Kỳ II: Đồng bộ các giải pháp

Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho mọi người nói chung, lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh nói riêng cần sự vào cuộc, chung tay của toàn xã hội, nhất là gia đình, nhà trường và cộng đồng. Đặc biệt, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, thanh, thiếu niên có ý nghĩa quan trọng đi đôi với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm.

Bảo đảm an toàn giao thông lứa tuổi thanh, thiếu niên

Học sinh Trường THPT Hiền Đa, huyện Cẩm Khê thi tìm hiểu pháp luật về TTATGT.

Xây dựng văn hóa giao thông

Chúng ta biết rằng, xây dựng văn hóa giao thông đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, vì để thay đổi nhận thức, ý thức không đơn giản ngày một, ngày hai mà cần cả một quá trình, trong đó gia đình chính là “cái nôi” đầu tiên góp phần xây dựng con người có văn hóa khi tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, gia đình có an hòa, hạnh phúc thì xã hội mới phát triển bền vững, gia đình có thực hiện tốt TTATGT thì mới góp phần cùng xã hội ngăn ngừa, giảm thiểu được tai nạn giao thông, ngược lại, nếu không thực hiện tốt giáo dục từ gia đình, khó có thể hình thành văn hóa giao thông. Vì vậy, ông bà, cha mẹ phải thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, nhắc nhở các thành viên trong gia đình có ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, đặc biệt người lớn phải gương mẫu, phải có ý thức tham gia giao thông an toàn để con em noi theo, tuyệt đối không giao xe cho con khi chưa đủ tuổi hoặc không đủ các điều kiện tham gia giao thông...

Đồng chí Ngô Văn Tân - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Chủ đề năm ATGT 2024 là “Thượng tôn pháp luật gắn với xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Việc giáo dục con cái tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT không chỉ để hướng các con trở thành những công dân tốt mà hơn hết còn là để đảm bảo an toàn cho trẻ. Để mỗi người là “hạt nhân tích cực”, chia sẻ, lan tỏa các thông điệp về ATGT ngay trong gia đình, các bậc phụ huynh cần làm gương từ những hành động nhỏ nhất như: Đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; bảo đảm đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, tập trung chú ý quan sát khi lái xe; nêu cao ý thức nhường đường, chuyển hướng (rẽ trái, rẽ phải) đúng quy định; rèn luyện tính kiên nhẫn, chờ đợi khi gặp đèn tín hiệu giao thông hay tắc đường; phải biết giúp đỡ người bị tai nạn giao thông...

Học sinh Trường Mầm Non Trưng Vương, TP Việt Trì thực hành tham gia giao thông an toàn.

Không chỉ riêng gia đình, xây dựng văn hóa giao thông phải được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, trong đó nhà trường chiếm vị trí quan trọng để xây dựng nên những công dân gương mẫu, hướng tới một môi trường giao thông an toàn. Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT Đất Tổ đã phát động phong trào thi đua trong các nhà trường về bảo đảm TTATGT với 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia hưởng ứng. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh tự giác chấp hành các quy định về TTATGT. Những mô hình, hoạt động sáng tạo được các cơ sở giáo dục áp dụng, triển khai có hiệu quả như: Mô hình “Cổng trường ATGT”, trường học “An toàn - Thân thiện - Bình đẳng”, trường học với ATGT, trường học nói không với vi phạm TTATGT...

Đồng bộ các giải pháp

Thầy giáo Nguyễn Anh Tuân - Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa cho biết: Đối với học sinh, cần nhất là trang bị cho các em kiến thức về ATGT, giáo dục ý thức tự giác chấp hành những quy định về ATGT. Để những kiến thức đó thực sự có ý nghĩa và tác dụng thực tế, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ là rất quan trọng và cần thiết.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đã yêu cầu học sinh khi đi xe đến trường phải đăng ký phương tiện, chủng loại để phối hợp Công an và các lực lượng chức năng kiểm tra, quản lý; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân giữ xe khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh. Các đơn vị, trường học khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông báo về học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đúng quy định hoặc vi phạm pháp luật về giao thông phải có trách nhiệm mời cha mẹ học sinh đến làm việc, thông báo rõ vi phạm và yêu cầu phối hợp quản lý, giáo dục con em cam kết không tái phạm. Đây được coi như những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm ATGT.

Nhân viên Công ty TNHH Bình Minh hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Hà Thạch, thị xã Phú Thọ kiến thức tham gia giao thông an toàn.

Nhân viên Công ty TNHH Bình Minh hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Hà Thạch, thị xã Phú Thọ kiến thức tham gia giao thông an toàn.

Theo Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, hàng năm, ngành đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật nói chung, pháp luật về ATGT nói riêng; chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép tích hợp giảng dạy về TTATGT vào các môn học. Trong năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải có trách nhiệm nắm chắc học sinh của mình hàng ngày đi học dùng phương tiện gì, có vi phạm hay không, phối hợp cùng gia đình tránh tình trạng giao xe cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, hàng tuần, hàng tháng phải nhắn thông tin về cho cha mẹ học sinh kết quả học tập cùng với nội dung ý thức rèn luyện ở lớp và ý thức thực hiện ATGT. Đặc biệt, những thông tin của Cảnh sát giao thông (CSGT) gửi cho ngành GD&ĐT về những học sinh vi phạm sẽ làm căn cứ đánh giá xếp loại các đơn vị giáo dục cũng như hạnh kiểm của học sinh.

Để tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm hạn chế xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh và thanh, thiếu niên, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phối hợp với ngành Giáo dục, chính quyền địa phương, các nhà trường triển khai kế hoạch hành động “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” nhằm bảo đảm TTATGT trong lứa tuổi học sinh, thanh, thiếu niên, ngăn ngừa từ sớm, từ xa các vi phạm liên quan đến ATGT.

Nhấn mạnh về vai trò của truyền thông nhằm thay đổi nhận thức khi tham gia giao thông, ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, phương tiện, Thượng tá Phan Quốc Việt - Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh khẳng định: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT cho các học sinh được lực lượng CSGT phối hợp với các cơ sở giáo dục thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt là vào đầu năm học mới thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, sinh hoạt ngoại khóa, biểu diễn tiểu phẩm truyền tải thông điệp về ATGT, phối hợp hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn...

Có thể thấy, cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm để răn đe, ngăn chặn, việc đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức trong lứa tuổi học sinh, thanh, thiếu niên và các bậc phụ huynh cũng như nhà trường vẫn là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa những vi phạm về trật tự ATGT, đem lại bình yên cho mỗi gia đình và toàn xã hội. Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan liên quan trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT; thực hiện công tác quản lý, duy tu, bảo trì thường xuyên các tuyến đường, ưu tiên triển khai sớm đối với các tuyến đường trọng điểm, các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông... là việc làm cần thiết.

Huy Thắng - Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-ii-dong-bo-cac-giai-phap-224440.htm
Zalo