng thị thực này còn được gọi là "White Card" (cho phép lưu trú một năm và có thể gia hạn thêm một năm nữa).
Còn ở Việt Nam, các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã nằm trong top 10 những địa điểm làm việc từ xa phát triển nhanh nhất trong năm 2023.
Có thể thấy, tại Việt Nam, du mục kỹ thuật số đang trở thành một phong cách sống phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ và những người làm việc tự do. Nhờ chi phí sinh hoạt hợp lý, không gian làm việc linh hoạt và môi trường sống chất lượng, ngày càng thu hút được nhiều người du mục kỹ thuật số, không chỉ những người nước ngoài, mà ngay cả người Việt Nam cũng đang tận dụng cơ hội để kết hợp công việc vào trải nghiệm.
Điều này không chỉ thay đổi phong cách làm việc mà còn góp phần tạo ra một cộng đồng những người lao động sáng tạo, giúp kết nối và hỗ trợ lẫn nhau trong hành trình phát triển của mỗi cá nhân.
Ai cũng có thể trở thành “du mục” kỹ thuật số
Từ góc nhìn thực tế và trải nghiệm của người trong cuộc, để hiểu rõ hơn về lối sống này, chúng tôi đã phỏng vấn một người làm việc cố định tại văn phòng và hai người đang làm du mục kỹ thuật số tại các nơi khác nhau.
Chị Phạm Hồng V. (27 tuổi, kế toán ngân hàng tại Hà Nội) cho rằng: "Cá nhân mình thích sự ổn định khi làm việc tại văn phòng. Mình có đồng nghiệp cùng làm việc mỗi ngày, môi trường làm việc ổn định, văn hóa công sở tốt đẹp và không phải lo lắng về chỗ ở, đường truyền Internet hay phải quản lý công việc một cách độc lập. Mình cũng thấy rằng với một số ngành nghề, làm việc từ xa không phải lúc nào cũng hiệu quả, đặc biệt trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều bộ phận."
Mặt khác, với những “du mục” thực thụ, anh Trần Hoàng N. (32 tuổi, Chuyên gia tiếp thị kỹ thuật số, du mục tại Thái Lan) chia sẻ: "Việc trở thành một du mục kỹ thuật số đã giúp anh có thể cân bằng giữa công việc và sở thích của mình. Anh cũng từng làm nhân viên văn phòng khi còn ở Việt Nam, nhưng anh thấy gò bó khi phải có mặt tại văn phòng 8 tiếng mỗi ngày. Còn hiện tại, anh có thể vừa làm việc, vừa được đi du lịch, khám phá các địa điểm mới mà vẫn đảm bảo được hiệu suất công việc của mình. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với anh khi trở thành một du mục vẫn là việc phải đảm bảo được kết nối Internet ổn định và tìm được chỗ ở phù hợp, mỗi khi di chuyển đến nơi nào đó mới."
Chị Nguyễn Minh A. (29 tuổi, Lập trình viên, du mục kỹ thuật số tại Bali) bày tỏ: “Công việc từ xa của tôi bắt đầu từ 2021, từ đó đến nay tôi đã tham quan và làm việc được ở tận 6 quốc gia khác nhau. Đối với tôi, điều tuyệt vời nhất của việc trở thành một du mục kỹ thuật số là có thể biến đổi linh hoạt cách làm việc của mình. Tôi có thể dành cả một buổi sáng làm việc tại quán cà phê gần biển, rồi buổi chiều chỉ đi lướt sóng. Dù đôi khi cũng cảm thấy cô đơn nhưng chỉ cần nghĩ đến chuyện được đi khám phá khắp nơi, tôi lại phấn chấn trở lại, mọi chuyện đều có cách giải quyết”.
Thực chất, không phải ai cũng phù hợp với lối sống này. Cụ thể như những cá nhân có xu hướng thích sự ổn định, không thích thay đổi, hay có công việc mang tính chuyên môn, đòi hỏi sự có mặt trực tiếp như bác sĩ, kỹ sư xây dựng, nhân viên tư vấn trực tiếp, nhân viên bán hàng tại cửa hàng hoặc những người làm trong các lĩnh vực như giáo dục, quản lý, sản xuất, ngân hàng,…

Ảnh minh họa: mbopartners
Theo một nghiên cứu của Nomad List, cho thấy khoảng 70% du mục kỹ thuật số đang làm trong lĩnh vực công nghệ, trong khi 25% làm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong đó, bao gồm cả những người làm việc tự do (freelancer) trong các lĩnh vực: Thiết kế đồ họa, lập trình viên, nhà văn, dịch giả, nhiếp ảnh gia. Hay cả những doanh nhân trực tuyến như chủ doanh nghiệp thương mại điện tử, người sáng tạo nội dung, huấn luyện viên trực tuyến,… Điểm chung ở những người này là thích sự tự do, thích đi du lịch, đam mê khám phá, có khả năng sắp xếp và quản lý công việc và không muốn bị gò bó ở môi trường công sở, có khả năng thích nghi tốt ở môi trường mới, cùng tinh thần tự giác cao.
Làm việc không ràng buộc: Tự do hay thách thức?
Cùng với sự tự do, trở thành “du mục” kỹ thuật số cũng đặt ra những vấn đề không nhỏ. Ở những mặt tích cực, khi trở thành một du mục, chúng ta có thể tự do lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với bản thân, biến đổi linh hoạt từ phong cách làm việc đến lịch trình làm việc. Có cơ hội được trải nghiệm với những nền văn hóa mới, mở rộng tầm nhìn và tích lũy thêm được những kinh nghiệm phong phú khi sống ở những nơi khác. Một số người cũng lựa chọn các địa điểm có mức chi phí sinh hoạt thấp hơn so với nơi họ sinh sống.
Bên cạnh những mặt tích cực, cũng song hành những thách thức và nguy cơ tiềm ẩn. Trước hết, là sự bấp bênh về tài chính, thu nhập ổn định là việc khó có thể thực hiện đối với những người làm việc tự do. Công việc từ xa phù hợp hoặc mức lương hấp dẫn không phải lúc nào cũng có sẵn hay những chi phí sinh hoạt khi sinh sống tại một nơi mới không phải lúc nào cũng đi đúng với kế hoạch chi tiêu của bản thân. Mặt khác, sự cô đơn và thiếu kết nối cũng có thể xảy ra khi không có đồng nghiệp hay cảm giác bị cô lập, lạc lõng khi ở môi trường mới.
Song song với những thách thức, du mục kỹ thuật số vẫn mở ra nhiều cơ hội mới cho những ai dám bước ra khỏi vùng an toàn. Những vấn đề về sự cô đơn, thiếu ổn định tài chính hay khó khăn trong việc quản lý công việc từ xa đều là những rào cản có thể vượt qua nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt và tư duy linh hoạt. Quan trọng nhất, việc trở thành một người làm việc kiểu du mục kỹ thuật số không chỉ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn mà còn cần rất nhiều sự can đảm trong việc thay đổi lối sống của chính mình. Nếu bạn khao khát tự do, sẵn sàng đối mặt với thách thức và biết biến khó khăn thành cơ hội, trở thành một người du mục có thể là chìa khóa giúp bạn khám phá thế giới theo cách riêng của mình.