Không để gián đoạn khi chuyển giao

Bộ GTVT và Sở GTVT các địa phương đang chuẩn bị công tác chuyển giao nhiệm vụ sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) sang Bộ Công an.

Nhưng hiện nay, việc tiếp nhận hồ sơ cấp đổi GPLX vẫn diễn ra bình thường do ngành GTVT phụ trách, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên hoang mang, đổ xô đi đổi GPLX.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Những ngày qua, trước thông tin việc chuyển giao nhiệm vụ sát hạch, cấp đổi GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an sẽ thực hiện xong trước ngày 19/2, nhiều người dân lo lắng việc cấp đổi GPLX sẽ phải tạm ngưng, hoặc việc thay đổi cơ quan chủ quản sẽ dẫn đến khó khăn hơn trong các thủ tục cấp đổi GPLX. Trong khi đó, theo Thông tư 35/2024/TT-BGTVT, từ năm 2025, GPLX ô tô từ hạng B đến hạng DE quá hạn dù chỉ một ngày, chủ sở hữu cũng phải thi lại lý thuyết. Nếu quá hạn từ một năm trở lên, người sở hữu phải thi lại cả lý thuyết lẫn thực hành. Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều người dân đổ xô xếp hàng đi đổi GPLX dù chưa đến hạn.

Trung tâm sát hạch lái xe Hùng Vương, TP Phúc Yên. Ảnh: Công Hùng

Trung tâm sát hạch lái xe Hùng Vương, TP Phúc Yên. Ảnh: Công Hùng

Tại Sở GTVT Hà Nội, do số lượng người dân đến quá đông đã dẫn đến tình trạng quá tải tạm thời, bởi thông thường mỗi ngày Sở GTVT chỉ tiếp nhận khoảng 200 - 250 hồ sơ cấp, đổi GPLX. Trong khoảng một tuần trở lại đây, con số này tăng lên khoảng 400 hồ sơ.

Về vấn đề này, ngày 18/2, đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho biết, thông tin cho rằng lực lượng công an bắt đầu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ sát hạch, cấp đổi GPLX từ ngày 19/2 là chưa chính xác. Việc chuyển nhiệm vụ này còn phụ thuộc vào quyết định của cấp có thẩm quyền. Hiện, quá trình tiếp nhận hồ sơ cấp đổi GPLX tại địa phương vẫn diễn ra bình thường do các đơn vị thuộc ngành GTVT phụ trách.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, việc này cần phải có những hướng dẫn cụ thể cho người dân và DN nắm được thông tin, tránh tình trạng ồ ạt đi cấp đổi GPLX như những ngày vừa qua.

Đại diện Phòng Quản lý Vận tải phương tiện người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, hiện số phôi làm GPLX bảo đảm cấp đủ cho các Sở GTVT. Tuy nhiên, do nhiều người đi đổi GPLX nên gây ùn ứ tại các Sở GTVT, trong khi nhân lực và thiết bị in có hạn. Người dân không nên lo ngại việc chuyển đổi cơ quan thực hiện cấp, đổi GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, bởi ngành nào thực hiện thì việc cấp, đổi đều theo quy định, tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục thuận tiện, nhanh chóng.

Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Bộ GTVT tại cuộc họp ngày 11/2 về chuẩn bị bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sát hạch, cấp đổi GPLX từ Bộ GTVT về Bộ Công an, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, TP về việc chuẩn bị bàn giao nhiệm vụ. Để bảo đảm quá trình bàn giao diễn ra suôn sẻ và không ảnh hưởng đến việc cấp đổi GPLX của người dân và DN, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với công an địa phương để chuẩn bị đầy đủ nội dung cần thiết, sẵn sàng thực hiện ngay khi có yêu cầu.

