Không để học sinh ngoài công lập 'biệt lập' với Đội

Việc nhiều trường phổ thông ngoài công lập chưa thành lập tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh đang tạo ra khoảng trống trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng cho thiếu nhi. Vì vậy, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất giải pháp nhằm đưa tổ chức Đội trở thành một phần không thể thiếu để học sinh trường tư thục không bị 'biệt lập' với Đội và có thêm môi trường rèn luyện, tự hào khi khoác lên mình màu khăn quàng đỏ.

Sáng 28/5, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức Hội thảo khoa học về “Thực trạng hoạt động của tổ chức Đội trong các trường ngoài công lập và giải pháp thành lập tổ chức Đội trong các trường phổ thông ngoài công lập”.

Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, các cán bộ Đội, các nhà nghiên cứu và thực tiễn giáo dục chia sẻ, phản biện và làm rõ những thách thức, cơ hội mới cho việc mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động Đội trong hệ thống giáo dục ngoài công lập, nơi đang thu hút ngày càng đông học sinh, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới về chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và kỹ năng cho thiếu nhi.

 Chị Lê Thị Hải Hà - Phó Trưởng Ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn và anh Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư chủ trì hội thảo.

Chị Lê Thị Hải Hà - Phó Trưởng Ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn và anh Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư chủ trì hội thảo.

Xây dựng "văn hóa Đội"

Tham luận với chủ đề "Vai trò của hoạt động Đội trong việc giữ gìn môi trường giáo dục giàu tính cộng đồng tại trường tư thục", TS. Nguyễn Thứ Mười - Phó trưởng khoa Công tác thanh thiếu niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã nhấn mạnh tới việc nhân rộng và xây dựng "văn hóa Đội" vững mạnh.

Theo đó, Hội đồng Đội các cấp cần quan tâm tổ chức các hội thảo chuyên đề kết hợp tham quan, trải nghiệm thực tiễn như: mời chuyên gia giáo dục, cán bộ Đoàn - Đội giàu kinh nghiệm chia sẻ các nghiên cứu, mô hình thành công về phát huy sức mạnh tập thể trong trường học, kết hợp tổ chức tham quan thực tế tại những cơ sở giáo dục đã xây dựng được “văn hóa Đội” vững mạnh như trường Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Siêu (địa bàn Hà Nội)...

Từ đó, lãnh đạo các nhà trường tư thục sẽ cảm nhận sâu sắc về vai trò tích cực của tổ chức Đội trong xây dựng môi trường giáo dục giàu tính cộng đồng. Trên cơ sở đó, phụ trách Đội xây dựng và ban hành quy chế phối hợp, lồng ghép các giá trị “đoàn kết - sẻ chia - sáng tạo” vào tiêu chí đánh giá chất lượng nhà trường cùng quy chế thi đua khen thưởng.

"Khi lãnh đạo hiểu rõ vai trò của hoạt động Đội sẽ chủ động tạo điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, khuyến khích giáo viên tổ chức các hoạt động Đội, nhờ đó môi trường giáo dục giàu tính cộng đồng được phát huy; năng lực tự quản, sáng tạo của học sinh được phát triển, đồng thời nâng cao uy tín và thương hiệu nhà trường trong phụ huynh và cộng đồng", TS. Mười nói.

 TS. Nguyễn Thứ Mười - Phó trưởng khoa Công tác thanh thiếu niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

TS. Nguyễn Thứ Mười - Phó trưởng khoa Công tác thanh thiếu niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Bên cạnh đó, Hội đồng Đội các cấp cần phát huy vai trò của các CLB Phụ trách thiếu nhi, Cán bộ Đội để kết nối, phối hợp vận hành “Mạng lưới phụ trách thiếu nhi” gồm các cán bộ Đoàn, Đội kinh nghiệm kèm cặp, hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ phụ trách Đội, cán bộ chỉ huy Đội mới của các trường tư thục, góp phần hỗ trợ giải quyết những khó khăn phát sinh, hướng đến nâng cao năng lực tổ chức và quản lí phong trào Đội tại các trường tư thục.

