Không để tình trạng lãng phí lao động
Tình trạng người lao động mất việc làm đang là vấn đề đáng lo ngại. Nhất là khi 'tuổi hưu chưa chạm mà đã chạm mốc tuổi nghề'. Đây là vấn đề không chỉ gây lãng phí lao động mà còn ảnh hưởng lớn tới an sinh xã hội.
Chưa đến tuổi hưu đã chạm mốc tuổi nghề
Từ tháng 12 năm 2023 và ngay trong tháng 1 của năm 2024, cử tri và nhân dân đã có những lo ngại, phản ánh tâm tư tới Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, cử tri và nhân dân bày tỏ lo ngại: “Việc nhiều lao động mất việc làm, nhất là lao động trong các ngành gỗ, dệt may, da giày, linh kiện và sản phẩm điện tử do doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng trong khi chi phí sinh hoạt tăng ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động; tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của người dân tiếp tục gặp khó khăn, sức mua trước, trong và sau Tết giảm so với các năm trước”. Vấn đề đó đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 30 diễn ra tuần qua.
Đặc biệt mới đây, ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cũng đã có phiếu chất vấn đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nghiên cứu đưa ra giải pháp căn cơ để giải quyết thực trạng đang diễn ra trong thị trường lao động là chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng đã chạm mốc tuổi nghề. Cụ thể lao động như: may mặc, giày da… chỉ ngoài 40 tuổi thì nhiều nhà máy, xí nghiệp tìm cách sa thải hoặc không tiếp nhận, dẫn đến nhiều lao động đối mặt với quãng thời gian dài chờ nghỉ hưu mà rất khó tìm được một việc làm khác ổn định.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã có văn bản số 2040/LĐTBXH-VP trả lời. Trong đó, Bộ LĐTBXH đồng thuận với nhận định của đại biểu Nguyễn Tạo về thực trạng khoảng cách giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu ở một số ngành, nghề, nhất là những ngành nghề đặc thù có tuổi nghề rất thấp như: vận động viên thể thao, diễn viên, nghệ sĩ hay một số nghề, công việc thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Để khắc phục tình trạng trên, theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH: Đối với các ngành, nghề có tuổi nghề thấp, ngoài chính sách ưu đãi về tuổi nghỉ hưu, điều quan trọng hơn cả là các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp để tiếp tục sử dụng và phát huy những kinh nghiệm, sức lao động của người lao động.
Bên cạnh đó, tư lệnh ngành LĐTBXH cho biết, đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai các chương trình đào tạo nghề nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề cho người lao động. Đây được coi là giải pháp căn cơ, giải quyết gốc rễ vấn đề, giúp người lao động không bị sa thải, cho ngừng việc khi còn trẻ.
Tận dụng chất lượng nguồn nhân lực
Để giải quyết tình trạng “tuổi hưu chưa đến nhưng tuổi nghề chạm mốc”, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng, về mặt nguyên tắc tuổi nghề không phải là tuổi quyết định nghỉ hưu. Khi chạm mốc tuổi nghề nhưng chưa đạt tuổi nghỉ hưu (sắp tới là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ) thì phải chuyển sang làm việc khác chứ không phải cho nghỉ. Việc cho nghỉ sớm dẫn đến tình trạng lương hưu thấp và lãng phí lao động.
Theo ông Lợi, về phía cơ quan nhà nước, hay các doanh nghiệp phải đào tạo, bố trí để người lao động làm việc phù hợp với năng lực của họ cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để tận dụng được chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Như Nhật Bản, Hàn Quốc thì đến 70 tuổi họ vẫn đang còn làm việc bình thường. Rõ ràng về hưu nhưng không ai nghỉ hưu cả. Họ chỉ không giữ chức vụ quản lý nhưng vẫn cống hiến bằng kỹ năng, kinh nghiệm của mình.
“Cho nên nếu họ đã đến tuổi phản ứng không còn nhanh nhạy nữa nhưng vẫn còn sức khỏe thì phải chuyển sang làm việc khác để tận dụng được chất lượng nguồn nhân lực. Không thể lấy căn cứ tuổi nghề để quyết định cho nghỉ trong khi người lao động chưa đạt đến tuổi nghỉ hưu”- ông Lợi nói, đồng thời phân tích: Công nhân ngành may mặc, giày da hơn 40 tuổi đã cho nghỉ việc thì đó là “sử dụng lao động không đúng”. Những hiện tượng này gọi là “đẩy người lao động” ra khỏi nhà máy. Khi họ được đào tạo, học nghề, tuyển dụng vào làm việc thì họ trọn đời muốn làm, cống hiến cho anh. Đến tuổi mắt kém thì có thể thay đổi cơ cấu, ứng dụng công nghệ để cho họ làm việc khác mà chúng ta vẫn có thể sử dụng được lao động. “Hơn 40 tuổi mà bị đẩy ra đường thì họ sẽ sinh sống thế nào? Trong khi lúc trai trẻ đã bị doanh nghiệp khai thác hết sức lao động” - ông Lợi nêu vấn đề.
Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ -nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là vấn đề đáng suy nghĩ mà ông đã cảnh báo vài năm gần đây. Bởi không chỉ công nhân lao động mà ngay cả những người chưa bão hòa về tuổi nghề cũng bị cho nghỉ việc. “Nhiều người bị cho nghỉ việc ở tuổi 38 - 40 tuổi. Đây là tuổi chưa phải là già, nhưng cũng không còn trẻ nữa. Vẫn còn sức lao động mà bị cho nghỉ việc vậy họ sẽ làm gì?” - ông Thọ nói.
Từ đó, ông Thọ kiến nghị, tổ chức Công đoàn cần lên tiếng bảo vệ người lao động và kiến nghị người sử dụng lao động không tiếp tục gia tăng tình trạng trên. “Đây là lực lượng lao động tốt vì họ tích lũy kinh nghiệm trong 20 năm lao động. Giờ là lúc “xả” khả năng tích lũy để làm việc nhưng lại bị cho nghỉ việc. Cho nên phải phân tích cho người sử dụng lao động thấy được đây là cái đáng quý, nếu không sử dụng sẽ mất đi một nguồn lực rất lớn. Nhưng nguy hiểm hơn còn tạo ra hệ lụy khiến người lao động nghĩ rằng mình đang bị “vắt chanh bỏ vỏ”, bị cho nghỉ việc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu” - ông Thọ chỉ rõ.
“
Theo TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), về mặt nguyên tắc tuổi nghề không phải là tuổi quyết định nghỉ hưu. Khi chạm mốc tuổi nghề nhưng chưa đạt tuổi nghỉ hưu (sắp tới là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ) thì phải chuyển sang làm việc khác chứ không phải cho nghỉ. Việc cho nghỉ sớm dẫn đến tình trạng lương hưu thấp và lãng phí lao động.