Trong đó, các Sở GTVT phải có kế hoạch sát hạch phù hợp, thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX và hoàn thành việc cấp đổi GPLX với các trường hợp đã nộp hồ sơ tại các sở GTVT trước thời điểm trên. Đồng thời, thực hiện rà soát, dự báo số lượng phôi ấn chỉ GPLX cần sử dụng phục vụ cho nhu cầu cấp, đổi GPLX đến tháng 2/2025, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp, đặt sản xuất; chủ động lập kế hoạch sử dụng có hiệu quả phôi ấn chỉ GPLX đã đặt sản xuất, tránh để thừa và làm phát sinh tăng khối lượng phôi ấn chỉ.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục và chuyển đổi số

Đại diện Cục CSGT thông tin thêm, thực hiện Kết luận số 121-KL/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Đảng ủy Công an T.Ư đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an khẩn trương tham mưu đề xuất phương án tiếp nhận, bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT về Bộ Công an, bảo đảm các nguyên tắc: việc bố trí, sử dụng cán bộ phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, tránh phát sinh biên chế, đầu mối tổ chức, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Phân cấp, phân quyền cho các tổ chức, cá nhân đủ các điều kiện thực hiện, áp dụng triệt để công nghệ thông tin và Đề án 06 trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cung cấp và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, giải quyết công việc trên môi trường điện tử. Quá trình bàn giao, tiếp nhận nhiệm vụ giữa Bộ Công an và Bộ GTVT bảo đảm mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức diễn ra liên tục, không ngắt quãng, không ảnh hưởng đến những hoạt động bình thường của người dân và DN.

Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trao đổi, thống nhất, đồng thuận các nội dung, hình thức, phương pháp tiếp nhận, bàn giao; có văn bản hướng dẫn cụ thể công an các đơn vị, địa phương và các Sở GTVT thực hiện. Bộ Công an giao Cục CSGT tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ tương ứng Cục Đường bộ Việt Nam, cấp tỉnh giao Phòng CSGT tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ tương ứng Sở GTVT, cấp xã thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp GPLX để phục vụ Nhân dân ngay tại cơ sở.

Hiện nay, công an các đơn vị, địa phương đang khẩn trương tổ chức tập huấn cấp thẻ sát hạch viên bảo đảm đủ số lượng, đáp ứng trình độ và tập huấn sử dụng phần mềm quản lý sát hạch, cấp GPLX phục vụ Nhân dân ngay khi tiếp nhận. Đồng thời, Bộ Công an cũng đang gấp rút hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sát hạch, cấp GPLX và tổ chức bộ máy, phân công, phân cấp khi không bố trí công an cấp huyện để bảo đảm về hành lang pháp lý đầy đủ, sát thực tế.

Định hướng thời gian tới khi thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sát hạch, cấp GPLX Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống phần mềm, trang thiết bị, áp dụng thống nhất trong cả nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ yếu giải quyết công việc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước theo Đề án 06; đẩy mạnh số hóa hồ sơ khi làm thủ tục đổi, cấp lại GPLX; tự động tích hợp GPLX của người dân khi cấp mới, cấp đổi, cấp lại lên các ứng dụng để thuận lợi cho quá trình tra cứu, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Người dân có thể nộp hồ sơ đổi GPLX ngay tại xã, phường, thị trấn và đăng ký tham gia sát hạch tại bất cứ địa phương nào trên toàn quốc sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo lái xe, không phụ thuộc vào địa giới hành chính và nơi đào tạo như hiện nay; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát trực tiếp và thông qua các thiết bị, kỹ thuật để bảo đảm lực lượng thực thi nhiệm vụ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Việc bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và cải thiện chất lượng dịch vụ cấp đổi GPLX trên toàn quốc. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lúng túng hay bối rối với người dân và DN, Sở GTVT các địa phương cần công khai thông tin về quá trình chuyển giao, những thay đổi sẽ diễn ra và các bước cụ thể mà người dân cần thực hiện. Đồng thời, có bộ phận hỗ trợ để giải đáp thắc mắc cho người dân, tránh tình trạng người dân lo lắng và đổ xô đi xếp hàng đổi GPLX như vừa qua.
Chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan

Mai Chi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-de-gian-doan-khi-chuyen-giao.html
Zalo