Tuy nhiên, việc áp dụng máy móc các mô hình hoạt động từ trường công lập có thể không đem lại hiệu quả cao. Trên thực tế, nhiều trường tư thục hiện nay chưa có giáo viên làm Tổng phụ trách Đội chuyên trách; công tác Đội chỉ là nhiệm vụ kiêm nhiệm, khiến các hoạt động Đội trong các trường này còn mang tính hình thức và thiếu chiều sâu.

Vì vậy, thay vì tổ chức sinh hoạt Đội gắn với chủ điểm hằng tháng ở các trường công lập, các trường tư thục có thể lồng ghép sinh hoạt Đội vào các hoạt động ngoại khóa hoặc tổ chức “sinh hoạt Đội số” để phù hợp với đặc điểm riêng của các trường này. Các hoạt động Đội được thiết kế dưới dạng dự án học tập kết hợp trải nghiệm thực tiễn như làm phim ngắn về chủ đề gia đình, bảo vệ môi trường, kỹ năng thoát hiểm, giúp học sinh thể hiện chính kiến, sáng tạo nội dung và tăng cường làm việc nhóm...

 Các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo.

Các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo.

Hội thảo tập trung thảo luận về thực trạng tổ chức và công tác Đội trong các trường phổ thông ngoài công lập trên cơ sở kết quả khảo sát tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển tổ chức Đội như cơ chế chính sách, nhận thức của ban giám hiệu, đội ngũ Tổng phụ trách, nguồn lực và môi trường văn hóa học đường. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất hệ thống giải pháp và kiến nghị chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để tổ chức Đội phát triển bền vững và phù hợp với đặc thù của các trường ngoài công lập.

Ngoài công lập chứ không "biệt lập"

Chia sẻ tại hội thảo, chị Nguyễn Thị Anh Thảo - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Đà Nẵng cho rằng, không để học sinh ngoài công lập cảm thấy "biệt lập" bằng cách tạo điều kiện để học sinh tại các trường ngoài công lập chưa có tổ chức Đội được tham gia các hoạt động cấp Trung ương và các hoạt động lớn của Đội.

"Đây không chỉ là cơ hội để các em tiếp cận với môi trường giáo dục toàn diện, mà còn là cách để lan tỏa giá trị, truyền cảm hứng, giúp học sinh cảm nhận được sự vinh dự và ý nghĩa sâu sắc khi tham gia tổ chức Đội.

Đồng thời, Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu các trường cũng sẽ cảm nhận rõ hơn sự quan tâm, trân trọng mà tổ chức Đội dành cho mọi đối tượng học sinh, không phân biệt công lập hay ngoài công lập", chị Thảo nói.

 Chị Nguyễn Thị Anh Thảo - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Đà Nẵng chia sẻ từ điểm cầu TP Đà Nẵng.

Chị Nguyễn Thị Anh Thảo - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Đà Nẵng chia sẻ từ điểm cầu TP Đà Nẵng.

Ngoài ra, chị Thảo cũng kiến nghị các cơ quan chức năng khi cấp phép thành lập đơn vị giáo dục ngoài công lập hoặc giấy phép hoạt động giáo dục cần xem xét lồng ghép các điều kiện, định hướng về việc thành lập tổ chức Đội, hoặc yêu cầu các đơn vị có cam kết phối hợp với Hội đồng Đội địa phương trong việc triển khai công tác Đội. Đây sẽ là nền tảng pháp lý thuận lợi để Hội đồng Đội các cấp có thể tiếp cận và xây dựng tổ chức Đội tại các đơn vị ngoài công lập một cách hiệu quả và bền vững.

Châu Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khong-de-hoc-sinh-ngoai-cong-lap-biet-lap-voi-doi-post1746190.tpo
Zalo