Nhiều địa phương Sở GD&ĐT không ra đề kiểm tra cuối học kỳ như các năm trước
Thực ra, sở hay trường ra đề kiểm tra cuối học kỳ đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định nhưng nếu tính đường dài, đề của sở vẫn có nhiều cái lợi hơn.
Nếu như những năm học trước đây, khi học chương trình 2006 thì đa phần các sở giáo dục và đào tạo sẽ đảm nhận ra đề kiểm tra cuối học kỳ I, cuối kỳ II cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đối với những môn sẽ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 và lớp 12 học chương trình 2018 nhưng một số địa phương đã thông báo sẽ không đảm nhận việc ra đề kiểm tra cuối học kỳ mà giao quyền tự chủ cho các nhà trường.
Việc sở giáo dục và đào tạo không ra đề kiểm tra cuối học kỳ cho học sinh lớp 9 và lớp 12 cũng có nhiều thuận lợi, giảm bớt áp lực cho thầy và trò ở các nhà trường nhưng cũng khiến nhiều thầy cô và học sinh tiếc nuối, nhất là đối với lớp 9- các em sẽ thi tuyển sinh 10 vào cuối năm học và đề thi do sở giáo dục và đào tạo ra đề.
Trường ra đề chỉ đáp ứng được cái lợi trước mắt
Thực tế cho thấy, nếu sở giáo dục và đào tạo đảm nhận việc ra đề cho học sinh cuối cấp đối với những môn nằm trong kế hoạch thi tuyển sinh 10 và những môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có những ưu điểm và thuận lợi cho học sinh khi bước vào kỳ thi chuyển cấp.
Nếu sở giáo dục ra đề kiểm tra cuối học kỳ, chắc chắn một điều là điểm kiểm tra của học sinh sẽ thấp hơn đề của trường bởi yếu tố bất ngờ sẽ nhiều hơn và cũng không biết sở ra vào kiến thức nào để đầu tư trọng tâm, bắt buộc giáo viên và học sinh ở các nhà trường phải dạy và ôn kiến thức rộng.
Điều này dù thầy và trò có vất vả hơn nhưng đến khi bước vào kỳ thi cuối cấp thì học sinh sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì tâm lí của học sinh cũng sợ đề sở nên sẽ tập trung học tập nhiều hơn.
Từ đó, giúp cho các em hình thành và tự trang bị cho mình những kiến thức bề rộng. Cuối năm, khi bước vào kỳ thi chuyển cấp, thi cuối cấp sẽ không gặp nhiều vất vả.
Ngược lại, nếu giao quyền tự chủ ra đề kiểm tra cuối kỳ cho các nhà trường thì yếu tố bất ngờ sẽ rất ít. Bởi, giáo viên trong các tổ chuyên môn sẽ giới hạn nội dung ra đề, ôn tập để hướng đến kết quả “đẹp” và giảm áp lực cho học sinh.
Vì thế, giới hạn ôn tập được gửi đến cho học sinh thường khá nhẹ nhàng và giới hạn cụ thể phần nào, bài nào cũng được thống nhất rất cụ thể. Hơn nữa, phần nhiều đề kiểm tra sẽ được giáo viên ôn tập kĩ, thậm chí có giáo viên ôn trực tiếp trên đề. Ngày kiểm tra, học sinh chỉ cần thay đổi số liệu, hoặc “tái hiện” lại nội dung ôn tập của thầy cô trước đó.
Đó là chưa kể đến việc giáo viên trong các tổ chuyên môn được phân công ra đề kiểm tra lại đang dạy thêm tại nhà. Dĩ nhiên, họ sẽ có “trách nhiệm” về điểm số của học trò nên không ít đề kiểm tra đã được giáo viên “gà bài” trước.
Thực ra, sở hay trường ra đề kiểm tra cuối học kỳ đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định nhưng nếu tính đường dài, đề của sở vẫn có nhiều cái lợi hơn đề của trường vì tính khách quan được đặt lên hàng đầu và học sinh được tập dượt trước một vài lần như thế sẽ tự tin hơn khi bước vào những kỳ thi quan trọng.
Vì sao một số sở giáo dục và đào tạo không tiếp tục ra đề kiểm tra cuối kì cho học sinh lớp 9 và lớp 12?
Khác với chương trình 2006, khi học sinh cả nước dùng chung 1 bộ sách giáo khoa và sách giáo khoa được xem là pháp lệnh nên khi ra đề kiểm tra, đề thi, người ra đề phải bám vào nội dung sách giáo khoa.
Hơn nữa, phương pháp giảng dạy của chương trình chủ yếu là truyền thụ kiến thức cho học trò nên học sinh tập trung ôn tập những kiến thức trong sách giáo khoa là chủ yếu, chỉ có một tỉ lệ nhỏ kiến thức nâng cao là ngoài sách giáo khoa mà thôi.
Nhưng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chương trình mới là “pháp lệnh”, sách giáo khoa chỉ là học liệu mà hiện nay đa phần các môn học có đến 3 bộ sách giáo khoa khác nhau. Thậm chí, môn tiếng Anh có tới 9 bộ sách giáo khoa khác nhau.
Theo đó, triết lí, cách sắp xếp kiến thức trong từng bộ sách giáo khoa của các tác giả biên soạn cũng khác nhau.
Trong khi, dạy và học sách giáo khoa nào là quyền lựa chọn của các nhà trường nên các trường học trong tỉnh (thành phố) có thể dạy một trong các sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt. Dẫn đến việc nếu sở giáo dục và đào tạo ra đề, đặc biệt là đề kiểm tra cuối học kỳ I sẽ bất cập.
Vì thế, sở giáo dục và đào tạo một số địa phương không đảm nhận việc ra đề kiểm tra cuối học kỳ cũng là điều dễ hiểu. Ra một đề kiểm tra chung cho học sinh cả tỉnh tất nhiên phải nghiên cứu kĩ chương trình môn học và phải đọc qua các cuốn sách giáo khoa khác để né ngữ liệu khi ra đề không hề là việc làm đơn giản.
Hơn nữa, cấp trung học cơ sở có một số môn học tích hợp vẫn đang là khó khăn chung của các địa phương. Chuyên viên sở giáo dục phần nhiều phần là một chuyên viên chịu trách nhiệm 1 môn học đơn môn, phụ trách chung cho 2 cấp học.
Chẳng hạn, chuyên viên môn Vật lí ở phòng Trung học (sở giáo dục) sẽ phụ trách môn học này ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nhưng ở cấp trung học cơ sở không có môn Vật lí mà có môn Khoa học tự nhiên. Vật lí chỉ là 1 trong 3 phân môn của môn Khoa học tự nhiên.
Việc ra 1 cái đề chung cho môn Khoa học tự nhiên lớp 9 thực ra cũng là một chuyện nan giải, phải là sự hợp tác của nhiều chuyên viên hoặc giáo viên được điều động dưới cơ sở.
Chính vì thế, một số sở giáo dục và đào tạo chủ trương không ra đề kiểm tra cuối học kỳ cho các nhà trường trên địa bàn như trước đây cũng là lẽ thường tình.
Ra một đề kiểm tra, không chỉ khó khăn khi mỗi môn học có ít nhất 3 bộ sách giáo khoa mà việc ra đề theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực vẫn đang là vấn đề thách thức với nhiều nhà giáo.
Một đề chung cho cả tỉnh có lẽ ở thời điểm này khó khả thi nên việc giao quyền “tự chủ” cho nhà trường tự ra đề kiểm tra cuối học kỳ hiện vẫn là phương án tối ưu nhất.