Không đổi mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Thúc đẩy đầu tư công, duy trì đà tăng trưởng khu vực dịch vụ và du lịch là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 trên 8%

Ngày 6-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản nêu tại Hội nghị Trung ương 10 (6,2%-6,6%) - mức tăng trưởng quý I cao nhất từ năm 2020.

"Kết quả tích cực này giúp Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực" - ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh. Theo ông, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Kim ngạch xuất nhập khẩu quý I đạt hơn 202 tỉ USD, xuất siêu ước đạt 3,16 tỉ USD. Tổng vốn FDI đăng ký gần 11 tỉ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết trong quý I/2025, kinh tế Hà Nội tăng trưởng 7,35%, vượt kịch bản đề ra (7,21%) và đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Nhấn mạnh TP HCM tăng trưởng 7,51% trong quý I là khởi đầu tốt trong bối cảnh còn nhiều thách thức, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP HCM, nêu rõ để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm nay, thành phố đề ra một số giải pháp như: hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các chương trình kích cầu và hỗ trợ lãi vay; thúc đẩy tiêu dùng nội địa; phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc. Đối với phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Được kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh đàm phán với các nước về miễn visa, tạo thuận lợi tối đa cho khách du lịch đến với Việt Nam, đến với TP HCM.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá bên cạnh kết quả đạt được, dự báo nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, các động lực tăng trưởng có nguy cơ suy giảm, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 gặp thách thức nặng nề hơn. Nếu bị Mỹ áp mức thuế đối ứng 46% trên diện rộng, xuất khẩu sang nước này sẽ bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, tiêu dùng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp ngày 6-4. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp ngày 6-4. Ảnh: NHẬT BẮC

Cơ hội để cơ cấu lại thị trường

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tổng quát không thay đổi về ổn định và phát triển. Theo đó, ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư Tô Lâm, Quốc hội, Chính phủ... Đặc biệt, không thay đổi mục tiêu năm 2025 tăng trưởng 8% trở lên.

Về ứng phó với các chính sách của các nước, nhất là thuế đối ứng của Mỹ vừa công bố, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nắm chắc tình hình để xử lý.

Thủ tướng yêu cầu đề ra kế hoạch, giải pháp cả trước mắt và lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại, có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có trọng điểm và diện rộng; thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư. "Phải coi đây là cơ hội để phấn đấu, vươn mình, vượt lên, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu" - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thúc đẩy đồng bộ các động lực tăng trưởng

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy, nhưng không phải động lực duy nhất. Mỹ dù là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là thị trường duy nhất của Việt Nam. Chúng ta rất tôn trọng, giải quyết các vấn đề quan tâm của Mỹ và tiến hành đàm phán với nước này theo thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.

Chủ trương đàm phán được Thủ tướng quán triệt là đặt quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ trong tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và các hiệp ước quốc tế khác, trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ với các đối tác.

Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng các cơ quan rà soát, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch đàm phán cụ thể với Mỹ. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan được giao tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Mỹ nói riêng; chủ động làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp lớn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Thủ tướng nhấn mạnh là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. Thủ tướng nêu mục tiêu 100% thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

Về đầu tư, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì tăng cường kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, kịp thời điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ. Về xuất khẩu, Bộ Công Thương chủ trì để đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao đề xuất mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc với dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP HCM, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2025.

Cập nhật kịch bản tăng trưởng

Trên cơ sở kết quả quý I, theo Bộ Tài chính, để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên thì 9 tháng cuối năm 2025 cần tăng khoảng 8,3%; tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt 8,3% và 8,4%. Bộ Tài chính nêu rõ đầu tư công còn nhiều dư địa để thúc đẩy, với tổng số vốn được Quốc hội giao thực hiện năm 2025 là gần 826.000 tỉ đồng. Khu vực dịch vụ, du lịch duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý I, còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy.

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-doi-muc-tieu-tang-truong-tren-8-196250406215949887.htm
Zalo